Trẻ Tự Kỷ – triệu chứng và phương pháp điều trị hiệu quả
Theo thống kê mới nhất, số lượng trẻ tự kỷ tại nước ta những năm gần đây đang có xu hướng tăng cao. Thế nhưng, nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội về tự kỷ ở trẻ vẫn còn nhiều thiếu sót và nhầm lẫn, gây ra những khó khăn cho trẻ tự kỷ trong việc điều trị. Thực tế thì trẻ bị tự kỷ có dấu hiệu nhận biết như thế nào? Nguyên nhân do đâu? Có thể chữa được không và cần chăm sóc ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết ngay sau đây!
Trẻ tự kỷ là gì
Tự kỷ nói chung là tên gọi của một hội chứng khi người mắc phải bị khiếm khuyết trong giao tiếp, trong tương tác với mọi người, gặp khó khăn trong việc kiểm soát ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc,… dẫn đến việc suy giảm giảm khả năng hòa nhập vào xã hội. Theo đó, trẻ tự kỷ được hiểu đơn giản là những trường hợp mắc phải hội chứng như trên với tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng tùy từng người. Các rối loạn đó có thể khởi phát sớm từ khi trẻ trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài về sau.

Biểu hiện chung của tự kỷ ở trẻ bao gồm những khiếm khuyết trong 3 lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. Đồng thời, trẻ thường có rối loạn cảm giác, có thể kèm theo tăng động và trí tuệ kém hơn cho một vài trường hợp khác nhau. Bên cạnh đó, còn có giả thuyết đặt ra rằng tự kỷ trẻ em được cho là bệnh lý của não vì có rối loạn phát triển thần kinh (như có thay đổi cấu trúc tiểu não, thùy trán, thùy thái dương hay thiếu hụt hoạt hóa cấu tạo lưới, bất thường về sinh hóa thần kinh) do có những gen bất thường.
Ở Việt Nam, số trẻ tự kỷ đang ngày một tăng cao và không ngừng tăng lên theo từng năm (dựa trên số liệu từ khoa Phục hồi chức năng trực thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương). Thế nhưng việc nhận biết triệu dấu hiệu để chăm sóc và điều trị bệnh tự kỷ cho trẻ vẫn chưa được quan tâm nhiều.