24 giờ thay đổi nhận thức

https://tretuky.com/baiviet/27/24-gio%CC%80-thay-do%CC%89i-nha%CC%A3n-thu%CC%81c.aspx

24 giờ thay đổi nhận thức

Trước đây, tôi lờ mờ biết về chứng tự kỷ (autism). Biết là có những người mắc chứng tự kỷ, nhưng không biết cụ thể như thế nào và liệu những người đó có hòa nhập được vào cuộc sống hay không?

Sau khi xem tình cờ xem clip “Âm thanh và cuồng nộ” trên blog “Một góc nhỏ và khuất”, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi những vần thơ gan ruột, những tiếng kêu tưởng như vô vọng của một người mẹ có con tự kỷ trước sự nghiệt ngã của số phận.

Tôi nhờ Like2Chat, chủ của blog xin tác giả cho phép đăng lại bài thơ trên blog của tôi. Like2Chat đã bỏ nhiều thời gian thuyết phục và cuối cùng cũng nhận được sự đồng ý. Cô phải ngồi gõ lại từng dòng của bài thơ dài gần 280 câu này. Rồi không yên tâm, vì bài thơ chứa khá nhiều những điều mà chỉ những người trong cuộc mới biết, nên Like2Chat phải thận trọng chú thích từng điểm một. Cô mong mỗi câu thơ phải được người đọc hiểu đúng.

Vài giờ sau khi được post, bài thơ đã nhận được rất nhiều comments. Những phụ huynh có con tự kỷ đóng góp thêm những đường link hữu dụng để những người chưa có chút hiểu biết nào về tự kỷ như tôi có thể tìm hiểu thật nhanh những vấn đề về lý thuyết. Họ cũng không ngần ngại bày tỏ những ý nghĩ, cảm xúc riêng…

Các blogger khác như Đàm Hà Phú, Vân Lam cũng đã rất nhanh tay đưa “Âm thanh và cuồng nộ” về blog của họ để có thêm nhiều người đọc và biết. Đã có những người bày tỏ sự quan tâm tới hội thảo về trẻ tự kỷ. Đã có những người lên tiếng sẵn sàng đóng góp vật chất (dù còn ở mức khiêm tốn) cho các hoạt động hướng tới nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ.

Có thể nói “tảng băng thờ ơ” đã bắt đầu khe khẽ cựa mình.

Các bạn có con tự kỷ ơi, đừng quá buồn và thất vọng khi xã hội còn chưa hiểu biết gì và có thái độ thờ ơ về vấn đề mà con bạn mắc phải. Bao nhiêu năm qua xã hội chúng ta đã bao giờ nói đến tự kỷ đâu, các trường đại học y chắc cũng không có chuyên khoa nghiên cứu tự kỷ và cách điều trị. Cho nên, các bạn phải là những người đầu tiên giúp xã hội nhận thức rõ vấn đề mà gia đình các bạn đang phải đối đầu.

Bạn Vinh Hạnh, một bà mẹ có con tự kỷ cho hay: “Khi duyệt phương án tổ chức Đi bộ, có nhiều phụ huynh tự kỷ đã băn khoăn liệu có được 20 nhà tham gia không, vì ai cũng đôi chút tự ti và xấu hổ, nhiều bố mẹ vẫn chưa biết/đủ dũng cảm để chấp nhận và giải thích/thông báo với bạn bè, nên tham gia Đi bộ, nhỡ đâu, đùng một cái, cả nhà lên báo-TV thì sao?????”

Cuộc Đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm đã tổ chức xong và số lượng các gia đình có con tự kỷ tham gia khá đông (400 gia đình). Họ đã vượt qua được “đôi chút tự ti và xấu hổ”… Cá nhân tôi nghĩ rằng, hơn ai hết các ông bố bà mẹ có con tự kỷ phải đi đầu trong các chiến dịch truyền thông về tự kỷ cho cộng đồng. Đừng e ngại gì cả. Nếu vẫn còn ai đó trong số các bạn tự ti và xấu hổ, thì tức là sẽ vẫn còn những phân biệt đối xử, những hiểu lầm và những dửng dưng trong cộng đồng đối với những em bé – thiên thần của các bạn.

Và cũng sẽ vẫn còn chỗ cho những lưỡi dao vô tư gây tổn thương cho tâm hồn của chính các bạn.

Có những người có khả năng thay đổi nhận thức rất nhanh, trong vòng 24 giờ, như các blogger đọc và comment ở đây. Nhưng không phải tất cả mọi người đều có khả năng như vậy. Hy vọng, những ông bố bà mẹ có con tự kỷ hãy tiếp tục những nỗ lực bền bỉ của mình nhằm giúp cộng đồng hiểu đúng vấn đề tự kỷ và có thái độ đúng đối với những người tự kỷ.

Đừng bao giờ ngã lòng, các bạn nhé!

Theo Blog của VMC

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *