ABA/VB: NHỮNG THỨ NÊN LÀM, NHỮNG THỨ CẦN KHẮC PHỤC

Mở cái topic này, nhưng mình biết khó có thể viết ra chỉ bởi một phụ huynh, cũng khó có thể viết trong một vài trang giấy, bởi vì nó là một phương pháp, không ai đi hết và hiểu hết độ dài và độ rộng của nó, kể cả những tư vấn viên mới vào nghề chứ chưa nói gì đến một phụ huynh chỉ biết mỗi con mình.

Mình được trải qua những ngày can thiệp cho con ở nơi đây, một đất nước phải nói là giàu và văn minh, nhân mạng con người được đề cao (mỗi năm tai nạn chết người vì giao thông không quá 10 người, trong khi ở nước ta mỗi ngày con số ấy có thể lên đến chục hoặc trăm), và đặc biệt người khuyết tật thì rất được quan tâm (từ sau đại chiến thứ II). Vậy mà tất cả những gì họ làm cho tự kỷ giống như là một món thập cẩm giống như chúng ta vậy.

 

Bởi vậy mình tin rằng con đường mà các phụ huynh VN chúng ta đã và đang đi là đúng. Chỉ có điều chúng ta thiếu những thông tin đúng, thiếu những người có chuyên môn để dìu dắt bước đường can thiệp cho con chúng ta. Điều ấy chúng ta phải hoàn thiện dần dần. Mình đã từng hoang mang (vì thế mình mới phải ra đi), mình cũng đã từng không an tâm khi mình chưa biết rõ ABA/VB – một phương pháp nổi tiếng trong cái bàn tiệc các phương pháp can thiệp tự kỷ, khi biết nó rồi thì mình thực lòng đã an tâm. Nhưng mình cũng như các bạn, chẳng ai hài lòng với chỉ một phương pháp khi mà trên thế giới có tới dăm bảy phương pháp để cho chúng ta học tập.

 

Mình và một số mẹ đã theo ABA/VB muốn mở topic này để góp phần bổ sung thêm thông tin cho cái bàn tiệc để các bạn chọn món ngon cho con.

 

Rất mong nhận được thêm nhiều chia sẻ của tất cả các bạn.

 

 

  1. Những thứ nên làm (trong rất nhiều thứ mà mình chưa biết hết):

 

Nhận thức của mình về ABA/VB đến nay là:

1)      Là một phương pháp hay để dạy con ngôn ngữ

2)      Chỉnh sửa hành vi cho con

3)      Rèn kỹ năng học tập

4)      Rèn luyện sự tinh nhanh, phản xạ của một đứa trẻ

5)      Dạy kiến thức tĩnh: thông qua kỹ thuật học ở trên bàn, học từ tự nhiên (NET), trò chơi, tương tác, … Nhưng xin lưu ý là các giáo trình của ABA/VB cũng viết rõ không ưu tiên dạy kiến thức học đường (toán, đọc, viết, đánh vần) nhé. Mà chỉ tập trung rèn kỹ năng chuẩn bị cho trẻ đến trường (như mình đã liệt kê ở trong các topic Đọc sách tự kỷ, …).

6)      Riêng về kỹ năng sống: phương pháp nào cũng rèn kỹ năng sống được, và cách rèn kỹ năng sống của ABA cũng là từ thực tế là chính, nếu khó hiểu thì ban đầu có thể phụ giúp bằng tranh ảnh (thì đó TEACCH, PECS cũng làm), nhưng cuối cùng thì vẫn là phải dạy từ thực tế vì đó là hành động của cuộc sống chứ không chỉ là kiến thức trong não bộ, dùng thì dùng không dùng thì thôi. Nhưng cái hay của ABA/VB là khi bạn theo giáo trình của nó, nếu bạn là người ít kinh nghiệm, bạn biết phải dạy con kỹ năng gì, và dạy cái gì trước cái gì sau. Và chỉ cần đọc lướt qua thì bạn đã nắm được nó chứ không phải mất công hiểu nguyên lý gì cả, nó là cuộc sống của bạn thôi.

 

Cả 6 thứ ấy của ABA (và còn nhiều thứ khác mình chưa biết hết) thì chúng ta đều nên học tập và làm, nó chẳng có gì sai cả.

 

Cái số 5 và số 6 hình như chúng ta đã làm quá đà, quá nhiều khi chúng ta chỉ cần học mót là làm được. Nhưng cái số 1 đến số 4 thì chúng ta rất cần phải hiểu đúng nguyên lý (như chị Meo99 đã có lần comment).

 

Mình có một số sách bằng tiếng Anh về nguyên lý ABA/VB, mình tin là đa số các bạn cũng không có thời gian, điều kiện để đọc nó. Và bản thân mình thấy nó cũng không quan trọng, vì sách sẽ viết rất nhiều thứ mà sau khi vật lộn đọc nó bằng ngôn ngữ lạ, thì chúng ta lại thấy là chúng ta có thể học nó rất nhanh chỉ bằng những bài viết ngắn ngủi tóm tắt về ABA mà ở diễn đàn đã viết rất nhiều. Sách thường thế mà, bao giờ chẳng phải đầy đủ mở bài, thân bài, kết luận. Ngay cả cuốn sách “Một công việc đang tiến triển” – một trong những giáo trình ABA đấy, đọc đến đau cả đầu, mà vật lộn mãi mình mới đọc xong đấy.

 

Mình không phủ nhận giá trị của sách, nhưng có những điều chúng ta không nhìn thấy trong sách, mà cần phải có chia sẻ của phụ huynh, những người đã hiểu đúng và làm đúng ABA/VB.

 

1) Kỹ thuật Pairing và Manding – một trong những kỹ thuật mà mình thấy vô cùng hay để dạy con phát triển ngôn ngữ.

 

Mà kỹ thuật đó có ở khắp mọi nơi, trong topic trị liệu ngôn ngữ, anh trungnguyen (hơn tuổi mình nhiều) cũng đã post một video về dạy con ngôn ngữ, mình thấy họ áp dụng kỹ thuật Pairing và Manding đấy.

 

75% thời gian là Pairing, 25% là dạy học.

 

– Đừng bao giờ nói “hãy nhìn vào mắt mẹ”, điều mà mình thấy ko chỉ ABA cũ mà nhiều phương pháp cũ đều áp dụng vậy.

– Hãy giao tiếp với trẻ bằng âm vực và giọng nói giống như là người ngoài xã hội sẽ giao tiếp với trẻ.

– Những cường điệu,… mà bạn học được của RDI cũng là điều rất tốt để áp dụng khi giao tiếp với con, cái đó không xung đột với ABA và lại rất chi là đời sống xã hội, người bình thường cũng làm vậy mà.

 

Xin bạn đọc kỹ phần Pairing mà mình đã post trên diễn đàn. Nếu thực hiện tốt phần này, bạn sẽ phát triển cho con rất nhiều kỹ năng, trong đó có cả kỹ năng chơi, tương tác, và bản thân mình có hỏi tư vấn viên, họ nói có thể học các ý tưởng của RDI phối hợp trong phần này nữa. Bản thân ABA/VB cũng có một danh mục các bài có thể làm trong thời gian Pairing, và mỗi cháu có những danh mục bài khác nhau (con nhà mẹ Meisen và con mình có list khác nhau). Tuy nhiên, cái hạn chế của nó là họ không chỉ rõ phải làm thế nào, mà cha mẹ phải sáng tạo ra. Ví dụ họ cũng liệt kê trò chơi trốn tìm, bịt mắt bắt dê, … nhưng làm thế nào để con mình cảm hứng chơi một cách chủ động thì lại tùy gia đình. Nhưng tại sao cha mẹ lại sáng tạo được ? Mình đã học được thông qua một nguyên lý như là kim chỉ nam xuyên suốt phần Pairing đó là « Tạo cho con động cơ », như vậy cha mẹ hãy nghĩ xem cái gì con thích, thì con sẽ làm nó với vẻ hào hứng.

 

Ví dụ bạn xem cái video Pairing xích đu và trốn tìm mà mình đã post rất rộng rãi. Khi con đang thích chơi xích đu, và con cần mẹ đu cao cho con, rồi mẹ trốn đi, con đã vui vẻ đuổi theo tìm mẹ, qua đó con học được thích thú của sự trốn tìm. Những ngày sau con đã chủ động trốn mẹ khi hai mẹ con đi trên đường, mẹ tìm được và ú òa, con vui lắm. Mình có xem video của một bé có vẻ là ít tự kỷ thì cháu ấy tham gia những trò chơi này là đơn giản, nhưng một bé tự kỷ điển hình như con mình thì kích để cháu hòa nhập với những trò chơi là cả một quá trình.

 

Mình sẽ dần dần viết những gì mà chị T đã làm ở phần Pairing và Manding (bên cạnh phần dạy học trên bàn) để kéo đứa con rất nặng của chị trở về với gia đình.

 

Nhưng có thể tóm tắt một chút là :

 

Trước khi hiểu thế nào là ABA/VB, con chị T đã được can thiệp vài năm bởi trung tâm tự kỷ, bởi chuyên gia ngôn ngữ, … và một trị liệu rất tốt cho mọi tự kỷ đó là nhà trẻ hoặc trường học ở đây. Và ở nhà chị đã dạy cháu học tên các sự vật hiện tượng qua tranh ảnh. Cháu cũng thuộc. Nhưng cháu không có ngôn ngữ đáng kể, không sử dụng ngôn ngữ.

 

Khi chị áp dụng kỹ thuật Pairing và Manding, và sau vài tháng thì áp dụng kỹ thuật giảng dạy (25% thời gian) thì ngôn ngữ của cháu đã phát triển. Ví dụ: muốn con nói « mở » (dù chỉ là một âm « m » hay là ký hiệu cơ thể) thì bạn phải khóa cửa lại, muốn con nói uống thì bạn phải để nước ở trên cao, muốn con nói « dứa » là thứ con thích ăn thì bạn phải để ngoài tầm với của con, muốn con nói « quay » thì bạn cho con ngồi lên ghế quay được, khi muốn con nói « bay » thì bạn phải làm trò máy bay, khi muốn con nói « bế » thì bạn bế bổng con lên, rồi con nói « tung » thì bạn sẽ tung con lên, khi muốn con nói « chạy » thì bạn và con chạy, cù kỳ, … tất cả phải là những thứ mà trẻ THÍCH. Theo kinh nghiệm, những thứ mà trẻ tự kỷ thích thường liên quan đến cảm giác của chúng (quay tròn, tung cao, cù, đu võng, xích đu, chạy, …) hoặc một số đồ chơi, một số thứ ăn.

 

Bằng thời gian Pairing, không những bạn dạy con ngôn ngữ mà còn dạy con sự sáng tạo các trò chơi.

 

Và cũng cả những việc làm mà con thích. Như MC thích ăn, thích nấu ăn, thích tưới nước, thích bơi, thì đó là hoạt động pairing tốt.

 

2) Những nguyên lý để chỉnh sửa hành vi, mình cũng post ở diễn đàn rồi. Đọc nguyên lý cần phải có ví dụ thực hành, nên bạn nào muốn hiểu sâu hơn, mình nghĩ các bạn nên họp lại rồi nhờ chị Meo99 giảng lại cho.

 

Trong các nguyên lý ấy, thì có nhiều hành vi sử dụng nguyên lý “tảng lờ” như trong giáo án của nhà Meisen đã viết, và mình cũng áp dụng cái đó với MC, có hiệu quả.

 

Tuy nhiên, không phải mọi hành vi đều sử dụng cái này được. Nói chung nó rất là DÀI và RỘNG như cái sự phức tạp của Phổ tự kỷ, nên không thể nói ngắn mà hết ý được.

 

3) Rèn kỹ năng học tập:

 

Cái này nó là xuyên suốt một hệ thống, cũng không thể nói hết ý được. Nhưng ít nhất cái quy trình giảng dạy (learning procedure) sẽ là kim chỉ nam để bạn hướng tới điều này.

 

Trong phần này bạn phải lưu ý sử dụng thành thạo các “Thẻ hệ thống”. Mình nợ mấy mẹ về việc viết cách sử dụng “thẻ hệ thống”, có lẽ mình vắn tắt đôi điều về nó ở đây nhé.

 

Nếu chúng ta xem video một quy trình giảng dạy ABA/VB thì chúng ta cứ ngỡ ôi giào, ai lại đi hỏi mũi con đâu, mắt con đâu suốt ngày thế, hay là sao lại dạy con “khi con đói bụng thì con ăn … rồi yêu cầu con điền chữ “cơm“ vào), đúng là robot.

 

Khi hiểu rồi, mình và chị T hay trao đổi với nhau như sau (bởi vì con chị ấy và con mình nặng nhẹ khác nhau nên sự phân tích của chị ấy cũng khác của mình):

–         Các nội dung trong bộ thẻ hệ thống, chúng ta không sử dụng nó toàn bộ hơn 200 thẻ ấy cho mọi trẻ, mà là theo từng giai đoạn nhận thức của đứa trẻ.

 

o       Ví dụ hiện nay bé Meisen mới theo và chưa có ngôn ngữ (cháu mới có tiền ngôn ngữ cách đây vài tuần thôi). Thì chỉ Pairing, Manding chứ chưa dùng gì đến quy trình giảng dạy, và chưa dùng đến thẻ hệ thống này.

o       Con nhà mình mới theo tư vấn viên ABA/VB vài tháng, ngôn ngữ của cháu thì tiến xa hơn con chị T, cháu nhận thức gần hết các nội dung tương đương thẻ hệ thống từ trước ấy, mình không phải dạy lại, nhưng phần hội thoại – Intravebal (kiểu như địa chỉ nhà con là …; những thứ để ăn là …) thì tư vấn viên nói không nên áp dụng cho con bây giờ, CHỈ sử dụng thẻ hệ thống nào mà con hiểu (bằng tiếng Đức mà).

o       Con nhà chị T đã theo ABA/VB hơn 3 năm thì mẹ cháu đã sử dụng toàn bộ thẻ hệ thống, cháu trả lời/ đáp ứng với hơn 200 thẻ ấy rất nhanh. Mẹ cháu nói, nhiều cái là cháu học vẹt. Vì cháu không có khả năng nhớ và tiếp thu tốt như MC.

 

Nhưng quy trình giảng dạy chị làm cực tốt, perfect hơn bất cứ video nào mà mình đã xem. Con chị ấy đáp ứng cũng cực nhanh. Và qua đó trí óc của cháu phát triển tốt, để thông qua đó học thứ khác. Điều này mình công nhận, chuẩn luôn. Con của mình cũng đã nói tiếng Việt và tiếng Đức DỄ hơn từ khi mà cái não được vận hành theo kiểu liên tục liên tục được kích thích. NHƯNG cái cách kích thích này là cái cách contact (tương tác) chứ không phải là nạp kiến thức đâu. Thật là khó nói nhỉ. Chị T cứ ước ao khi con khá hơn để về VN, đến thăm những vùng quê và làm thực tế để cho các mẹ nhìn cho rõ. Chứ viết sao khó quá, sợ lại còn làm biến nó sai đi….

 

Ví dụ:

–         Bày đồ chơi khắp nhà, con thích cái gì con sẽ chơi (mẹ sẽ ở bên để con Manding cái con thích).

–         Con thích chạy thì mẹ chạy cùng con – nói “chạy” – 1 Manding nhé

–         Con thích bế bổng mẹ bế con lên – nói ‘bế” – 1 Manding nhé

–         Rồi nhân con vui lại kéo con về bàn hoặc học trên sàn nhà một tí, nhưng khi dạy con cái gì mới là phải áp dụng quy trình dạy học: để dạy 1 thứ gì đó, thì theo quy trình giảng dạy sẽ có khoảng dăm bảy lần tương tác (bằng các câu hỏi để dạy và cả câu hỏi về thẻ hệ thống) – cứ cho là 7 tương tác nhé

–         Vài phút con và mẹ lại chơi, và khi Pairing này là không được dạy cái gì cả, không được hỏi con cái gì, không được yêu cầu con làm gì mà con không thích, chỉ làm thứ con thích, cũng không hỏi thẻ hệ thống, nhiệm vụ của mẹ là tạo ra tình huống để con thích và Manding thật nhiều – lại Manding

–         Hoặc con muốn đi toilet phải khóa toilet vào, con sẽ phải nói “mở”, …cởi khuy quần, … – lại Manding

–         Cứ như thế, như thế, …. n lần trong ngày, và như vậy có tới hàng ngàn lần tương tác với con.

 

Cứ liên tiếp tuần hoàn thế, con sẽ rất vui, chỉ có mẹ là mệt, cái não của mẹ phải linh động, phải lựa lúc nào nên dạy cái gì, lúc nào nên làm gì. Phải tinh ý và hiểu con mới làm được tốt.

 

4) Rèn luyện sự tinh nhanh, phản xạ của một đứa trẻ

 

Cái này cũng rõ như mình đã nêu ở phần 3. Kể cả phần 2 cũng góp phần làm cái này.

 

Mà nói chung là tất thảy mọi thứ đều làm nên kết quả cho ra một đứa trẻ bớt hành vi, đáp ứng nhanh với mọi thứ xung quanh, … ôi rất chi là khó diễn tả.

 

Như có lần mình đọc ở đâu đó, chị Meo99 có viết cái được nhất khi chị làm ABA là con chị ngoan, biết nghe lời, đáp ứng nhanh, … cái đó là niềm mơ ước của tất cả các bà mẹ nuôi con nhỏ. Nhiều đứa trẻ tự kỷ còn ngoan hơn đứa trẻ bình thường (điển hình là MC và em của MC đang ở tuổi bướng bỉnh, hay là có lần mẹ ckb viết hò đò không Vip còn khó hơn Vip). Thực ra, Vip đúng là được quan tâm và dạy dỗ chu đáo hơn không Vip đấy. Mình đang phải dạy học cho cả mấy nhóc không Vip đây, vui thì có vui mà cũng phải lên giáo án, chương trình đàng hoàng đấy, cũng phải có mưu mẹo để mà khích tướng để các chàng và các nàng đua nhau học.

 

Cái số 5) và số 6) thì mình đã viết ở trên đầu rồi nhé. Cái này chúng ta cũng bàn nhiều rồi, và có thể sẽ bàn tiếp nữa.

 

Cái hạn chế cũng là từ cái số 5) đấy.

 

  1. Có một vài kinh nghiệm (trong số những thứ mình chưa biết hết) cần nên tránh đó là:

 

–         Chỉ dạy kiến thức trong tầm tuổi khôn của con, bám cái tuổi khôn của con và bám vào sách giáo trình để lên chương trình dạy học

–         Dạy cái gì nên hành cái đó, chứ không chỉ dạy trên bàn, sắp xếp vào ngăn nào đó của não rồi có khi chưa và chẳng bao giờ dùng đến cả

–         Mọi người mẹ hãy tự đặt câu hỏi: “Biết nhiều thì cũng tốt nhưng mà biết để làm gì”

–         Linh động trong mọi cách giảng dạy và giao tiếp với con để tránh sự robot, lập trình. Phá lập trình bằng sự đa dạng hóa trong cách giảng dạy. Và NET (giảng dạy trong môi trường tự nhiên) chính là cái mới của ABA/VB và khắc phục được phần nào.

–         Sự lập trình ở mức nào còn do chính đứa trẻ chứ ko chỉ do cách giảng dạy. Như con mình được can thiệp theo một mớ lẩu thập cẩm, và cháu có lập trình nhưng rất ít. Mình có nhiệm vụ chặn hết các cái lập trình không thích hợp đó. Nhưng mình cũng có nhiệm vụ hiểu tự kỷ, hiểu con để cho con những cái lập trình giúp con sống vui, sống yên tâm và sẽ tự nguyện đi vào thế giới của chúng ta (vì thế mình hay đọc các suy nghĩ của tự kỷ trưởng thành và nghe lời khuyên của họ).

 

Còn nhiều điều nữa chúng ta cần viết, cần tranh luận với nhau lắm lắm.

 

Mẹ MC

Theo dõi chủ đề trên trong diễn đàn:

tretuky.com/forum/yaf_postst742_ABAVB-nhung-thu-nen-lam–nhung-han-che-can-khac-phuc.aspx

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *