BIO – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG (PHẦN 1) (Chia sẻ của mẹ MC)
Tretuky.com: Trị liệu y sinh (gọi tắt là BIO) được rất nhiều phụ huynh quan tâm, nhưng không rõ phải bắt đầu từ đâu. Đây thuộc một trong những liệu pháp can thiệp phức tạp nhất đối với tự kỷ. Cảm ơn mẹ MC, một trong những phụ huynh tiên phong về BIO đã gửi các phần chia sẻ của mình, giúp các cha mẹ khác hình dung được con đường can thiệp này. Mời mọi người theo dõi chuỗi bài viết về BIO của mẹ MC sẽ được giới thiệu lần lượt trong thời gian tới đây.
5/5/2011
Chào các bạn nhóm Bio Hy Vọng, chào tất cả các bạn đang và sẽ theo trị liệu Bio. Chúng mình đã tìm đến với trị liệu Bio (y sinh) từ năm 2008, khoảng 30 người đã lập nhóm Bio Hy vọng, do một DAN! doctor, bác sỹ Erwin ở Singapore sang VN khám và kê đơn. Chúng mình cùng nhau tổ chức khám, xét nghiệm, mua thuốc. Và nhóm duy trì hoạt động tích cực được cỡ 2 năm. Có rất nhiều tài liệu chúng mình hướng dẫn nhau cùng tìm hiểu về trị liệu y sinh để theo đơn của bác sỹ cho chính xác nhưng chúng mình chưa bao giờ post lên web nào cả. Lý do lớn nhất đó là bởi vì cái trị liệu này nó rất là khó diễn tả, phải vào cuộc, và phải theo bác sỹ nào đó thì cố mà lèo lái hiểu theo cái lối của bác sỹ ấy, và nó còn có quá nhiều mặt trái bên cạnh mặt phải.
Bây giờ sau khi đã đi một chặng đường tương đối đủ để có thể nói đôi điều, mình xin chia sẻ chút ít bằng bài viết Bio một chặng đường – phần 1.
Mình tin là bạn nào mà quyết tâm theo Bio thì sẽ thấy vô cùng bổ ích khi đọc các mớ tài liệu mà mẹ Dê (Hà Dương) đã chia sẻ. Các bạn sẽ tốn công đọc và phải suy ngẫm và link lại giữa các bài viết với nhau để mà hiểu. Khó lắm, không có chuyên môn mà đọc về Bio thì càng khó hơn. Bái phục mẹ Hà Dương chịu khó nghiên cứu rồi dịch và viết. Mẹ Hà Dương chịu khó chia nhỏ các topic (như là Trị nấm/ Bổ sung kim loại/ Bổ sung vitamin/ Bổ sung dầu cá/ Thải độc/ Ăn kiêng …) để trao đổi trên diễn đàn thì những phụ huynh sau dễ theo dõi hơn. Cảm ơn bạn nhiều.
Về trị liệu y sinh, như mình và mẹ Hà Dương đã từng nói, khi bạn quyết định theo một bác sỹ nào đó là bạn đã chọn hướng điều trị theo bác sỹ ấy.
Mình đã tham khảo cả cách điều trị của bác sỹ Trodd (Hongkong – ít phải làm xét nghiệm và ít thuốc nhất), bác sỹ Erwin (Singapore – phải làm nhiều xét nghiệm và nhiều thuốc nhất), bác sỹ Kenneth Bock (Mỹ, mình theo dõi 1 giờ tư vấn của bác sỹ này khi ông đến Hongkong tổ chức hội thảo dành cho các phụ huynh vào tháng 3 năm 2009 – cũng phải làm nhiều xét nghiệm và thuốc thì ở mức tương đối), bác sỹ Faraji (Đức – cũng phải làm một số xét nghiệm và thuốc ít, ông này cũng có con tự kỷ nặng) và mình có tham khảo vài cuốn sách viết về trị liệu y sinh; thì mình thấy rằng nó cũng có những điểm chung.
Mình suy nghĩ là chúng ta có thể theo 3 phương án:
– Phương án 1: Nếu các bạn không theo trị liệu Bio thì cũng nên tham khảo để hiểu những lý thuyết cơ bản của trị liệu này, thực sự là có ích để chăm sóc đứa con đặc biệt của chúng ta vốn không hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần.
– Phương án 2: Nếu bạn nào muốn theo Bio “nửa mùa” cũng được, bổ sung một số thứ mà không cần đơn của bác sỹ, và cũng có thể thử cho con ăn kiêng nếu bé quá tăng động.
– Phương án 3: Nếu các bạn quyết theo trị liệu Bio đến cùng thì xác định là rất tốn thời gian, tiền bạc và tâm sức.
Khi ấy, các bạn nên có một tổ chức quy mô, và mời bác sỹ có uy tín và tâm huyết để dẫn đường chỉ lối một cách lâu dài. Thực ra nếu số lượng bệnh nhân ít và số tiền cũng ít thì chúng ta khó mà tìm được bác sỹ có đủ hai tiêu chí Tài và Tâm. Nếu có nhiều bệnh nhân thì bác sỹ càng nhiệt tình hơn. Đã theo trị liệu này thì phải làm xét nghiệm nếu không thì chỉ theo phương án 1 hoặc 2 ở trên thôi. Mình nói thật, người hiểu nhiều về Bio thì không cần bác sỹ hoặc bác sỹ chỉ là người đóng góp ý kiến thôi thì cũng đã ok rồi. Nhưng đại đa số là chúng ta không có chuyên môn hoặc ít có thời gian để nghiên cứu sâu về trị liệu này nên thực sự là chúng ta cần tìm bác sỹ cho đúng đắn. Mình mong là các bạn nắm chặt tay nhau tạo ra một tổ chức vững mạnh, các bạn có thể mời được bác sỹ tốt giống như ở Thái Lan, họ đã mời được Dr. Jeff Bradstreet (Mỹ), họ cũng đề nghị làm cầu nối cho ông sang Việt Nam đấy. Cũng có mẹ ở VN có dự định mời Dr. Kenneth Bock (Mỹ). Mẹ Hà Dương và các cha mẹ khác suy nghĩ thêm nhé.
………………………
Sau đây mình phân tích các bước mà trong trị liệu y sinh hay áp dụng:
- Điều trị đường ruột – Intestinal healing:quan điểm bệnh vào từ miệng nên đường ruột phải chữa cho ngon lành đầu tiên (không sai nhỉ)
- Nếu đường ruột bị nhiễm nấm hoặc vi khuẩn phát triển quá mức thì sử dụng thuốc kháng nấm mạnh (như Fluconazol hoặc Ketoconazol) hoặc kháng sinh trị vi khuẩn (ví dụ Augmentin, …)
- Song song sử dụng các vi sinh vật (probiotics)
- Tiếp tục sử dụng các thuốc kháng nấm tự nhiên hoặc Nystatine để duy trì thành quả sau khi giệt nấm bằng thuốc kháng nấm mạnh
- Sử dụng enzyme để giúp tiêu hóa thức ăn bởi vì có lý thuyết rằng trẻ tự thiếu enzyme tiêu hóa một số loại thức ăn
- Ăn kiêng gluten, casein và thức ăn dị ứng
Bình luận:
- Làm thế nào để biết là đường ruột bị nhiễm nấm hoặc vi khuẩn phát triển quá mức?
– Xét nghiệm phân (Stool test) kèm xét nghiệm các chất chuyển hóa thông qua xét nghiệm nước tiểu (Organic acid test): hai xét nghiệm này phối kết hợp sẽ cho bức tranh rõ nhất về đường ruột.
– Ý kiến trái chiều: lật lại lý thuyết đó của bác sỹ DAN và các lab làm xét nghiệm đó ở Mỹ, thì nhiều bác sỹ ở VN cũng như trên thế giới khẳng định rằng kết quả xét nghiệm đó là không thể chính xác được, đặc biệt là xét nghiêm nước tiểu về chất chuyển hóa thì trên một cơ thể trong cùng một ngày mà vào giờ khác nhau cũng đã khác nhau rồi. Còn về xét nghiệm phân thì họ cho rằng mẫu bệnh phẩm mà lấy không chuẩn thì kết quả cũng không chuẩn. Mà họ còn nói rằng trong phân bao giờ chẳng có vi khuẩn và có nấm nữa chứ, vấn đề là lượng nhiều hay ít thì lấy phân ngẫu nhiên làm sao mà chuẩn được. Mình thì cũng đã điên hết cả đầu với những lý lẽ trái chiều và thuận chiều từ năm 2008-2009, nhưng rồi mình cũng vẫn phải làm xét nghiệm cho con rồi mới dám cho dùng thuốc. Làm tới vài lần xét nghiệm để đối chiếu kết quả sau điều trị đấy. Nhóm ngày ấy cũng điên hết cả đầu rồi phải quyết định làm xét nghiệm mới theo đơn bác sỹ.
– Cũng có bác sỹ vì thương bệnh nhân tốn tiền và cũng có thể vì ko tin tưởng tuyệt đối vào kết quả xét nghiệm ấy nên cứ nhìn hành vi và tướng mạo bệnh nhân mà quyết định là trẻ này có đang bị nấm hoành hành hay không.
– Mình thì cho rằng, một là không theo liệu pháp này vì không thấy tin. Hai là đã theo thì phương án an toàn hơn là cũng nên làm xét nghiệm. Ba là theo mà hú họa không làm xét nghiệm cho đỡ tốn tiền. Cả 3 phương án đều là lựa chọn của các bạn, nhưng mình đã trải qua thì cứ phân tích ở đây cho các bạn tham khảo.
– Mục a này là sử dụng thuốc kháng nấm mạnh, hoặc kháng sinh nên chúng ta cần cân nhắc. Thuốc kháng nấm còn hại đến cả gan.
- Sử dụng probiotics: thôi thì cái này lành, mình cũng không bàn bạc làm gì nữa cả. Các bài viết về tác dụng của nó thì mình nghĩ chúng ta nói với nhau nhiều rồi. Bạn nào mới cần tham khảo chi tiết thì đọc ở bài sâu hơn nhé.
- Mục c này là sử dụng mấy thứ tự nhiên, chỉ tốn tiền và tốn công chứ cũng ko hại gì nên mình cũng miễn bàn. Bởi vì có người tin thì theo ko tin thì thôi. Nhưng thật sự cho con dùng thuốc rất là tốn công, chưa kể đến tốn tiền và sức ép cho mẹ cho con. Nên đúng là phải hiểu và tin lắm mới theo được đấy các bạn ạ.
- Mục d này là sử dụng enzyme thì cũng ko phải là vấn đền lớn. Các bạn đừng sợ cơ thể con ỉ lại không sản xuất ra enzyme nữa. Thiếu thì phải dùng thôi, nhưng phải theo chỉ định của bác sỹ nhé. Như mình đây này, bị thiếu enzyme lactase nên cứ ăn sản phảm có lactose (đường, thức ăn ngọt) là bị đi ngoài kiểu tiêu chảy, bởi vậy muốn ăn đồ ngọt là mình phải thủ viên enzyme lactase ngay.
- Ăn kiêng: vấn đề này mình đã viết ở đây:
https://tretuky.com/forum/yaf_postst35_Viec-an-kieng.aspx
2. Tăng cường miễn dịch – Immune system
Ví dụ:
- Zinc (5mls contains 20mcg Zinc)
- Transfer factor 1 cap 3x/day
- Colostrums-kirkman 5 mls 2x/day
Bình luận: Những thứ này mình ủng hộ, trẻ thường cũng như trẻ tự kỷ mà sử dụng đều tốt cả, chẳng độc hại gì, chỉ tốn tiền thôi. Nhưng ko phải là tốn tiền vô ích đâu. Người khỏe mãi cũng có lúc yếu, mà người yếu thì càng cần những thứ này.
3. Bổ sung sinh hóa – Biochemistry
Ví dụ: các vitamin như là B12, B6, C, A, D, Acid Folic; các khoáng chất như là Canxi, Sắt, Kẽm, Magie, Selen …; các coenzyme như là Conezyme Q10.
Bình luận:
Phần này mình thấy rất hay nhưng cũng lại có chỗ chưa ổn nên cần phải làm cho kỹ và khéo nhé.ấy
Hay là ở chỗ cơ thể thiếu chất nào đó nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của não, của toàn bộ cơ thể. Giá mà bổ sung vào hợp lý, chuẩn thì não tiếp tục phát triển theo chiều hướng tốt đẹp lên. Nhưng làm sao biết là bổ sung cho chuẩn? Bổ sung hú họa theo cảm tính hay kinh nghiệm của bác sỹ à?
Các bạn biết đấy có cháu tự kỷ nào giống cháu nào không? Câu trả lời rõ là KHÔNG. Vậy thì vấn đề của chúng lại cũng khác nhau. Nên liều dùng mà giống nhau hoặc tương tự nhau hoặc áng chừng theo kinh nghiệm thì quả là không nên dùng lâu dài, chỉ duy trì đôi năm thì may ra mình cảm thấy yên tâm. Chứ dùng lâu dài, mà nhiều cái liều cao lắm, là cần phải xem xét các bạn ạ.
Để mình phân tích kỹ về liều dùng của một thuốc nào đó nhé:
– Kháng sinh vào cơ thể là để trị vi khuẩn chứ nó không cung cấp một thành phần nào để cấu tạo nên tế bào cả. Vì thế nếu liều chưa đủ thì bệnh chưa khỏi, liều cao một tí thì người có thể mệt mỏi hơn (không nói trường hợp cao quá thì ngộ độc).
– Nhưng chất bổ sung (ở đây là các vitamin như là B12, B6, C, A, D, Acid Folic; các khoáng chất như là Canxi, Sắt, Kẽm, Magie, Selen …; các coenzyme như là Conezyme Q10). Những chất này góp phần xây dựng vật chất trong cơ thể, và cái đích mà lý thuyết này nhắm tới là cuối cùng phải làm cho các tế bào não hoạt động tốt hơn. Vậy thì làm sao chúng ta biết là cơ thể đang thiếu cái gì, cần bao nhiêu chính xác?
Chẳng còn cách nào khác là phải làm xét nghiệm trước và sau điều trị.
Tuy rằng xét nghiệm hiện nay vẫn được những bác sỹ không theo lý thuyết DAN thì cho rằng những xét nghiệm ấy là để kiếm tiền, chưa đủ độ tin cậy.
Tuy thế, nếu theo thì các bạn cũng phải cân nhắc là thà làm xét nghiệm còn hơn là không làm. Hoặc là không theo mà thôi. Nhất là nếu xét nghiệm nhiều lần thì dù sao cũng nói lên được cái gì đó, giống như lần 1 là để làm chứng, những lần sau sẽ so sánh với lần chứng ấy. Nếu mà có sự thay đổi lớn giữa các lần xét nghiệm trước và sau điều trị thì bạn cũng nên tin là việc trị liệu đang tiến triển. Nếu mà sự chênh lệch không đáng kể thì cũng nên suy nghĩ lại.
4. Giúp trí não – Brain
Ví dụ: Omega 3
Cái này tốt, mình vẫn duy trì cho con dùng suốt hơn 2 năm rồi. Ở VN thì mình dùng loại của Kirkman. Báo cáo với cả nhà là mình có bài viết rất kỳ công về các sản phẩm Omega 3 – dầu cá đó, nếu bạn có thời gian thì đọc, mình sẽ post ở mục Tài liệu ở trang chủ nhé.
Sang đến Đức mình dùng Efalex (cái này viết rất dõng dạc ngoài vỏ hộp là giúp tăng tập trung, tốt cho trường hợp tăng động giảm chú ý, mà tự kỷ thì giảm chú ý rõ còn gì, nên mình vẫn dùng cho con, ở trường các cô giáo nhiệt liệt hưởng ứng, mỗi ngày 15ml, cháu nặng 30kg)
- Thải độc tự nhiên – Detoxification
- Sulfur- Epson salt bath once/day 1 cup – magie sulfate cream
- Gluthatione lotion to skin, either neck, inner thigh or inner arm 2x/day
- Klaire labs dual detox 1 cap 2x/day
- Zeolite – follow protocol from waiora to start: 10 – 30 drops/day, at empty stomach
Thải độc – Chelation
Make sure liver function test normal before starting, to monitor every 2 months
Challenge tests
Collect urine for urine toxic metal in morning , give DMSA 150mg (succinic acid from kirkman) starting dose, start collecting urine again over 6 hours and check urine toxic elements with minerals. Wait for results to come back. If no metal increase to 200mg and rept test. Upto 250mg maximum.
If metals are coming out,
Give 3 days on of 150mg dmsa 3x/day for 3 days, rest for 11 days ( 14day cycle)
(If metals are coming out at 250mg, then use dose of 250mg for chelation)
Check full blood count, liver function and urine toxic metal every 2 months. Stop when patient better or no more metal coming out.
Bạn có thể bỏ qua phần tiếng Anh ở trên.
Bình luận:
Các bạn đều biết là chúng ta đang sống trong sự ô nhiễm toàn cầu. Nếu như ở VN chúng ta ngạt thở vì khói xăng xe ở thành phố, dư lượng kháng sinh và chất độc thải ra các dòng sông và những chất độc lẫn trong thức ăn uống hàng ngày thì ở nước ngoài là chất thải công nghiệp, là những hóa chất bảo quản trong thức ăn, là phấn hoa gây dị ứng (cho dù môi trường của họ trong sạch hơn, bầu trời trong xanh hơn không có khói bụi bẩn). Vậy mà TẠI SAO con ta bị tự kỷ còn nhiều đứa trẻ khác lại bình thường?
Theo hiểu biết của mình chúng ta có thể giải thích cho câu hỏi TẠI SAO ấy như sau:
– Có một số trẻ tự kỷ do nhiều lý do khác không liên quan đến sinh học
– Có một số trẻ tự kỷ do nhiều lý do khác + cả lý do liên quan đến sinh học.
Với những đứa trẻ có vấn đề về sinh học, ví dụ đường ruột yếu kém, thiếu chất, dẫn đến miễn dịch kém, chức năng đào thải chất độc kém, chất độc ở trong một cơ thể có hệ miễn dịch kém thì nguy cơ phát huy độc lại càng cao. Hệ miễn dịch kém thì đường ruột kém thêm, cơ thể càng dễ ngộ độc thêm vì kém đào thải, … vòng luẩn quẩn như thế.
Nghe thấy cũng có lý đấy nhỉ, vì vậy mà một số trong chúng ta đã phải tốn bao nhiêu tiền và thời gian đổ cho cái trị liệu y sinh này chứ.
Tuy nhiên, mình muốn tranh luận về việc làm sao biết chắc là con chúng ta đang bị nhiễm chất độc và nếu bị nhiễm thì ở mức nào, nó đã đến mức ảnh hưởng tới hành vi tự kỷ của con hay chưa?
Tất nhiên là nên làm xét nghiệm chất độc:
– Xét nghiệm tóc: nếu chất độc kim loại ở tóc nhiều chứng tỏ trong cơ thể đã từng có nhiều chất độc và đào thải qua tóc. Nhưng kết quả này bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại lai là chính tóc cũng thu nhận chất độc kim loại từ hóa chất gội đầu và từ môi trường ngoài nữa. Tuy nhiên bác sỹ vẫn cứ khuyên làm xét nghiệm này. Mình thì cho rằng nếu làm xét nghiệm tóc trước và sau điều trị y sinh hoặc trước và sau thải độc thì cũng có ý nghĩa về mặt xem xét kết quả điều trị. Còn xét nghiệm tóc 1 lần đầu mà kết luận bị ngộ độc thì không chính xác. Cũng giống như ở mục trên mình phân tích, sự chênh lệch ở kết quả xét nghiệm tóc của giữa hai lần trước và sau điều trị mà đáng kể thì có thể việc điều trị có ý nghĩa.
– Xét nghiệm máu: nếu thấy có kim loại độc ở trong máu thì chứng tỏ tại thời điểm hiện tại đang bị nhiễm độc. Nhưng theo lý thuyết này thì cả trong trường hợp kết quả xét nghiệm máu không thấy có kim loại độc trong máu thì vẫn không khẳng định là cơ thể hoàn toàn không bị nhiễm độc mà có thể trước đó đã từng nhiễm độc và đào thải bớt ra tóc đồng thời đi vào các cơ quan khác như là não, gan, tim, …
Như vậy, bàn đi bàn lại thì nếu có tiền vẫn nên làm xét nghiệm, dù nó không chính xác tuyệt đối thì nó cũng cho ta một vài cơ sở để mà phán xét, còn hơn là không làm xét nghiệm thì còn sai số to hơn nữa. Mặt khác, cho dù xét nghiệm có kết quả thế nào, ví dụ nghi ngờ là ngộ độc chẳng hạn thì cũng phải xem cái mức độ ẩy ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như hành vi tự kỷ của con thế nào?
Nói thật đây thực sự là bài toán khó các bạn ạ. Nếu mà chúng ta cứ giải ra được hết, bác sỹ mà có thể đọc vanh vách tình trạng chính xác của con bạn thì chúng ta chỉ cần chạy theo bác sỹ, mình và các bạn đâu cần tranh luận, đau hết cả đầu thế này.
Cũng nên nhớ rằng làm thải độc thì có khi con sẽ thoái lui một giai đoạn nên thực sự các bạn nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định làm thải độc cho con. Cũng có trường hợp không thoái lui đâu.
Thuốc là con dao hai lưỡi, luôn luôn là như vậy, chỉ dùng khi thật cần thiết. Ví dụ như kháng sinh, ở Việt Nam chúng ta dùng nó như cơm bữa, ở nước ngoài có khi 3 năm liền đứa trẻ không phải dùng đến mặc dù chúng cũng ốm lên ốm xuống (sốt, ho kéo dài, nôn do ho kéo dài) nhưng bác sỹ vẫn không tương kháng sinh ngay mà cứ phải cho nó tự hồi phục, phương án cuối cùng mới phải dùng đến kháng sinh. Tại sao lại phải thế? Đương nhiên bởi vì thuốc là con dao hai lưỡi mà.
Nói thêm, trong trị liệu y sinh, một số thứ chỉ là chất bổ sung, một số thứ mới là thuốc. Nhưng nhiều chất bổ sung lại sử dụng liều rất cao như vitamin B6, B12, C chẳng hạn và sử dụng thời gian dài nữa chứ, nên cần cân nhắc dùng thời gian bao lâu, liều như thế nào (nên theo bác sỹ và dựa vào kết quả xét nghiệm).
……………..
Về mặt xét nghiệm, kinh nghiệm thực tiễn mình làm xét nghiệm cho con và một số cháu trong nhóm vài lần thì thấy là:
– Xét nghiệm dị ứng thức ăn có vẻ là không đáng tin tưởng nhất (nhưng mình vẫn phải cảm ơn xét nghiệm này vì nhờ có nó mà mình phát hiện lý do vì sao cả hai đứa con của mình đều bị miệng nôn trôn tháo vào viện cấp cứu, đơn giản là dị ứng chanh leo mà không bác sỹ nào chẩn đoán ra cho đến khi mình gửi máu của các cháu đi làm xét nghiệm dị ứng thức ăn ở Mỹ). Theo xét nghiệm này thì hầu như 95% các cháu tự kỷ đã xét nghiệm thì đều dị ứng với bột mỳ, sữa, mật ong, và rất nhiều hoa quả khác. Theo mình thì có thể làm xét nghiệm này một lần, không cần làm lại vì nó chẳng có ý nghĩa đối chiếu là mấy, mặc dù họ nói rằng nửa năm đến 1 năm phải làm lại để xem mức độ dị ứng có giảm sau điều trị đường ruột không. Nhưng sau một chặng đường mình thấy có lẽ nên làm lại sau 2 năm điều trị tích cực thì tiết kiệm tiền hơn. Ngoài làm xét nghiệm này thì nên theo dõi phản ứng của con khi ăn thức ăn gì đó và phải có chế độ ăn luân phiên các loại thức ăn đa dạng (xin xem thêm phần Ăn kiêng ở link sau
https://tretuky.com/forum/yaf_postst35_Viec-an-kieng.aspx )
– Xét nghiệm chuyển hóa chất hữu cơ (organic acid test – OAT): cũng tàm tạm để đánh giá về các chất sinh hóa trong cơ thể. Trong xét nghiệm này có một chỉ số để đánh giá mức độ nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm thì có vẻ chưa chuẩn xác lắm.
– Xét nghiệm amino acid: xét nghiệm này mình thấy rõ ràng nhất để đánh giá sự thay đổi sinh hóa trong cơ thể trước và sau bổ sung chất sinh hóa. Chúng mình đã được nhìn thấy điều đó ở một số cháu trong nhóm, đối chiếu với những gì bố mẹ đã cho bổ sung thì mình thấy kết quả là có lý. Có thể dựa vào đây để tăng giảm hoặc dừng chất nào đó.
– Xét nghiệm phân (Stool test): xét nghiệm này cũng phân tích nhiều chỉ số, nhưng nó có ý nghĩa nhất nếu tìm ra nấm thực sự ở bệnh nhân nào đó. Tuy nhiên, có nhiều cháu có tìm thấy nấm đâu mà bác sỹ vẫn kê đơn giệt nấm vì còn dựa vào xét nghiệm khác nữa và hành vi nữa. Nhưng mình vẫn khẳng định, nếu trị nấm hay trị đường ruột mà không có xét nghiệm thì không biết đường nào mà đánh giá kết quả. Chỉ nhìn vào hành vi của trẻ tự kỷ thì nói thật chúng sớm nắng chiều mưa, còn phụ thuộc vào các trị liệu khác và cả thời tiết, môi trường, hoàn cảnh nữa.
– Xét nghiệm tóc và máu để phát hiện kim loại độc: xin xem phân tích trong phần Thải độc ở trên.
Cuối cùng mình muốn nói rằng nếu bạn chỉ đủ thời gian và tiền bạc để can thiệp cho con thì bạn cứ bỏ qua cái trị liệu Bio này đi. Nếu bạn còn dư sức lực và tiền thì bạn ngó qua một tí nhé. Vào cái trị liệu này mình thấy đau đầu nhất và cũng khá tốn kém (mỗi năm ít nhất vài chục triệu, thôi bỏ qua cũng không hề ân hận đâu). Nhưng nếu con bạn thực sự kém về sức khỏe thì cố ngó vào trị liệu này nhé. Cái được nhất của nó là con của bạn khỏe mạnh (điều này quan trọng lắm chứ). Sau một chặng đường, mình không lấy sự tiến bộ của con để mà đánh giá hiệu quả của Bio, mình thấy cái đáng đánh giá nhất là bạn so sánh về sức khỏe của con, tinh thần của con. Bởi vì mỗi ngày con phải hoạt động và học tập rất nhiều, nếu như con đủ sức khỏe, đủ minh mẫn thì tinh thần con vẫn vui vẻ với lịch hoạt động mà bạn đặt ra có vẻ như là nhiều đấy. MC của mình, trộm vía từ ngày theo Bio năm 2008 đến nay chẳng ốm đau gì đến nỗi phải dùng kháng sinh, thậm chí hắt hơi sổ mũi cũng hiếm khi, mà có bị thì cũng rất chóng khỏi. Cháu khỏe và vui vẻ theo kịp thời gian biểu làm việc kín mít hơn cả Chủ tịch nước (xin lỗi bác vì mẹ cháu ví von thế này, nhưng cháu đúng là VIP mà).
Chúc các bạn kiên trì và thành công.
Mẹ MC
(Dược sỹ, Thạc sỹ Công nghệ Y sinh)
………………………….
Tài liệu tham khảo:
(1) Connecting Lab Data to Treatment and Outcome, Dr. Bradstreet
http://www.icdrc.org/presentations/Advanced%20Lab%20Interpretation%20with%20Summary.pdf
Đây là một bài giới thiệu về trị liệu Bio bởi bác sỹ Bradstreet, trong này trình bày nhiều nội dung thuộc về lý thuyết Bio của DAN doctors. Và có những ví dụ cụ thể thì ông ấy có nói đến cậu bé Colten cùng với kết quả xét nghiệm trước và sau điều trị (trường hợp này bị lên án ở bài báo dưới đây).
(2) Quackwatch: This article describes how Special Master Denise K. Vowell concluded that Bradstreet had improperly diagnosed and treated Colten for “mercury toxicity.”
http://www.quackwatch.org/11Ind/bradstreet.html
Lược dịch: xin xem tiếp ở phần thảo luận trên diễn đàn: https://tretuky.com/forum/yaf_postsm381_Bio-mot-chang-uong–Phan-1.aspx#post381, các bạn có thể tham gia trao đổi và đặt câu hỏi.