Cẩn trọng khi dán mác “tự kỷ” cho trẻ

LOẠT BÀI VIẾT VỀ TỰ KỶ TRÊN VOV.VN (3)

Bài 3: Cẩn trọng khi dán mác “tự kỷ” cho trẻ

(VOV) – Theo ThS.BS Quách Thuý Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh, BV Nhi TW, bởi trong số các cháu đến khám chỉ có một tỷ lệ nhất định xác định bị tự kỷ…

  •  Bài 1: Nỗi đau lòng mẹ
  • Bài 2: Muôn nẻo chữa bệnh cho con

Gần đây, hội chứng tự kỷ nơi trẻ em đã trở thành nỗi lo của nhiều gia đình và của cả xã hội. Vẫn còn sự hiểu biết chưa chính xác về nguyên nhân căn bệnh, thậm chí nhiều nơi chỉ qua 1 -2 lần thăm khám đã úp cho trẻ cái mũ “tự kỷ”. Để có cái nhìn khách quan hơn về căn bệnh này, VOVNews phỏng vấn ThS.BS Quách Thuý Minh, Trưởng Khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương.

PV: Dưới góc độ một nhà chuyên môn, bà có thể cho biết những dấu hiệu cơ bản để nhận biết một đứa trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tự kỷ?

ThS.BS Quách Thuý Minh: Các cháu tự kỷ khi còn nhỏ rất khó phát hiện. Thường các cháu khá bình thường, một số cháu thì hay khóc, khóc nhiều về đêm, khó ăn, khó ngủ, hay nôn. Một số cháu thì có ánh mắt thờ ơ, hay nhìn xa vắng, không vồn vã khi nhìn thấy bố mẹ và hay chỉ thích chơi một mình. Một số cháu khác thì có vẻ rất ngoan, đặt đâu ngồi đó.

Sau 12 tháng thì các cháu này có những dấu hiệu khác trẻ bình thường một chút, như: không có động tác chỉ tay, không biết thực hiện các động tác đơn giản là chào hỏi, không phát triển ngôn ngữ, không chỉ được các bộ phận đơn giản trên cơ thể như mắt, mũi, mồm…

 

ThS.BS Quách Thuý Minh, Trưởng Khoa Tâm bệnh, bệnh viện Nhi Trung ương

Đến 24 tháng, cũng có cháu nói được 2-3 từ và thường là những từ đơn điệu. Nhiều cháu khi bố mẹ dạy nói lại có động tác lấy tay bịt mồm, ánh mắt nhìn đi nơi khác. Một số cháu thì có động tác chơi rất đơn điệu, cả ngày chỉ chơi một thứ đồ chơi, chỉ cầm tờ giấy trong tay suốt ngày, hoặc thích xé giấy…

Ngoài ra, các cháu này còn có các dấu hiệu điển hình của bệnh tự kỷ, như: đi kiễng chân, giơ tay ra ngắm nhìn, không chỉ tay, lấy một vật gì đó dù rất gần cũng kéo tay người lớn ra lấy hộ, chẳng hạn muốn uống nước thì cầm tay mẹ dí vào cốc nước…

Nguyên nhân gây ra căn bệnh này hiện nay vẫn là câu hỏi mà các nhà khoa học chưa có lời giải đáp. Những năm gần đây, một số ý kiến thiên về việc có những gen đặc biệt đột biến gây rối loạn tạo nên chứng tự kỷ. Cũng có yếu tố liên quan đến môi trường, như nguồn nước, thực phẩm nhiễm độc lâu ngày có thể tích tụ lại trong cơ thể, gây sự đột biến gen ở người mẹ.

PV: Qua việc thăm khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương, bà có thể cho biết diễn tiến của căn bệnh này trong thời gian vừa qua?

ThS.BS Quách Thuý Minh: Qua ghi nhận tại Khoa Tâm bệnh, có thể thấy sự quan tâm đến căn bệnh này của mọi người và tình trạng trẻ tự kỷ gia tăng rất nhanh. Cách đây vài năm, chỉ có khoảng một vài trăm cháu được đưa đến khám tại Khoa thì đến năm 2010, có khoảng 2.000 cháu có các dấu hiệu liên quan đến chứng bệnh tự kỷ được đưa đến thăm khám.

Phần lớn các cháu đến khám ở độ tuổi 2-4 và đều chậm nói, có những rối loạn về hành vi giao tiếp và có các thói quen đặc biệt. Trong đó có khoảng 20% là bị tự kỷ nặng, còn 80% là bị các bệnh lý do di chứng não và có dấu hiệu tự kỷ nhẹ. Các cháu này nếu được can thiệp tích cực thì khả năng phục hồi rất khả quan.

PV: Thưa bà, đối với các cháu bị tự kỷ, việc can thiệp tích cực trong độ tuổi nào là hiệu quả nhất?

ThS.BS Quách Thuý Minh: Gần đây, do quá trình thông tin trên các phương tiện truyền thông nên mọi người cũng quan tâm đến căn bệnh này nhiều hơn. Nhiều gia đình thấy con 16-18 tháng mà có các dấu hiệu không giống những đứa trẻ bình thường khác đã đưa con đến khám nên việc phát hiện sớm cũng sẽ tạo cơ hội nhiều hơn trong việc điều trị bệnh cho các cháu.

Tốt nhất là nên can thiệp cho các cháu trước 3 tuổi vì khi đó các động tác không bình thường như tự chơi bàn tay của mình, thích chơi một mình… còn chưa trở thành thói quen. Còn sau 3 tuổi, khi những thói quen này đã định hình rồi thì việc can thiệp cho hiệu quả rất thấp.

 

Lớp học của các cháu tự kỷ tại Khoa Tâm bệnh

Theo tôi, những trẻ từ 24-30 tháng, nếu chẩn đoán là có những dấu hiệu bất thường thì nên can thiệp ngay. Hiện nay chưa có thuốc điều trị khỏi tự kỷ mà chỉ có thuốc điều trị rối loạn đi kèm như tăng động, hung tính, động kinh… Can thiệp sớm cho trẻ bằng cách dạy ngôn ngữ và giao tiếp, trị liệu tâm vận động và điều hòa cảm giác cho trẻ, dạy cho trẻ kỹ năng phát âm, chú ý nhìn, lắng nghe, bắt chước, giao tiếp bằng cử chỉ…

PV: Thưa bà, hiện nay ở một số phòng khám xảy ra tình trạng là chỉ sau 1-2 lần thăm khám, mỗi lần chỉ khoảng vài phút là đã có thể ghi vào bệnh án của trẻ là bị tự kỷ. Điều này đã gây hoang mang cho gia đình trẻ. Ý kiến của bà như thế nào về việc này?

ThS.BS Quách Thuý Minh: Những nơi đó chẳng hiểu gì về bệnh cả. Nhiều gia đình khi nghe bác sĩ chẩn đoán như vậy, dù con họ có bị tự kỷ thật hay không thì họ đều rất sốc. Vì thế, chẩn đoán không nên quá vội vàng, phải dành thời gian quan sát, xem trẻ chơi, trẻ nói và trẻ tiếp xúc với mẹ như thế nào. Cũng có thể trong môi trường ở nhà, cháu không có hành động như thế, nhưng ở nơi lạ, cháu sẽ rụt rè hoặc có những biểu hiện không bình thường… Nên việc chẩn đoán bệnh cho các cháu phải thực hiện qua nhiều bước và qua nhiều lần tái khám.

Không nên chụp ngay cho các cháu cái mũ là tự kỷ, bởi trong số các cháu đến khám chỉ có một tỷ lệ nhất định xác định bị tự kỷ, còn nhiều cháu chỉ phát triển chậm hơn bạn bè cùng lứa, có thể là chậm nói… Khi đưa ra một kết luận nào đó, cần phải thật thận trọng, kể cả việc tránh gây sốc cho gia đình trẻ…

PV: Qua việc theo dõi những cháu đã đến khám ở Khoa, bà đánh giá như thế nào về khả năng phục hồi của các cháu có dấu hiệu tự kỷ?

ThS.BS Quách Thuý Minh: Các cháu bị bệnh nhẹ nếu được can thiệp tích cực, khả năng phục hồi rất khả quan. Các cháu có thể đi học hoà nhập, phát triển gần như các bạn bình thường. Các cháu bị tự kỷ nặng, nếu được can quan tâm cũng giảm bớt được bệnh tình.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, hiện nay chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh tự kỷ, nên cùng với việc đưa các cháu đến các cơ sở y tế, giáo dục để chữa bệnh thì sự chăm sóc và dạy dỗ ở gia đình là hết sức quan trọng. Bệnh tình của các cháu nặng lên hay giảm đi phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ. Chỉ có sự yêu thương, chăm sóc từ gia đình mới là môi trường tốt nhất giúp con giảm bớt đi gánh nặng bệnh tật.

PV: Xin cảm ơn bà./.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *