CHO CON

Bàn tay con thật đẹp với những ngón tay nhỏ, thuôn dài mà bố vẫn đùa nói là con có bàn tay nghệ sỹ. Bàn tay con thật mềm và nhỏ xinh trong tay mẹ. Mẹ luôn cảm thấy yêu thương tràn đầy mỗi lần mẹ nắm tay con, cho dù có lẽ đã là lần thứ một nghìn hay lần thứ một tỷ rồi.

Bàn tay con, bàn tay xinh xắn của một đứa trẻ khuyết tật, luôn cần người nắm lấy để dẫn dắt suốt cuộc đời. Bàn tay của một đứa trẻ tự kỷ, luôn ẩn chứa trong nó hàng ngàn điều bí mật và bất ngờ.  Trẻ tự kỷ thường kém giao tiếp mắt, và nhiều trường hợp cũng bị “khiếm ngôn”, nên có lẽ đôi bàn tay đã trở thành một phần không thể thiếu của cái mà ta thường gọi là “cửa sổ tâm hồn”.

Bàn tay con, ngày nào, còn sợ hãi, rụt rè, không dám đụng chạm vì mỗi sự động chạm đó làm con không yên tâm chắc chắn, mà các chuyên gia gọi là rối loạn giác quan đấy. Có lần nắm tay con, con rụt lại, hoặc miễn cưỡng để nguyên trong lòng tay mẹ vô hồn, mẹ thắt lòng thương con.

Bài tập cho đôi tay của con nhiều lắm. Nào là nghịch cát, loại cát hơi to mà công trình xây dựng gần nhà lọc thải ra và mẹ hồ hởi chất cả túi lên xe chở về nhà trong sự vui mừng của chủ công trình.  Rồi những bài tập mát-xa, ấn khớp mình sưu tầm được. Nào là đất nặn, tô tượng, tranh cát, … mà mỗi lần làm xong, nhà mình chẳng khác một bãi chiến trường.  Còn có cả các bài tập kết hợp toàn thân nữa, như nằm sấp lăn trên bóng cao su rồi bật tay, tập bơi, v.v.

Sau bao nhiêu ngày can thiệp, bàn tay đó dường như đã gần gũi hơn với cuộc sống. Con lại biết chơi đùa, biết tô màu, biết vẽ những đường nguệch ngoạc vu vơ. Khi nắm tay mẹ, cái nắm tay của con không còn vô hồn nữa, và đã thể hiện tâm trạng của con: buồn bã, lo âu, vui sướng hay phấn chấn tinh thần. Nắm và nhìn bàn tay con mẹ vui ghê lắm, vì bàn tay con không còn vô cảm, bàn tay con đã thực sự có hồn.

Tự kỷ, với riêng con, nghĩa là chậm mọi đường: chậm nói, khó ăn, khó ngủ, khó vận động tinh, chậm nhận thức, và nhiều thứ khác nữa. Gia đình mình phải hy sinh nhiều thứ lắm, kể cả lịch sinh hoạt, để phù hợp với con. Mẹ thật cảm phục các cô giáo của con, những người không thể kiên nhẫn hơn khi dạy con từng chút, từng chút và lặp đi lặp lại trong bao năm tháng, để khi tốt nghiệp mẫu giáo, con cũng đã biết viết, biết đọc, dù là một chút thôi.

Rồi ngày tháng qua, con trai mẹ đã vào lớp 1. Đi học chậm so với tuổi, con lớn hơn hẳn bạn bè, nhưng chân tay lại chậm chạp và vụng về hơn các bạn rất nhiều. Mỗi lần con đến lớp, các bạn lại ùa đến giúp đỡ, những bàn tay nhỏ xíu vây xung quanh con. Giờ học, cô nhẹ nhàng cầm tay con viết, những nét chữ của con ngây thơ, vô tư lự và chẳng thể trịa tròn. Mẹ chỉ ước sao một ngày con trai mẹ biết cầm giẻ lau bảng giúp cô. Người tự kỷ thường chỉ quan tâm đến những thứ họ thích, và bao giờ con biết quan tâm để giúp đỡ, chia sẻ với cô, với bạn, những người đang chìa tay giúp đỡ con mỗi ngày, thì lúc đó, con trai mẹ chắc đã tiến bộ rất nhiều rồi.

Từ ngày con tự kỷ, mẹ quan tâm hơn đến những người kém may mắn như mình.  Đôi khi mẹ nhìn thấy những đôi tay tự xoay bánh xe lăn khi ghé thăm Hội Người khuyết tật Hà Nội, hay Trung tâm Sống Độc lập, hoặc trên những con phố của Hà Nội. Đôi tay lúc đó đã gánh vác cả chức năng di chuyển cơ thể hộ đôi chân. Còn ở trường Xã Đàn của mình, mỗi dịp tập trung toàn trường, luôn có thày giáo hoặc một học sinh rất khá đứng trước khối khiếm thính để “phiên dịch bằng tay”. Khi đó, đôi tay đã thành công cụ giao tiếp.  Với người khiếm thị, đôi tay một phần thay thế đôi mắt để giúp họ xác định hướng đi và giúp họ đọc chữ nổi. Điều tuyệt vời là đôi tay có thể giúp người ta từ chỗ không thể di chuyển được thành tự đi lại được, hoặc giúp người ta học tập, hay để “nói”, trao đổi với nhau.  Mỗi lần như vậy, mẹ thấy xúc động, yêu thương và cảm phục nghị lực của những người không may mắn ấy.

Theo thời gian, con sẽ lớn lên, đôi tay của con sẽ trở thành một đôi bàn tay cứng cáp và mạnh mẽ. Mẹ vẫn ước ao đôi bàn tay ấy có thể theo nghề của các cậu Nguyễn Tử của mình và con sẽ có thể sống tự lập bằng việc gõ bàn phím để lập trình những phần mềm đơn giản, hoặc bất kỳ một nghề nghiệp nào khác phù hợp, hay đơn giản chỉ là một anh chàng phục vụ đáng yêu tại quán cà-phê Bè Bạn của các anh chị lớn tuổi trong câu lạc bộ mới mở ở Hoàng Cầu.

Nhưng mẹ cũng biết rằng sau này dù có cứng cáp, mạnh mẽ đến thế nào, thì đôi bàn tay con, một người khuyết tật, vẫn cần những đôi bàn tay khác nắm lấy, dìu dắt và dẫn đường. Đó cũng là lý do thôi thúc mẹ kể những câu chuyện của mẹ con mình, mong rằng luôn luôn có thật nhiều những bàn tay chìa ra đón con và những người thiếu may mắn khác được hòa nhập với cộng đồng.

Hà Dương

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *