Cỏ Chân Đi bộ ký

Nhìn biển người nối nhau thành một dải xanh dài, dãy TNV làm hàng rào để tạo luồng đoàn người, nhìn những đồng nghiệp của tôi nào Huyền, Hà, Tâm, Vinh, Thắng, Tuấn, vợ chồng bác Giang, bác Cúc, em Quỳnh, Hiếu, Quyên … mà tôi nước mắt cứ trực trào ra. Ôm các bạn thật chặt mà không nói lên lời.

Cùng hòa nhịp con tim

“Cùng hoà nhịp con tim

Cùng tình người ấm áp

Cùng nhau chung giấc mơ khắp nơi trên đất này

Mọi người sẻ chia với nhau từ niềm vui hay nỗi buồn

Giống như lời mẹ ngày ấu thơ – Sẻ chia với nhau vui buồn.”

Lời bài hát thật hay và đúng với tâm trạng của chúng tôi – những cha mẹ có con tự kỷ, ngày hôm nay 2 – 4 và ở nơi này – Quảng trường sân vận động Mỹ Đình để tổ chức Ngày mít tinh đi bộ Hưởng ứng Ngày thế giới nhận biết về trẻ tự kỷ.

Quay lại một ngày trước sự kiện.

Chiều 1/4, Cỏ Chân tôi và Kim Sắt cưỡi Vespa trắng đi tiền trạm ở sân vận động Mỹ Đình, nhà thầu đang dựng khung sân khấu, hai chiếc dù đại trắng – đỏ nổi bật giữa nắng trưa.  Hai mẹ ngồi bệt xuống mấy bậc cầu thang dẫn vào Khán đài B ngắm nghía. Thương mấy bố Đại Thiện Sỹ, Sơn Tinh Thời @ và Đại Triều Cường lăn lộn ở đây cả ngày. Tối về, cũng mệt nhoài. 9h30, Tuyết Thiên Lý gọi điện: “Em ơi, chị phát khóc đây – không giống thiết kế ban đầu, làm sao mà treo được tranh nhỉ?”. Hai đứa lẩm bẩm bảo nhau giá Mỹ Đình gần chút nữa nhỉ, mình phóng xe ra luôn với mọi người. Lại điện thoại chiu chíu và rồi yên tâm điện thoại lại cho Tuyết Thiên Lý – yên tâm  đi, Đại Thiện Sỹ sẽ có tin tốt lành để an ủi chị ngay đây.

Mình biết Kim Sắt có nhiều tâm trạng, lo lắng có, hồi hộp có… Riêng mình thì năm nay làm chương trình đi bộ đúng là quá sức với một lực lượng quá mỏng – mà chắc cũng khó tưởng tượng được: vẻn vẹn tầm khoảng 10 người. Năm ngoái thì có hẳn một công ty truyền thông lo sự kiện, thế mà cả Ban tổ chức (BTC) cũng chạy việc long xòng xọc, năm nay khó khăn, xin tài trợ khó khăn, nên mấy anh chị em động viên nhau tự làm lấy.

Mãi Vẫn Tệ gặng hỏi: Anh em làm được không?

Lại hăng tiết vịt –  Làm chứ. Thế là làm thôi – cứ như “lên đồng” với nhau, hị hị.

Và gần 2 tháng, hôm nay đứng đây nhìn thành quả của chúng mình,  tôi nghẹn ngào đọc tin nhắn của bác Tuệ: Mọi vất vả của mình đã được bù đắp.

Ở nhà nằm trong chăn ấm mà thương các anh chị em vẫn còn đang ở Sân Mỹ Đình để hoàn thành mấy gian triển lãm.  Đêm về, địa hình trống trải, gió lạnh lắm. Toàn người nhà xa, về muộn, phố vắng… (Mà đúng vậy, hôm sau Đi bộ, Tuyết Thiên Lý bị nhiễm lạnh từ tối 1/4 và bị mất giọng.)

Rồi lo mai có mưa không, mọi người có đi hưởng ứng không? Có sự cố nào không? Loa đài ổn không? Các đại sứ thiện chí có bị tắc đường không?

Và đến ngày 2-4

6h30 mình đã có mặt ở sân, đã thấy chị Mai Lăng Xăng dán các biển tên của các nhóm tình nguyện. Chỉ sau 30 phút, sân đã xuất hiện các bóng áo xanh và mỗi người một việc, kê bàn ghế, bưng bê nước, hoa lên bàn đại biểu.

Năm nay áo màu xanh đẹp quá. Mưa hơi lất phất nhưng sau đó nắng hửng lên nhanh, và ông Trời dường như cũng ủng hộ cho các gia đình và các con để đi bộ.

Lần Đi bộ này, ngoài việc đi bộ hưởng ứng ngày Thế giới nhận biết chứng tự kỷ, CLB Gia đình trẻ Tự kỷ Hà Nội còn muốn làm lại danh sách đăng ký thành viên mới để tiến tới Đại hội toàn CLB.

Nhìn  biển người nối nhau thành một dải xanh dài, dãy TNV làm hàng rào để tạo luồng đoàn người, nhìn những đồng nghiệp của tôi nào Huyền, Hà, Tâm, Vinh, Thắng, Tuấn, vợ chồng bác Giang, bác Cúc, em Quỳnh, Hiếu, Quyên … mà tôi nước mắt cứ chực trào ra. Ôm các bạn thật chặt mà không nói lên lời. Tôi biết không chỉ mình tôi có cảm xúc này mà biết bao mẹ khác trong CLB này cũng  thế. Họ sẽ cảm thấy ấm lòng hơn khi được đồng nghiệp, bạn bè, người thân chia sẻ những nỗi khó khăn khi gia đình có con tự kỷ.  Đâu phải ở đâu phụ huynh chúng tôi cũng có thể kể chuyện của con, nhưng mọi người đã đến đây…

Không chỉ là một vài ngàn người như năm ngoái mà năm nay có gần 5 ngàn người đã đến tham gia chương trình Đi bộ Vì trẻ tự kỷ lần 2.

Tự nhiên mình yêu Quảng trường Sân vận động  Mỹ Đình thế chứ. Vì “chót” nhận cái phần văn nghệ và mời các đại sứ thiện chí nên mình cứ phải áp sát sân khấu từ lúc 7h30 sáng, bình thường cũng sợ “âm thanh to” giống con giai tự kỷ thế mà hôm nay đứng cạnh 2 cái loa thùng to vật mà mình có thấy gì đâu, cứ như không ấy. Âm thanh sân khấu năm nay hơi bị “ngon”, công đầu là bác Sơn Tinh Thời @, bác Sống Nghĩa Tình, bác Đại Thiện Sỹ, Đại Triều Cường đã đốc thúc anh em làm suốt từ trưa ngày 1- 4.

Phông chính, tờ rơi, phướn dọc ngang có đẹp và ấn tượng là do một tay nhà thiết kế chuyên nghiệp Mr. Hào Hiệp – mặc dù tóc anh hơi muối tiêu nhưng sức làm việc của anh cũng làm cho mấy tên đầu đen ở CLB  bái phục.

Cảm ơn em Trang winny đã đến sớm và tự tập hát ở nhà để đến tham gia bài hát mở đầu cho chương trình, cảm ơn các con trong đội thiếu nhi CLB Tiếng Anh Chắp cánh ước mơ đã đồng hành cùng các bạn tự kỷ từ năm ngoái với màn biểu diễn rất chuyên nghiệp. Xúc động hơn khi bắt gặp hình ảnh một mẹ còn lên sân khấu đón con mà vẫn mặc chiếc áo đi bộ năm ngoái – chiếc áo trắng pha cam còn mới tinh chứng tỏ mẹ đã giữ gìn cẩn thận lắm, chắc nghĩ năm nay đi bộ lại mặc tiếp.

Không khí đang sôi nổi bỗng dưng tất cả mọi người trùng suống khi ca sỹ Khánh Linh cất tiếng hát với giai điệu Mẹ yêu con. Giọng ca trong trẻo của một ca sỹ, của một người mẹ đã làm lay động những con tim ở phía dưới. Tôi đã bắt gặp hình ảnh nhiều bà mẹ quay mặt lau vội nước mắt, có những người cứ để nước mắt chảy dài, các em tình nguyện viên đung đưa hát theo giai điệu. Và rồi Hà Linh và Giáng Son cùng song ca bài Giấc mơ trưa rất tình cảm. Gần 50 báo, đài, các nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng như bán chuyên nghiệp chen nhau tác nghiệp. Mình có cảm tưởng như là các phóng viên ảnh đang tác nghiệp tại các sân khấu liên hoan phim quốc tế.

Chương trình trở nên sôi động khi ca sỹ Ngọc Minh lên hát. Ngọc Minh hát bài Chú ve con và đã kêu gọi được khán giả cùng hòa với tiếng hát của mình. Không khí trên sân khấu cũng như hâm nóng lên, nó như cao trào của một vở kịch, lúc trầm lắng, suy tư, lúc sôi nổi hào hứng, vui nhộn. Tôi bỗng liên tưởng nó như tâm trạng của các bà mẹ và các con tự kỷ. Hay đấy là chủ ý sắp xếp bài hát của các ca sỹ muốn gửi gắm cho chúng ta.

Màn ca nhạc “ Trái đất này là của chúng ta” đã kết thúc để vào chương trình chính.

Mẹ cảm ơn Dưa vì con đứng cạnh mẹ, con không chạy và hôm nay mẹ con mình cứ đi đi lại lại để theo dõi cho hết các tiết mục ca nhạc và cùng bắt đầu vào phần chính của chương trình.

Dù là chương trình dành cho các con tự kỷ nhưng  mọi người  tham gia chương trình đi bộ Vì trẻ tự kỷ cũng không quên dành một phút tưởng niệm dành cho nhân dân Nhật Bản đã trải qua cơn động đất, sóng thần vừa qua.

CLB Gia đình trẻ tự kỷ vô cùng biết ơn các bác bên Sở Lao động Thương bình và xã hội, các bác, các cô ở Hội Người Khuyết tật không chỉ hôm nay đến chia vui cùng các con tự kỷ mà còn hỗ trợ CLB mình tổ chức thành công sự kiện này. Sau màn phát biểu của đại diện Hội Khuyết tật và Sở Lao động thương binh và xã hội, là màn giới thiệu 4 đại sứ Thiện chí: Nhạc sỹ Giáng Son, ca sỹ  Khánh Linh, Hà Linh và Ngọc Minh. Các đại sứ cũng chia sẻ cơ duyên nhận vai trò ĐSTC và thông điệp của họ muốn trao gửi thông qua chương trình đó là:

  1. Cảm thông, chia sẻ với trẻ tự kỷ:tự kỷ là khuyết tật bẩm sinh do những nguyên nhân sinh học gây ra, không nên nhầm lẫn với chứng trầm cảm do thiếu tình yêu thương, hay bị stress… Khuyết tật tự kỷ khiến các em khó chia sẻ và không biết cách chia sẻ với người xung quanh, vì thế càng cần sự cảm thông, yêu thương và bao dung gấp bội.
  2. Chấp nhận sự khác biệt:trẻ tự kỷ có lối giao tiếp, hành vi và thói quen khác biệt với các chuẩn mực giao tiếp xã hội thông thường, bởi trẻ cảm nhận thế giới không giống chúng ta, trẻ không đáng bị kỳ thị bởi những khác biệt đó. Chấp nhận những khác biệt là cách mà chúng ta cùng nhau chia sẻ thế giới này, nơi mà ai cũng có quyền được yêu thương, tôn trọng và chào đón.
  3. Cho trẻ cơ hội để phát triển:trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn để học hỏi, để hòa nhập cuộc sống, vì vậy hãy kiên trì và bao dung, đừng từ chối cơ hội cho trẻ phát triển. Chúng ta có thể tìm ra những điểm mạnh của trẻ tự kỷ để khuyến khích, động viên, và tìm ra những phương pháp, cách thức để khắc phục điểm yếu. Trẻ không thể học hỏi và thành công nhanh chóng như trẻ bình thường, nhưng nếu bạn kiên nhẫn với trẻ và tìm ra con đường thích hợp thì bạn có thể thấy sự tiến bộ không ngờ của trẻ. Mỗi trẻ tự kỷ đều mong bạn hiểu điều đó.
  4. Trẻ tự kỷ cần trường học, thầy cô và bạn bè:hạn chế lớn nhất của khuyết tật tự kỷ nằm ở lĩnh vực giao tiếp và tương tác xã hội. Trẻ tự kỷ như chìm vào thế giới riêng cô đơn bởi vì trẻ không biết cách tự tìm ra lối thoát. Trường học là môi trường tốt cho trẻ, thầy cô và bạn bè là những cánh cửa, là nhịp cầu nối với thế giới. Gần gũi, quan tâm, chủ động hướng dẫn và làm mẫu nhiều lần là cách tốt nhất để trẻ dần dần thoát khỏi vỏ bọc tự kỷ của mình. Tất cả trẻ em đều cần đi học và có bạn bè, trẻ tự kỷ hơn ai hết lại càng cần điều đó.
  5. Hãy hành động ngay hôm nay vì trẻ tự kỷ:Khoa học chưa tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả, nhưng số lượng trẻ tự kỷ rất lớn và trẻ tự kỷ không thể đợi chờ. Hãy giúp đỡ ngay hôm nay, bằng sự cảm thông, bằng những việc làm thiết thực, bằng sự tiếp sức cho cha mẹ của trẻ để trẻ tự kỷ có một tương lai tươi sáng hơn.

Sau đó gần 5 ngàn người đã cùng nắm tay nhau đi bộ và cùng hát bài “ Cùng hòa nhịp con tim” của nhạc sỹ Huy Tuấn. Có lẽ hình ảnh ấn tượng nhất đó là dòng người đi bộ đã đi hết một vòng mà bên trong dòng người vẫn chưa ra khỏi được sân. Ông bà, bố mẹ của các cháu tự kỷ, người thân và tất nhiên là các cháu tự kỷ, các tình nguyện viên đã cùng đi một vòng bên ngoài con đường đã được lực lượng công an Từ Liêm ngăn để đi bộ một chiều.

Một cái kết có hậu        

Dù chân có đau, đầu có nhức, cổ có khản đặc nhưng các thành viên Ban Tổ chức của CLB đều vô cùng phấn khởi, vì mọi sự cố gắng của mọi người trong gần 2 tháng qua đã được bù đắp. Năm nay nội ngoại của nhiều nhà đã nhìn nhận tự kỷ khác hơn, chấp nhận nó và tham gia đi bộ vui vẻ. Mừng hơn nữa, là nhiều phụ huynh ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định dẫn con lên đi bộ nhiệt tình và không quên tìm người chia sẻ kinh nghiệm can thiệp cho con.

Mặc dù chưa được đọc hết 2 cuốn ghi cảm nhận của mọi người ở gian triển lãm của sự kiện nhưng tôi thấy ấn tượng với những chia sẻ của một em gái:

“Em là học sinh lớp 4, mẹ em là người giáo viên đã giúp cho bao trẻ tự kỷ có thể hòa nhập, các em có thể làm được các công việc như người bình thường nếu được can thiệp. Các em có thể làm toán, tập viết, vẽ làm thủ công và nhiều việc khác. Em chú ý nhất là các bài tập viết, em thấy có bé viết rất đẹp, đẹp hơn bài tập viết của em và của những bạn trong đội tuyển viết chữ đẹp của trường em”- Nguyễn Thanh Bảo Uyên.

Và thật là xúc động đồng thời cũng không nén nổi nước mắt, chỉ dám bóp nhẹ vào vai của một cô gái vì mình không biết đó là người thân hay phụ huynh có con bị tự kỷ. Tay em run lên viết những dòng lưu niệm, nước mắt lã chã xuống cuốn sổ. Có lẽ đây là những thước phim đắt giá mà nếu ai có máy quay ở đây cũng không thể bỏ qua được.

Vâng, cho em được cảm ơn tất cả mọi người đã tin tưởng giao cho em nhiều việc đến thế. Và rồi xúc động khi xem phỏng vấn của người đồng nghiệp thân thiết ở cơ quan cũ trong phóng sự 19 giờ tối của VTV1 rằng bạn đến để ủng hộ và chia sẻ với Dưa và những bà mẹ có con tự kỷ.

Em cũng cảm ơn ban vận động tài trợ của CLB đôn đáo khắp nơi đi xin tài trợ cho chương trình, nếu không có các anh các chị chắc sang năm bọn em không đủ dũng cảm để tổ chức đi bộ nữa.

Chúng ta và những thiên thần của chúng ta cần lắm một tấm lòng đúng không mọi người. Em đã khóc nhưng lại không có chị Để Mai Tính ở đây để đưa khăn giấy nhỉ. Nhưng những giọt nước mắt này là nước mắt của sự hạnh phúc, của sự sẻ chia … của những con tim cùng hòa một nhịp đập.

Cả nhà ơi, đêm nay ngủ ngon nhé. Tuyết Thiên Lý ơi, uống thuốc để còn có giọng tươi khỏe, vì chị mà hôm nay bọn em chẳng đi hát ga-ra-ô-tô để chờ chị đấy.

Mọi người ơi sang năm chúng mình lại đi bộ nhé. Nếu mọi người tin tưởng thì Mái Mơ và Cỏ Chân lại cùng nhau làm truyền thông cho sự kiện (tất nhiên là không thể thiếu bố Tiểu Tuấn Mã V).

Cỏ Chân

20h ngày 2-4-2011.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *