Con đang dần tiến bộ!

Số 3- tháng 8/2010: Mẹ rất tự hào vì hai con, mặc dù so với mọi người, các con quá nhỏ bé, không có gì xuất sắc nhưng thấy cảnh hai con chơi với nhau, chăm sóc nhau mẹ lại không cầm được nước mắt, mẹ hạnh phúc vì có thêm con gái, mẹ mừng vì anh Dưa có thêm 1 cánh tay đắc lực để khi bố mẹ không ở bên, con gái sẽ là người giúp đỡ anh trai mình…

 Dưa yêu quý,

Trong lúc nhiều người vẫn dùng cách viết blog để chia sẻ thông tin với mọi v thì mẹ của con vẫn dùng cách cổ điển- ghi nhật ký cho con trai, năm nay thì mẹ đã tiến bộ hơn thay vì viết ra sổ mẹ đã gõ vào laptop và lưu thành 1 thư mục riêng cho con. Mẹ hy vọng những dòng nhật ký này về sau con sẽ đọc và sẽ hình dung được 1 quãng đường đầy chông gai khi mẹ đối mặt với hai chữ “ tự kỷ” .
Không hiểu các bà mẹ nghĩ sao riêng đối với mẹ, hành động cho con, viết nhật ký cho Dưa dễ hơn là viết 1 bài báo hoặc viết 1 cái gì đó cho mọi người cùng đọc.
Bé Dưa sinh vào mùa thu năm 2004, lúc đó ông nội mừng lắm, cháu đích tôn mà- ông bảo hay đặt là Lê Văn Tám- ông nội dạy lịch sử- ông nói Tháng Tám cũng có nhiều kỷ niệm với ông. Con ra đời đúng lúc bố mẹ đều có công việc ổn định, ngôi nhà không quá lớn nhưng là tổ ấm ngọt ngào sau hai năm bố mẹ tự trang trí, xếp đặt. Bé sinh mổ được 3,4kg, đẹp như tranh vẽ. Đến bây giờ mẹ vẫn còn nhớ như in ngày sinh nhật của con 1 tuổi, con mặc bộ quần áo của bé 2 tuổi mà bà ngoại mưa cho vừa khít- 13kg tươi- cười tít cả mắt khi cầm cái lắc bác Hiền và bác Việt tặng. Mẹ chỉ hơi thắc mắc vì Dưa “ trốn lẫy trốn bò” mà bé tự lần thành giường tự đi, 13 tháng con đã tự bước những bước đầu tiên thì có gì bất thường không?.
8 tháng con đã bà bà, măm măm…18 tháng bé Dưa đã nói được các chữ : R, L , S… và cũng từ ngày đó mẹ có nhiều thắc mắc vì bé quá ngoan, mẹ đi làm chẳng bao giờ khóc đòi theo, đi ngủ bé không thích ôm mẹ và bắt đầu sợ người lạ…
Sinh nhật 2 tuổi, bé vẫn phải tạo dáng khi chụp ảnh nhưng lại quấn mẹ vô cùng, mẹ bắt đầu có mang em Đốm và cũng là lúc mẹ thấy con có nhiều điểm khác các bạn cùng lứa tuổi. Sinh nhật con vui là thế, bao nhiêu bánh, hoa quả, con chẳng đòi và chẳng khám phá như các bạn, còn lấy đồ chơi quen thuộc và chạy vào 1 góc của mình, giữa đám đông mẹ mới thấy con của mẹ khác biệt rồi.
Đi hỏi các bác thì đều có chung đáp án: Chẳng làm sao đâu, thứ nhất chậm đi thứ nhì chậm nói, nó thế kia cơ mà lo gì.
Có bầu em Đốm mẹ nghén và mệt ghê lắm, mẹ ở nhà và đã phát hiện ra con trai của mẹ có quá nhiều vấn đề- con chỉ say mê chơi Lego, con chơi bộ cho trẻ lớn hơn con 2 tuổi mà không thấy khó, con chẳng chịu chỉ ngón tay, không biết giao tiếp mắt với mẹ và mọi người. Không chịu nói nữa và đặc biệt không chịu nhai. Có lẽ điều bố mẹ sợ nữa đó là sinh hoạt của con khác lạ so với các bạn- con đi ngủ rất muộn 1-2h sáng, cả bố mẹ, chị Nhuần đều tơi tả vì bị con “quần”, con chơi đồ chơi, vật hộp sữa xuống nền nhà làm các bác con ở tầng 1 không ngủ được. 2h sáng con ngủ thì đến 12h trưa con mới bình mình, nếu gọi con dạy sớm thì con vừa ăn vừa ngủ, và để gọi con ăn sáng , chị Nhuần phải bật ca nhạc Xuân Mai.
Rất nhiều “lỗi” mà mẹ và mọi người vô tình đã làm cho con “lười hoạt động ”: phục vụ con, khi con chẳng yêu cầu, xem ca nhạc để ăn cho ngon miệng … Con trở thành 1 em bé quá ngoan, chỉ lủi thủi chơi 1 mình, chỉ ăn và ngủ chẳng cần đến nhu cầu khác. Thấy quá bất lực vì các hành vi của con, không không hề chậm hơn so với các bạn mà con đã có nhiều điểm khác biệt rồi.
Mẹ đã cho con đi khám ở Bệnh viện Nhi thì được thông báo là con bị TK. Không có gì có thể diễn tả được lúc bấy giờ, mẹ thương con bao nhiêu thì thương em gái trong bụng con bấy nhiêu, em còn quá bé đã phải nếm đủ thứ… Anh trai bị tự kỷ, và ngày tràn ngập nước mắt đã đến. 2,5 tuổi, với thân hình chẳng nhỏ nhắn gì- con nặng tới 18kg- hàng ngày mọi người phải “vác” con đi học vì con không thích. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà ngoại, 2 chị Nhuần, chị Hằng phải đi cùng con đến Viện Nhi để học chương trình can thiệp cá nhân. Cũng có lẽ do con được bao bọc kỹ quá, không bị ai quát mắng bao giờ nên khi áp dụng phương pháp ngồi ghế ở viện con đã hoảng sợ, con bỏ ăn và khóc lóc. Hai mẹ con cùng trầm cảm và ức chế, con cứ đến cổng viện là khóc, bà, mẹ, các chị cũng đều vô cùng buồn nản.
Sau 20 buổi học ở Viện Nhi, bà ngoại đã cạy cục xin cho con học ở nhà 1 bác sỹ ở Trung hoà nhân chính. Thời gian học kéo dài hơn hai năm, với nhiều múi giờ khắc nghiệt- 2 giờ chiều, 3h30 chiều, 5h30 tối, 7h30 tối, cả nhà phải ăn, phải đi theo thời gian bác sỹ gọi- nhưng biết làm sao- xin học ở giờ cho con là tốt lắm rồi.Em gái mới sinh chẳng được mẹ chăm sóc nhiều vì mẹ dành cả thời gian cho con, hơn 1 năm rưỡi ở nhà mẹ bỗng trở thành 1 người khác- mẹ chẳng để ý đến hình thức- chỉ cần nhớ đầy đủ lịch ăn, lịch học của con, cứ ngày ngày qua ngày khác, mẹ không hề biết thế giới bên ngoài đang xảy ra cái gì- vì cái quan trọng nhất của mẹ đó là con sớm khỏi bệnh TK và con biết nói.
3 năm- qủa là 1 thời gian dài Dưa nhỉ, để đạt được đến “cảnh giới” đó bố mẹ đã phải” tu luyện” kỳ công- để đến bây giờ cả gia đình mình đều Chấp Nhận sự thực đấy- TK là một hội chứng mà cả TG hiện nay đều chưa tìm được thuốc chữa, chưa rõ nguyên nhân nào gây nên chỉ biết là em gái con 3 tuổi khi mọi người hỏi về anh trai con hồn nhiên nói: “anh Dưa bị Tk đấy, bị chậm nói.”. Mẹ cười vì con gái nói đúng nhưng mẹ thương con vì nếu con gái thêm 2-3 tuổi nữa, con đi học, con hiểu biết hơn- con sẽ có suy nghĩ thế nào về TK, về anh trai của mình. Con có tủi thân không? Nhưng có 1 điều mẹ chắc dù con thiệt thòi hơn so với các bạn nhưng con sẽ là 1 cô bé đầy nghị lực, 2 tuổi con đã biết tự phục vụ bản thân, biết lấy quần và xi anh trai tè, tự cất cốc tè và mặc quần giúp anh. Nhiều khi con cũng trái tính, trái nết nhưng mẹ cũng thông cảm lắm vì từ khi còn trong bụng, mẹ đã không vui, mẹ âu sầu và rơi nước mắt suốt 3 tháng liền đến khi con ra đời- vấn biết ảnh hưởng đến con nhưng mẹ không thể kìm nén được nước mắt. Đáng nhẽ con phải là em gái sướng nhất đời, được bố mẹ và anh trai cưng chiều thì hiện nay con phải làm nhiệm vụ của 1 người chị gái. Khi anh Dưa muốn ăn cái gì của em, con đều nói rất dõng dạc: “Anh Dưa khoanh tay vào, nói là anh xin đi, cúi đầu xuống”- khi anh trai làm xong thủ tục em mới đưa và còn thêm 1 câu: “Đúng rồi” . Mỗi lần thế nhìn mặt con gái sáng bừng lên mẹ thấy rất vui, cả nhà mình bây giờ đã cùng 1 chiến tuyến- đều cô gắng hết sức giúp đỡ anh Dưa mau chóng hoà nhập và có thật nhiều kỹ năng để có thể sớm đi học được lớp 1.
Mẹ rất tự hào vì hai con, mặc dù so với mọi người, các con quá nhỏ bé, không có gì xuất sắc nhưng thấy cảnh hai con chơi với nhau, chăm sóc nhau mẹ lại không cầm được nước mắt, mẹ hạnh phúc vì có thêm con gái, mẹ mừng vì anh Dưa có thêm 1 cánh tay đắc lực để khi bố mẹ không ở bên, con gái sẽ là người giúp đỡ anh trai mình.
Nghĩ lại mẹ thấy tiếc lắm, giá mà khi phát hiện sớm căn bệnh của Dưa, mẹ có nhiều kiến thức như bây giờ: mẹ phải biết là tách Dưa ra khỏi môi trường khén kín, cho con đi chơi công viên, đi siêu thị nhiều hơn, cho con đi chơi với các bạn, đi học mẫu giáo sớm khi con có nhiều hành vi lạ… Có nhiều bài tập để con biết nhai, biết thổi hơi, biết tự chăm sóc bản thân…
Sau 3 năm can thiệp với nhiều phương pháp can thiệp bé Dưa đã học ở mẫu giáo nhỡ ở 1 trường tư thục, con đã hát được nhiều bài hát, biết tự phục vụ bản thân, vui vẻ và biết chơi với các bạn, con đã biết cầm bút mặc dù nét xiên có lệch dòng, hình tròn có méo, chưa khép kín… nhưng thế là mẹ và các cô giáo đã mừng lắm rồi.
Mẹ tin con đang dần tiến bộ, bố mẹ, em Đốm và người thân đang luôn ở bên con. Dưa ơi, cố lên con nhé.
Mẹ yêu con.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *