Tại sao không, nếu như bạn có khả năng lựa chọn nơi sống cho mình và gia đình? Mẹ MC sẽ chia sẻ những kinh nghiệm về vấn đề này.
Chúng ta đưa con tự kỷ ra nước ngoài thường vì 2 mục đích:
– Định cư
– Tìm cơ hội cứu chữa con, học cách chữa trị rồi mang con về VN sống
Mình biết rằng mỗi gia đình có một lựa chọn sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Vì thế đã và sẽ có những bạn đang phải trăn trở những điều như mình kể trên. Mình thấy cả 2 lý do trên cũng đều đáng để bạn ra đi. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định điều thứ nhất là không đâu là thiên đường cho tự kỷ, và điều thứ hai là ở đâu thì cha mẹ vẫn phải là người làm cho con là chính.
Nếu bạn chọn một nơi để định cư thì ít nhất nơi ấy phải có trường học tốt cho con bạn. Như vậy thì bạn có thể chọn Mỹ, Canada, Châu Âu, Úc, đặc biệt là những nước Bắc Âu như Thụy Điển thì rất tốt về phúc lợi xã hội.
Còn nếu bạn tìm cơ hội để cứu chữa con và học cách chữa trị rồi mang con về VN sống thì bạn hãy chọn những nước nói tiếng Anh (như là Mỹ, Anh, Canada, Ireland, Úc, …) nhưng bạn hãy ghi nhớ rằng chi phí cực kỳ đắt đỏ.
Dưới đây mình liệt kê những khảo sát của mình về một số nước để các bạn tham khảo:
1- Trường học miễn phí: hầu như những nơi mình liệt kê ở trên thì đều đạt tiêu chí này (ngoại trừ trường tư).
Nhưng trường học mầm non thì như sau:
– Ở Đức:
o Từ 1 đến 3 tuổi: cũng có một số chỗ ở trong nhà trẻ của nhà nước. Thường nếu bạn có lý do chính đáng như là phải đi làm, con nhiều thì cũng sẽ được ưu tiên xếp chỗ trước. Phí thì gồm có tiền ăn trưa khoảng 30euro, cộng với lệ phí khoảng hơn 100 euro/tháng.
o Từ 3-4 tuổi: đương nhiên phải đi học mầm non. Được miễn phí năm này, chỉ nộp tiền ăn trưa.
o Từ 4-6 tuổi: phải đóng phí theo lương của bố mẹ. Như bé thứ 2 của mình phải đóng hơn 70eur/tháng.
– Ở Anh:
o Từ 1 đến 3 tuổi: không có trường công như ở Đức. Đóng tiền tư thục thì khoảng 500 euro/tháng. Cả hai bố mẹ đi làm thì cũng được claim lại một ít tiền.
o Từ 3 tuổi trở lên thì chắc cũng như Đức tức là vào hệ thống trường công.
– Ở Ireland:
o Từ 1 đến 3 tuổi: có hệ thống trường mầm non công nhưng chỉ đến 13h. Như thế cũng còn hơn ở Anh.
o Từ 3 tuổi trở lên thì vào trường công
o Từ 4 tuổi là học tiền tiểu học (ở Đức không có hệ thống tiền tiểu học, chơi cho suốt đến 6 tuổi, vì thế khi vào lớp 1 vẫn như là học mà chơi, chơi mà học).
– Ở Úc:
o Việc đi học mầm non cũng phải đóng phí cao lắm. Mình sẽ tìm lại bảng tính chi phí và cập nhật chính xác.
2- Trị liệu miễn phí (OT, Speech therapy, Physiotherapy): Đức, Bỉ, Pháp và có lẽ mấy nước Bắc Âu là không mất tiền. Ngoài ra có những thành phố ở Đức còn chi trả tiền trị liệu ABA cho một số đối tượng thực sự thành công với ABA. Hoặc chi cho cha mẹ đi học ABA nữa. Hoặc chi cho chuyên gia trị liệu cho con ở trung tâm tự kỷ. Cũng tùy chính sách của từng bang. Có khoản thì xã hội chi, có khoản bảo hiểm chi. Và được chi trả ngay từ đầu. Thời gian xin xỏ chỉ khoảng 1 tháng.
Mình nghe kể là ở Mỹ, Úc, Anh, Ireland: khi bạn có visa dài hạn thì cũng có thể đấu tranh xin chính phủ trả cho can thiệp ABA, nhưng chờ thì lâu, đôi khi bạn phải chi ra trước, sau này có được hay không thì chưa rõ, thời gian chờ tính bằng 1-2 năm.
3- Trị liệu mất tiền (OT, Speech therapy, Physiotherapy): Mỹ, Anh, Ireland, Úc … đều phải mất tiền.
4- Các khóa học tập huấn miễn phí: ở Đức thì bao cấp nhiều nên việc phụ huynh đi học là ít, và nếu có tham gia là phải mất tiền. Còn ngược lại, những nước mà trị liệu mất tiền thì lại có một số lớp học tập huấn miễn phí, những khóa ấy thường xuyên và cũng hay lắm (mình thấy có ở Ireland, Anh, những nơi khác mình chưa tìm hiểu).
5- Chi phí khám sức khỏe trọn gói trong phí bảo hiểm y tế nhưng phí bảo hiểm y tế sẽ phải đóng nhiều (ví dụ ở Đức nhà mình phải đóng 370 euro/tháng thì đi khám chữa tẹt ga luôn. Ở Anh cũng gần giống kiểu ở Đức, nhưng dịch vụ y tế không đông đúc và nhanh nhẹn bằng ở Đức, ví dụ ở Anh có những bệnh cũng phải chờ đợi lâu lắm. Chắc cũng tùy dân cư và số lượng bác sỹ ở mỗi vùng).
6- Chi phí khám sức khỏe phải thanh toán theo từng lần đến khám, và phí bảo hiểm y tế sẽ đóng ít đi (ở Ireland chi phải đóng bảo hiểm y tế it, ví dụ 1 cá nhân là 70 euro thôi nhưng mỗi lần đi khám mất 50euro, chưa kể tiền thuốc. Tuy nhiên, tiêm phòng thì đa phần vẫn là miễn phí.).
7- Phúc lợi xã hội cho trẻ con và con tự kỷ nói riêng:
- Tiền cho cha mẹ ở nhà nuôi con tự kỷ
- Tiền cho người tới trông nom con tự kỷ tại nhà
- Tiền cho trẻ con (tất cả chu không chỉ riêng khuyết tật)
- Tiền lắp ráp thiết bị phù hợp với khuyết tật của con tại nhà hoặc tại trường
- Tiền cho cô giáo trông con ở trường
…
Mình biết chắc rằng ở Anh, Đức, Ireland là có những khoản tiền này. Nhưng chỉ ở Đức khi bạn chưa có visa dài hạn thì vẫn được hưởng, trong khi các nước kia thì phải có visa dài hạn mới được hưởng (như vậy cần ít nhất 5 năm sống ở đó mới xin được visa dài hạn). Khi chưa được hưởng những phúc lợi này thì bạn sống sẽ chật vật hơn, bởi vì chi phí ở Anh, Ireland là đắt đỏ hơn so với ở Đức.
Còn ở Úc thì mình không rõ là có những phúc lợi gì, nhưng cũng có luật là nếu chưa có visa dài hạn thì chẳng được phúc lợi xã hội gì cả.
8- Dịch vụ can thiệp tự kỷ:
Ở những nước nói tiếng Anh, đặc biệt là Mỹ, Canada, Anh, Ireland, Úc, … thì dịch vụ can thiệp tự kỷ sẽ tốt hơn về số lượng và chất lượng so với những nước như Đức. Bởi 2 lý do:
– Thứ nhất do các can thiệp không miễn phí nên dịch vụ mở ra nhiều hơn, ngược lại ở Đức thì xã hội lo cho nhiều rồi nên ít người sử dụng dịch vụ. Mình nghe nói ở Thụy Điển cũng miễn phí nhiều lắm.
Chẳng hạn theo mình tìm hiểu thì ở Đức chỉ có mỗi 2 dịch vụ tư vấn ABA. Không có tư vấn viên nào làm RDI cả. Nhưng mấy nước lân cận như Bỉ, Ba lan thì có tư vấn viên RDI. Ôi, 1-2 năm nữa con mình mà khá tiếng Đức là mình phải mò sang Bỉ hay Balan để gặp tư vấn viên RDI đấy.
– Thứ hai là do những nước nói tiếng Anh thì họ dễ tiếp cận với những trào lưu mới từ cái nôi nghiên cứu tự kỷ là Canada và Mỹ.
Nhưng mà đắt lắm, đắt lắm.
9- Nhà xã hội (home care, home loop)
– Ở Đức thì sẵn có nhưng không phải ai cũng thích đưa con vào. Trong lịch sử, đã xảy ra chuyện người khuyết tật sống ở trong các nhà xã hội đã bị giết chết toàn bộ để dồn tiền của lo cho chiến tranh. Ngày ấy chỉ có những người nào sống với cha mẹ mới còn sống sót. Nhiều khi mình nghĩ, có lẽ bây giờ họ đang sửa chữa sai lầm của quá khứ nên người khuyết tật mới được ưu đãi như thế, hơn nhiều so với những nước khác.
– Ở Anh và Ireland mình tìm hiểu thì cũng có nhưng phải đấu tranh, phải xin và chờ lâu mới được xét duyệt. Ví dụ có một bà có con Asperger, cháu thông minh nhưng hành vi bùng nổ quá, năm 12 tuổi bà nộp đơn, đến năm 15 tuổi thì được chấp nhận cho con vào nhà xã hội, bà ấy kể rằng đó là giải pháp tốt cho cả hai mẹ con.
– Ở Thụy Điển, mấy năm trước có hai bà là chủ tịch và phó chủ tịch hội cha mẹ có con tự kỷ, đến VN, mình có gặp thì bà kể là mất mấy chục năm mới đấu tranh được mấy tòa nhà xã hội dành cho tự kỷ. Mà nghe kể đây là nước có chính sách tốt lắm cho người tự kỷ đấy. Chẳng hiểu sao phải đấu tranh ghê thế.
– Chẳng rõ ở Mỹ, Úc, Canada thì thế nào?
10- Việc làm (work station for disable adults)
– Mình chưa tìm hiểu kỹ, nhưng sơ bộ thì mình biết làm việc ở nơi giành cho người khuyết tật thì ở Đức có và thấy mấy phụ huynh có con tự kỷ họ kể thì họ hài lòng, con họ đi làm và rất vui vẻ. Còn ở Ireland thì không thấy có. Nhưng việc làm ở những công ty lớn thì ở Đức có ít thôi, hình như ở Thụy Điển có, và ở Úc cũng có thì phải (ngày xưa mình nghe bs. Thúy ở viện Nhi kể thế).
– Cha mẹ nào có thông tin thì bổ sung sẽ góp ích cho một số cha mẹ VN vì hoàn cảnh mà sẽ sang sinh sống ở nước ngoài.
11- Nếu đem con sang NN chữa bệnh, bạn có thể hy vọng đạt được điều gì?
– Nếu chỉ đi dưới 1 năm, mình nghĩ rằng con bạn sẽ hầu như không đạt được điều gì to tát như bạn mong muốn (ví dụ con chưa biết nói và mong con sẽ nói được, ngoại trừ con sẽ có những ngày tháng du lịch vui vẻ). Nhưng trong 1 năm ấy nếu bạn tiếp cận với các dịch vụ và thuê tư vấn viên, thì sau 1 năm bạn cũng hòm hòm kiến thức, vác con về VN và can thiệp tiếp. Tư vấn viên lúc ấy có thể tư vấn skype cho bạn.
– Nếu đi khoảng 2-3 năm thì mình nghĩ con sẽ có được những tiến bộ nhất định. Nhưng càng ở bên này lâu rồi đưa con quay trở lại VN sống thì sẽ làm chậm tiến độ học tiếng Việt của con.
12- Bạn sẽ giữ tiếng Việt cho con hay không?
Mình đã trải qua và xin chia sẻ kỹ với các bạn vấn đề này nhé.
Trước khi đưa con sang nước ngoài sống, mình đã tham khảo ý kiến của 2 người:
– Một chuyên gia tâm lý ở Pháp sang Việt Nam làm việc, người này nói rằng: không lo vấn đề ngôn ngữ của trẻ. Trẻ con chúng học ngôn ngữ dễ hơn người lớn, kể cả đó là tự kỷ. Nếu trẻ học được tiếng Việt bao nhiêu thì cũng dễ dàng học tiếng nước ngoài bấy nhiêu.
– Nhà trị liệu ngôn ngữ – chị Tường Anh (concuame.com): chị ấy nói rằng không vấn đề gì đáng phải lo về việc cho con học ngoại ngữ (trùng với ý trên). Trẻ con sống ở hai môi trường ngôn ngữ sẽ càng trở nên thông minh. Mình hỏi sâu hơn là sẽ cho con học song ngữ hay chỉ một thứ tiếng. Chị ấy nói: điều này phụ thuộc vào đứa trẻ. Khi ấy chị đã đánh giá MC ngay trước ngày MC sang Đức 1 tháng, nhưng chị ấy vẫn không khẳng định liệu MC có học được song ngữ hay không.
Mình đã đau đầu biết bao với việc này!
– Đương nhiên nhà trẻ ở đây thì khuyên phải cho con học tiếng Đức mau lẹ đi.
– Bác sỹ tâm lý ở đây cũng bảo rằng nếu sống ở Đức thì hãy nói tiếng Đức với con và có lẽ chỉ cho con học 1 thứ tiếng thôi.
– Tư vấn viên ABA: năm ngoái khi mà con mình chưa hiểu và chưa nói được tiếng Đức như bây giờ, mình đã định theo tư vấn viên ABA, nhưng khi trao đổi thì mình thấy hoang mang quá. Điều mình lo nhất lúc ấy là họ sẽ không hiểu con mình và có thể đưa ra chương trình không phù hợp với nhận thức của con vì nếu họ gặp và nói chuyện với con thì con đã hiểu gì đâu. Lúc ấy họ cũng khuyên nên dạy con tiếng Đức thôi, ko dạy tiếng Việt.
– Riêng chuyên gia tự kỷ của con là người duy nhất vào năm ngoái đã khuyên là thử giữ song ngữ cho con.
– Thế là suốt hơn 1 năm qua mình cứ phải thử, tự nắn gân bản thân, rồi mọi chuyện đã qua. Con gái mình phát triển cả tiếng Đức và tiếng Việt. Bây giờ thì mình tự tin rồi.
– Ai chẳng mong giữ tiếng Việt cho con.
– Nhưng trên thực tế có những cháu sinh ra và lớn lên ở nước ngoài từ bé, mà ngôn ngữ vẫn không phát triển, thì có lẽ chỉ dạy cháu được một ngôn ngữ thôi.
– Có những cháu đã từng sống ở VN và đã hiểu tiếng Việt nhiều hơn tiếng nước ngoài, thì mình nghĩ cứ nên tận dụng vốn hiểu tiếng Việt để dạy con ngôn ngữ mới.
– Cách của mình để dạy con tiếng Đức và giữ tiếng Việt là:
o Gần như 100% ngôn ngữ giao tiếp với các con là tiếng Việt. Và mình cho con giao lưu với người Việt Nam ít nhất 1 lần 1 tuần. Con mình cũng có lợi thế là có cô em gái nói nhiều và còn biết cách yêu cầu chị nói. Ví dụ: Chị MC nói là “Em tránh ra cho chị ngồi”, chị nói đi thì em tránh ra. Chị MC nói to lên, em nghe không rõ. Hehe. Và cả cô em út cũng đã bắt đầu lắm mồm. Cả nhà mình có quy ước không nói tiếng Đức khi ở nhà. Cháu thứ 2 đã phải đồng ý không được nói tiếng Đức với chị và em.
o Chỉ trong giờ học ABA thì con mới học tiếng Đức. Cả nhà xem ti vi tiếng Đức. Không bật ti vi tiếng Việt bao giờ để cả mẹ và con học tiếng Đức.
o Trong giao tiếp hàng ngày nếu xuất hiện từ nào trùng với nội dung con đang theo học thì mình nói tiếng Đức và giải thích cho con sang tiếng Việt.
o Những mẫu câu tiếng Đức mà con đang học cần áp dụng trong thực tế, thì đương nhiên mình phải tận dụng cơ hội để con áp dụng mọi lúc, mọi nơi.
o Con đến trường đã được/phải nghe tiếng Đức cả ngày rồi mà.
o Kết quả là những gì con mình đang biết bằng tiếng Đức thì cháu đều dịch được sang tiếng Việt.