Đừng đếm tuổi của con

Sinh nhật con, bố mẹ đưa con đi mua bánh ga-tô ngoài hiệu. Ta ngập ngừng nhìn một cặp vợ chồng và cô con gái cũng tới hiệu bánh đó. Mỗi năm thêm một tuổi, hẳn các cô bé đó đã háo hức chờ đợi rất lâu để đến ngày ra hiệu bánh, để chọn bánh và cây nến 6 tuổi của mình. Suy tính hồi lâu, cuối cùng, bố mẹ đã chọn một túi nến nhỏ. Những cây nến đủ màu sắc. Và thắp lên rất, rất nhiều ngọn nến trên bánh sinh nhật con. Có lẽ là 10. Hoặc là nhiều hơn thế. Đừng đếm bao năm đã trôi qua, vì dù gì đi nữa, con vẫn mãi mãi là đứa con yêu của bố mẹ. Đừng đếm tuổi của con, vì có lẽ suốt cả cuộc đời, về góc độ nào đó, con sẽ mãi là đứa trẻ ngây thơ…

 

Mỗi năm luôn có 12 tháng. Mỗi tháng có 28-31 ngày. Mỗi ngày có 24 tiếng. Mỗi tiếng có 60 phút. Mỗi phút có 60 giây. Thậm chí, những vật vật vô tri vô giác như cái đồng hồ cũng biết đếm bằng những tiếng tích tắc. Người ta thường đếm xuôi. Nhưng cũng có cả đồng hồ đếm ngược.

Mẹ đã đếm từng ngày trong tháng đầu tiên để con tròn 1 tháng tuổi, rồi mình làm lễ cúng mụ. Mẹ đã đếm từng tháng trong năm đầu tiên, để đưa con ra hiệu ảnh, nơi chị con từng đến, vào ngày tròn 1 tuổi, và chụp những kiểu ảnh từa tựa như chị con – rồi thích thú so sánh 2 tấm hình của 2 đứa con vào cùng một ngày tròn tuổi đầu tiên.

Mẹ từng đếm từng bước chân đầu tiên của con, lúc đầu còn chập chững, rồi vững dần, con bước xa hơn. Mẹ đã đếm từng lần con bị ốm sốt. Mẹ đếm cả những từ đầu tiên con bi bô chưa rõ, để rồi đoán ngược đoán xuôi xem con muốn nói gì.

Gần 3 tuổi, con thoái triển cùng hai từ “tự kỷ”. Con mất hết những gì đã từng nói. Con bắt đầu hay ốm sốt, hay nôn, hay tiêu chảy. Con chợt sợ quả bóng lăn qua lăn lại mà con từng sút say sưa. Con cúi đầu, lảng tránh, chẳng nhìn vào mắt. Con chạy lắc xắc suốt ngày, đầu hơi lao về phía trước, hai tay buông thõng hai bên. Đôi lúc, con lại ngồi thẫn thờ trong ánh nắng, mắt nhìn vô định đi đâu đâu…Con đã biến thành một đứa trẻ khác hẳn con trước đây, và ngay trước mắt mẹ.

Một lần nữa, mẹ đếm lại những từ con bắt đầu nói trở lại, ít, thậm chí là rất ít, nhưng mẹ vẫn đếm đi đếm lại, hy vọng mong manh rằng có lẽ mình đếm thiếu một vài từ. Mẹ lại đếm khoảng thời gian con có thể cùng chơi với mẹ một trò con thích. Mẹ đếm số cầu trượt trong sân trường mà con chịu trèo lên. Những đêm không ngủ, mẹ đếm những hy vọng cho con, và luôn chuẩn bị cho những trường hợp xấu nhất có thể.

Mẹ, giống như bao người mẹ khác, không thể thay đổi được hai từ “tự kỷ”, nên mẹ phải học cách thay đổi cách nghĩ của mình. Rồi mẹ học cách chấp nhận con đúng như bản chất của con – với con, những chuẩn mực bình thường không thể áp dụng. Rồi mẹ gật đầu để con trở thành một trong hai “sao nhí” của một bộ phim tài liệu về tự kỷ và cuộc sống, với một cảnh mà mẹ rất thích và sẽ chẳng bao giờ quên: Con ngồi đó, cùng gia đình, trên nền tối và giữa khung hình, một chiếc bánh ga-tô sinh nhật có những ngọn nến lung linh cháy rực.

Sinh nhật con, bố mẹ đưa con đi mua bánh ga-tô ngoài hiệu. Ta ngập ngừng nhìn một cặp vợ chồng và cô con gái cũng tới hiệu bánh đó. Mỗi năm thêm một tuổi, hẳn các cô bé đó đã háo hức chờ đợi rất lâu để đến ngày ra hiệu bánh, để chọn bánh và cây nến 6 tuổi của mình.

Suy tính hồi lâu, cuối cùng, bố mẹ đã chọn một túi nến nhỏ. Những cây nến đủ màu sắc. Và thắp lên rất, rất nhiều ngọn nến trên bánh sinh nhật con. Có lẽ là 10. Hoặc là nhiều hơn thế.

Đừng đếm bao năm đã trôi qua, vì dù gì đi nữa, con vẫn mãi mãi là đứa con yêu của bố mẹ.

Đừng đếm tuổi của con, vì có lẽ suốt cả cuộc đời, về góc độ nào đó, con sẽ mãi là đứa trẻ ngây thơ.

Đừng đếm những lần con biết nói lời yêu thương hay cám ơn bố mẹ, vì mẹ biết tuy rất yêu gia đình, nhưng con không biết thể hiện tình cảm như những đứa trẻ bình thường.

Đừng đếm tình yêu thương của bố mẹ dành cho con, vì trong lòng, bố mẹ luôn mong muốn dành cho con thật nhiều hơn thế.

Đừng đếm những ngôi trường nơi ngày nào con bị từ chối, vì vẫn có những cánh cửa như trường Xã Đàn vẫn luôn luôn rộng mở.

Đừng đếm bao nhiêu thời gian, công sức hay tiền bạc đã và sẽ dồn cho con, vì ngay cả khi không “mua” được nhiều tiến bộ, bố mẹ vẫn vui vì con giữ được nụ cười tươi như ngày con còn bé.

Đừng đếm những người bạn còn lại bên mẹ, có lẽ cũng còn ít người thôi, nhưng họ luôn là những người mẹ có thể tâm sự mọi điều mà không cần giấu diếm, hoặc cũng có thể mẹ không cần nói, mà họ luôn luôn hiểu tận tường…

Giá trị cuộc sống là gì? Có lẽ là hạnh phúc. Hạnh phúc là thứ gì đó vô hình. Hạnh phúc là điều mà nếu may mắn, ta sẽ cảm nhận từ cuộc sống. Dù con có khác với những “chuẩn mực” bình thường, con vẫn còn cơ hội được hạnh phúc, và bố mẹ vẫn luôn cố gắng để con thật hạnh phúc theo cách riêng của mình.

Vậy nên, với rất nhiều thứ trên đời này, những thứ mà nghĩ thật sâu, ta sẽ thấy không quan trọng lắm, ta đừng bao giờ đếm, nhé con!

Hà Dương
CLB Gia đình Trẻ Tự kỷ Hà Nội

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *