Đầu năm và cuối năm, các con đã tiến bộ rất nhiều. Có nhiều bạn trước đây chỉ biết ăn cơm nuốt chửng mà không nhai, nay đã biết nhai và ăn được thịt rau. Có bạn cầm bút chưa chắc, nay đã viết, tô tròn nét. Có bạn xưa thật gày gò, nay, một phần cũng theo thời gian, đã có chút da thịt. Các bạn khiếm thính còn học được một chút ngôn ngữ ký hiệu nữa…
Con trai của mẹ có một vẻ ngoài sáng đẹp tựa vầng trăng.
Con trai của mẹ chẳng biết giao tiếp, bắt đầu biết nói ở cái tuổi các bạn cùng lứa đã biết tính toán cộng trừ, và đến giờ vẫn ít biết trả lời, con là một vầng trăng khuyết.
Vầng trăng khuyết và “khuyết” nhiều như con, lẽ thường, chỉ quanh quẩn ở nhà. Nhưng “sống” đâu chỉ có nghĩa là ta cao lớn hơn so với ngày bé mà phải là “lớn khôn”, nên chúng mình quyết tâm đi học.
Con từng học những nơi chỉ có những vầng trăng tròn vành vạnh, như trường Hoa Mai gần nhà. Hai cô giáo tóc đã điểm bạc đón con vào lớp và tiễn mẹ với câu: “Cứ yên tâm về đi. Các cô không giúp được nhiều, nhưng các bạn sẽ giúp được. Chị sẽ nhờ các con trong lớp kéo con cùng chơi”.
Con từng học ở những nơi chỉ có những vầng trăng khuyết, chỉ có 10 vầng trăng khuyết học cùng nhau bao nhiêu ngày mà chẳng bao giờ chơi đùa với nhau, gặp nhau bất kể ở đâu cũng chẳng tỏ ra là những người quen biết!
Con từng may mắn gặp rất nhiều cô giáo yêu thương con hết mực, nhưng vẫn chưa phải là một câu trả lời hoàn chỉnh. Con cần một môi trường khác, một môi trường hòa nhập có mức độ hỗ trợ cao hơn. Rồi con đến với trường mẫu giáo Xã Đàn, nơi hơn nửa lớp là “tròn”, nửa non còn lại là các bạn khiếm thính, và chỉ riêng con là tự kỷ.
Các bạn khiếm thính tương đối ngoan và kỷ luật. Có bạn nghe được một chút, có bạn hầu như không nghe thấy gì. Các bạn ấy đeo máy trợ thính, giống như một cái nút ở tai, và là dấu hiệu để mẹ có thể nhận biết những vầng trăng khuyết, những đứa trẻ mà mẹ luôn yêu quý hơn mức bình thường. Có nhiều thứ các bạn ấy tốt hơn con, các bạn ấy có thể giao tiếp ngay cả khi chưa có ngôn ngữ, có thể chơi đùa, có thể kết bạn. Nhưng các bạn ấy thiệt thòi hơn con vì các bạn không nghe được hoặc nghe được rất ít mà thôi.
Mỗi lần nhìn cả lớp, mẹ luôn thấy thương các con và thương cả hai cô giáo nữa, chỉ có hai cô mà lớp có đến hơn 30 bạn. Nếu cứ tính mỗi trẻ khuyết tật tương đương với 5 trẻ bình thường, thì lớp mình thật là một lớp “khủng” đấy.
Đầu năm và cuối năm, các con đã tiến bộ rất nhiều. Có nhiều bạn trước đây chỉ biết ăn cơm nuốt chửng mà không nhai, nay đã biết nhai và ăn được thịt rau. Có bạn cầm bút chưa chắc, nay đã viết, tô tròn nét. Có bạn xưa thật gày gò, nay, một phần cũng theo thời gian, đã có chút da thịt. Các bạn khiếm thính còn học được một chút ngôn ngữ ký hiệu nữa.
Còn vầng trăng của mẹ thì tiến bộ nhiều lắm. Con đã có thể đọc một lèo quyển tiếng Việt lớp 1 đến non nửa quyển mà chưa biết chán. Những âm thanh không tròn, nhưng thể hiện hết những nỗ lực và mong muốn của con: đi học!
Mỗi lần đi đón chị K, con đều đòi ngồi vào bàn học. Có lẽ đối với con, cái bàn, cái ghế của cấp tiểu học như một sự “trưởng thành”. Chắc con rất thèm được ngồi vào lớp. Rời mẫu giáo, có được đi học lớp 1 không? Mẹ thấy lòng đỡ trĩu nặng biết bao khi con được học ở trường hòa nhập Xã Đàn, nơi giang rộng cánh tay chào đón.
Con tập viết một cách khó khăn. Cô tìm loại bút chì mềm nhất. Con viết được một chữ là hết tập trung, cô kiên nhẫn ngồi bên nhắc nhở. Cô còn dạy con biết đếm số lượng, tìm quy luật, xếp tương đương số lượng và chữ số, những khái niệm bé tí ti để gộp thành phép cộng sau này. Các bạn bình thường học toán như là một việc giản đơn, còn với con, mỗi phép toán, mỗi nét chữ đều được xây bằng bao giọt mồ hôi và công sức.
Tuần vừa rồi, cô Hà xin cho con thử ngồi học tiết thứ nhất với lớp 1B1. Hóa ra, tiết đầu lại là tiết thể dục. Con hào hứng đứng vào hàng để khởi động, mặt con rạng ngời vì mãn nguyện. Thầy thể dục mỉm cười khi thấy con chân tay vụng về (con vốn bị khó khăn trong việc phối hợp các chi). Rồi con cũng lăn bóng qua mấy cái ghế rồi lăn vòng lại, hai cái chân và cái đầu cứ chực chúi về phía trước, mẹ sợ con sẽ ngã, nhưng con đã làm được. Con về đích, giao bóng lại cho các bạn, và lại đứng xếp hàng chờ lượt sau. Có lẽ với bao người khác, đó chỉ là một việc nhỏ, nhưng với con, đó là một kỳ tích: thứ nhất, con đã không ra khỏi hàng, và thứ hai, con đã làm đúng hoạt động mẫu.
Con cũng học thử một tiết học nữa. Con chịu ngồi suốt cả tiết học. Buổi tối, con đã ôm riết lấy quyển Tiếng Việt lớp 1, và giở sách ra tự đọc bài. Con còn viết chính tả nữa, dù chỉ là những từ đơn giản nhất và theo những nội dung con thích. Bài chính tả đầu tiên của con ở nhà rất vui nhộn, vì toàn những câu như sau: Dương muốn đi Thủ Lệ xem con khỉ, con voi, con hà mã, và mua cá sấu màu vàng. Dương yêu mẹ, bố, chị K và bà Nhì. Dương đi xe buýt 49 đến nhà cô Hoan. Dương muốn học lớp 1. Nhìn từng nét chữ run run của con, mà mẹ chực trào nước mắt. Hạnh phúc thật ngọt ngào.
Thứ 4 vừa rồi, cả lớp đã chụp ảnh kỷ niệm với áo mũ cử nhân mẫu giáo. Trời nóng thế nhưng các con thật vui vẻ và xúng xính, có bạn chụp xong rồi nhưng vẫn không muốn cởi áo choàng cử nhân khỏi người. Trông các con thật chững chạc. Các con ơi, tốt nghiệp mẫu giáo rồi, những con chim non ạ. Và mẹ thầm ước sao sẽ còn nhiều cấp học nữa mà các con sẽ đi qua, và để cuối cấp lại mặc chiếc áo choàng tốt nghiệp như thế này, các con ạ.
Ông trăng trên trời đến rằm thì sẽ tròn. Vầng trăng của mẹ khi lớn lên, vẫn mãi là vầng trăng khuyết. Nhưng vầng trăng của mẹ không cô đơn, không đơn độc. Luôn có bao người ở bên để cho con để con có được ngày hôm nay và một lớp 1 ngày mai. Sau này, bài diễn thuyết đầu tiên của con sẽ có một phần cám ơn thật dài: Con xin cám ơn bác Hương trường Hoa Mai, cô Hiền, cô Loan, cô Hải Anh, thày Hà, bác Thành ở TT CTS trường CĐSP MGTW. con xin cám ơn cô Ngọc, cô Chung, cô Quỳnh, cô Hà, cô Linh trường mầm non Xã Đàn… Và còn có bao thày cô nữa của trường tiểu học Xã Đàn đang chờ con trong năm học tới. Có biết bao ân tình không bao giờ trả hết được, chỉ xin ghi sâu vào cõi lòng. Cánh cửa lớp 1 đã không còn khép nữa rồi. Con chim non ơi, hãy tung cánh bay xa, con nhé!
Hà Dương