Sáng ngày 31/12/2011, CLB đã tổ chức cuộc gặp thân mật với nữ bác sỹ Natalie đến từ Australia trong khuôn khổ chuyến công tác của bác sỹ đến Việt Nam. Cuộc gặp được tổ chức tại Trường THCS Giảng Võ, phố Trần Huy Liệu, Ba Đình, Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 50 phụ huynh.
Bác sỹ Natalie làm việc tại một bệnh viên nhi khoa lớn tại Australia và có nhiều kinh nghiệm về dinh dưỡng trẻ em và các vấn đề khuyết tật, trong đó tự kỷ là lĩnh vực bác sỹ quan tâm và yêu thích. Bác sỹ cũng có dịp làm việc với Bệnh viện Nhi Đồng Tp. HCM và Bệnh viện Nhi TW tại Hà Nội.
Trao đổi với các phụ huynh, bác sỹ tâm sự cô đã rất xúc động khi được biết rằng đã có nhiều trường học được chính các phụ huynh của các con tự kỷ mở ra. Cô nhắc lại nhiều lần rằng: Chính cha mẹ mới là người giáo viên tốt nhất của con. Con đường tốt nhất là đào tạo phụ huynh để phụ huynh trở thành giáo viên cho chính những đứa con của mình.
Cô cũng trao đổi rất nhiều vấn đề về sức khỏe và y học đối với trẻ tự kỷ. với vấn đề giấc ngủ của trẻ tự kỷ, cô nhấn mạnh rằng nhiều trẻ tự kỷ có vấn đề về giấc ngủ: hoặc là khó đi vào giấc ngủ, hoặc là hay thức dậy giữa giấc. Vấn đề này có thể làm trẻ mệt mỏi, không có năng lượng cho ngày hôm sau, không thể thức dậy đúng giờ, và ngoài ra, nó còn có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình. Cô cũng đưa ra nhiều giải pháp như: tránh các yếu tố có thể làm trẻ khó ngủ (ánh sáng trong phòng ngủ, thức ăn, các hoạt động nên và không nên tiến hành trước giờ ngủ, v.v), thay đổi đồng hồ sinh học của trẻ một cách thật, thật chậm và nhất quán (ví dụ muốn trẻ thức dậy sớm hơn 60 phút, thì tuần 1 đánh thức trẻ sớm 15 phút, tuần 2 đánh thức trẻ sớm hơn 15 phút nữa …). Cô cũng trao đổi về một số loại thuốc và thực phẩm chức năng, so sánh dạng bào chế từ thảo dược và dạng tổng hợp, hay trao đổi những vấn đề ”nhạy cảm” như dậy thì ở trẻ tự kỷ, các vấn đề hệ lụy và cha mẹ nên chuẩn bị như thế nào.
Chia tay với bác sỹ, chúng tôi thấy lòng thật ấm áp, và và bác sỹ cũng hẹn gặp lại trong chuyến đi công tác đến Việt Nam trong tương lai. Tự kỷ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cũng như cách chữa trị dứt điểm, nhưng nó không thể ngăn cản được những nỗ lực của những người y bác sỹ hay phụ huynh luôn kiếm tìm những cơ hội mới và tốt hơn cho trẻ tự kỷ. Chúng ta hãy cùng ghi nhớ một trong những chia sẻ mà bác sỹ nhấn mạnh và nhắc đến rất nhiều lần rằng: phụ huynh đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong can thiệp, và rằng hoạt động CHƠI VỚI CON rất có hiệu quả và cần có vị trí quan trọng trong chương trình can thiệp.
Hà Dương