Gửi con trai tự kỷ của mẹ!

Gửi con trai tự kỷ của mẹ!

Số 1 – tháng 6/2010: Mẹ tớ vốn là một người hài hước và rất tình cảm. Mẹ cũng rất hay viết thư cho tớ. Tuy bây giờ tớ chưa biết đọc, nhưng mẹ vẫn tin rằng một ngày nào đó, tớ sẽ biết đọc và hiểu hết những lá thư thế này:

Hà Nội, ngày 3/5/2010

Dê ạ,

Là mẹ của trẻ tự kỷ nghĩa là luôn mơ và tin tưởng về một tương lai tươi sáng để đủ sức chiến đấu với thực tại đầy vất vả. Ai cũng biết là đến nay, tự kỷ vẫn không chữa khỏi được, nhưng mà sau này, biết đâu đấy, sẽ tìm ra cách chữa, con nhỉ!

Bởi vậy, mẹ cũng tranh thủ mơ …rộng thêm chút nữa nhé.

Nếu là 1 nghệ sỹ, mẹ ước được là cô Vannessa Mae, mẹ sẽ chơi một bản trường ca tự kỷ bi thương nhưng thật hoành tráng. Với cây vĩ cầm “ma thuật”, với những cái hất tóc mạnh mẽ nhưng cũng đầy quyến rũ, cùng với ánh mắt rực lửa, mẹ hy vọng sẽ truyền được một chút “lửa” cho trẻ tự kỷ. Cuối bài, đôi mắt đó sẽ đẫm lệ, và các báo tha hồ giật tít trên trang nhất: Vannessa Mae – những giọt nước mắt cho trẻ tự kỷ. Hiệu ứng truyền thông chắc cao lắm con nhỉ.

Nếu mẹ là đạo diễn, mẹ xin được làm chú Đỗ Thanh Hải, đạo diễn của chương trình Táo quân Cuối năm. Có lẽ sẽ chọn chú Tự Long vào vai Táo Tự kỷ. So với những đặc điểm nhận dạng của 1 bé tự kỷ (mắt to, da trắng, môi đỏ, má lúm…), thì chú Tự Long đạt hết, có chăng chỉ chưa đạt cái nước da … không hề trắng, nhưng mà đã có bác phụ trách trang điểm lo khâu này rồi. Táo Tự kỷ thì chắc chắn phải “nịnh nọt” Táo Giáo dục, Táo Y Tế và cả Táo Cộng đồng nữa. Vai này khó nhằn đây. May là chú Tự Long này cũng khéo mồm, về khía cạnh này thì chú ấy là một ứng cử viên cực đạt luôn con nhỉ. Nếu bác Đức Hải – đại sứ thiện chí cho trẻ tự kỷ Việt Nam – có thời gian tham dự chương trình Táo, thì càng tuyệt nhỉ. Sau buổi Mít-tinh và Đi Bộ vì Trẻ tự kỷ, tự nhiên mẹ thấy quý bác Hải thế không biết. Còn nội dung thì thôi rồi là phong phú nhé: nào là chuyện 1 bé TK được chẩn đoán là ngắn phanh lưỡi, nhưng sau khi thực hiện tiểu phẫu cắt phanh lưỡi, thì chính bác sỹ đó lại kết luận rằng cháu lại bị dài lưỡi(?); nào là chuyện đi xin nhập học, trường bình thường thì từ chối và trường công đặc biệt cũng từ chối, tuy rằng 2 lý do từ chối có khác nhau …

Nếu mẹ là một nhạc sỹ có tài, mẹ xin được giống như bác Phú Quang với bài: Tâm sự người mẹ có con tự kỷ: “Chuyện về đời tôi, chuyện người mẹ có con tự kỷ, rất giản dị thôi. Từng ngày ngày qua, từng ngày tôi chiến đấu, giành lại con tôi…” Hy vọng với bài hát đó, cộng đồng, xã hội sẽ hiểu hơn về tự kỷ và như vậy, con sẽ nhận được nhiều sự cảm thông và được hưởng lợi nhiều hơn nữa.

Nếu được là một nhà khoa học, mẹ ước mình được là bà Marie Curie. Mẹ sẽ đổ cái chất lỏng màu xanh vào cái chất lỏng màu tím, lắc đều 15 phút, rồi thêm vào thứ bột màu đỏ, cho vào máy quay ly tâm, rồi cho vào phòng với nhiệt độ dưới 15 độ C đợi kết tủa, rồi mới đổ tất cả vào cái lọ màu vàng. Tất nhiên, sản phẩm cuối cùng sẽ là 1 loại hóa chất tổng hợp, không màu, không vị, dễ uống, mà đứa trẻ tự kỷ nào khi uống xong 1 ngày sẽ mất dần các rối loạn, và sẽ trở lại bình thường, thật đấy!

Nhưng mẹ chỉ là mẹ của con thôi. Mẹ ước sao mẹ sẽ thật khỏe mạnh và nghị lực để đi cùng con suốt cuộc đời này. Mẹ cũng mong sẽ tìm được cho con một ngôi trường phù hợp để con có thể theo học, phát triển và sống hòa mình với xã hội theo cách phù hợp với khả năng và tính cách của con. Chỉ là thế thôi, phải không con?

Nhưng mẹ con mình vẫn nên mơ mộng đúng không con? Vì cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, và có bao điều mới lạ sẽ xảy ra … Sắp tới, CLB GĐ Trẻ Tự kỷ sẽ tham dự Giải Chim Én cho các hoạt động xuất xắc vì cộng đồng, và ước mơ của mọi người cũng thật giản dị: không mơ được vinh danh là người chiến thắng, chỉ mơ rằng những hoạt động mà CLB thực hiện sẽ được cộng đồng thấu hiểu và san sẻ, vì những điều tươi đẹp hơn cho con. Cũng chỉ là thế thôi, con nhỉ!

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *