20 năm sau ngày tôi viết cuốn sách Hình ảnh hóa và Ngôn từ hóa trong Tư duy và Lĩnh hội Ngôn ngữ, một lần nữa tôi lại được trò chuyện cùng bạn. Bạn là độc giả của tôi, là học viên của tôi, là người mà tôi chia sẻ niềm đam mê của mình, và là người mà tôi tin tưởng. Bạn là người có thể làm được tất cả, bất kì điều gì.
Chương 1. Vừa đọc em vừa dựng phim trong đầu
20 năm sau ngày tôi viết cuốn sách Hình ảnh hóa và Ngôn từ hóa trong Tư duy và Lĩnh hội Ngôn ngữ, một lần nữa tôi lại được trò chuyện cùng bạn. Bạn là độc giả của tôi, là học viên của tôi, là người mà tôi chia sẻ niềm đam mê của mình, và là người mà tôi tin tưởng. Bạn là người có thể làm được tất cả, bất kì điều gì.
Trong khi viết những dòng này cho các bạn sau một thời gian dài vắng bóng, tôi tự hỏi không biết đôi bàn tay bạn trông có giống đôi bàn tay tôi không nhỉ, hai bàn tay nhăn nheo khắc khổ, giống tay mẹ tôi một cách kì lạ. Thế nhưng những ngón tay có thể gõ rào rào xuống bàn phím khi những suy nghĩ của tôi được phơi bày để chia sẻ với bạn về tầm quan trọng của hình ảnh đối với khả năng lĩnh hội và nhận thức. Bạn đang bắt đầu một hành trình qua các trang sách để thâm nhập vào một thế giới mã hóa kép, sự chắp nối hình ảnh-ngôn ngữ tạo cơ sở cho việc tư duy và lĩnh hội.
Hãy cùng tôi quay trở lại thời điểm đầu tiên khi tôi ý thức được về mối quan hệ giữa hình ảnh và sự lĩnh hội ngôn ngữ. Tất cả mọi chuyện đều bắt dầu vào một ngày mùa xuân nhiều năm trước đây.
Khi đó, tôi đang trở về văn phòng của mình tại một cơ sở khám bệnh chung với P. L., người bạn và cộng sự của mình. Tôi dạy đọc và đánh vần cho những trẻ em và người lớn được chuyển tới chỗ chúng tôi vì gặp phải những khó khăn nghiêm trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ. Nhiều người trong số đó được chẩn đoán mắc “chứng khó đọc”. Hôm nào cũng vậy, cả ngày trời, tôi dạy từng người một cách nhận biết âm thanh trong các từ ngữ để cải thiện khả năng mã hóa và giải mã của họ. Tôi đã không ý thức được về chứng rối loạn lĩnh hội riêng rẽ, bởi tôi, cũng như rất nhiều người khác, đều nghĩ rằng những khó khăn trong đọc hiểu là bắt nguồn từ khả năng giải mã kém và khả năng đọc từ kém.
Trong khi về văn phòng mình, tôi đi ngang qua khoa nhi. Tôi thấy trẻ em đang chơi trên sàn nhà, những em bé thì được cuốn trong chăn ấm, và cha mẹ đang đọc sách cho chúng nghe. Đi qua bể cá nhiều màu sắc sinh động về phía cuối hành lang là văn phòng của tôi. Tôi mở cửa bước vào phòng và cảm thấy buồn cười vì văn phòng nhỏ quá – có một cái cửa sổ và chỉ có đủ chỗ để kê một cái bàn cũ, một tủ đựng hồ sơ và 2 cái ghế.
Thời gian trôi thật nhanh khi tôi làm việc với 2 học sinh lớp buổi chiều của mình. Đã muộn rồi, những tia sáng cuối cùng leo qua cửa sổ vào phòng. Tôi hơi ngả người ra ngế, nhưng trong đầu vẫn bận tâm về cậu học trò của mình. Tôi đang dạy An. An là một sinh viên đại học chuyên ngành kiến trúc. Cậu tìm đến tôi để cải thiện khả năng đánh vần vốn rất kém và làm ảnh hưởng đến cả kĩ năng viết của mình. Trong mấy tuần vừa rồi, nhận thức về âm vị của An đã có tiến bộ. Chúng tôi đã áp dụng kĩ năng xử lí âm vị của cậu vào môn học đánh vần, nhưng cậu vẫn đánh vật với việc nhớ các nhóm chữ cái trong từ và thường chỉ phát âm đúng chứ đánh vần chưa chính xác.
Thấy cần phải nghỉ giải lao một chút sau khi đã đánh vần hết từ này sang từ khác, tôi quyết định cho An đọc và tóm tắt miệng đoạn đọc cho tôi. Tôi đưa cho cậu một cuốn sách kĩ năng ở trình độ đại học và yêu cầu người học trò đọc to để tôi kiểm tra kĩ năng giải mã của cậu.
Cậu đã đọc đoạn văn một cách chính xác. Tôi cầm lại cuốn sách và nói: “Tốt lắm! Nào, hãy nói cho cô xem em đã đọc được những gì.” An đã tóm tắt rất đầy đủ nội dung bài đọc, thoạt đầu là nêu ý chính, rồi thêm vào tất cả các chi tiết. Trước sự ngạc nhiên của tôi, cậu suy luận, kết luận, dự đoán và đánh giá đoạn đọc. Cậu rất tự tin và say sưa với hoạt động này, một An khác hẳn so với lúc đang vật lộn đánh vần.
Tôi nhìn chằm chằm vào cậu và bảo: “Thật không thể tin được, đó là một bài tóm tắt tuyệt vời An ạ. Làm sao mà em có thể làm được như vậy?”
An nhìn tôi ngạc nhiên và bắt đầu hơi ngượng: “Em không biết ạ.”
Nhận thấy An đang bối rối và không tự tin vì câu hỏi của mình, tôi trấn tĩnh cậu:
“Khá lắm! Em có khả năng đọc hiểu rất tốt. Em đã làm thế nào đấy? Giá mà cô biết được em đã làm gì để có thể nhớ được những điều đã đọc! Có lẽ cô sẽ có thể dạy cho những người khác cũng làm được như vậy.”
An trả lời, vẫn rất tư lự: “Em không biết nữa.” Rồi, im lặng một chút, cậu nói:
“Vừa đọc em vừa dựng phim trong đầu cô ạ.”
Thoáng chút ngạc nhiên, tôi lại hỏi: “Em bảo gì cơ? Dựng phim trong lúc đọc à?”
“Em không biết nữa. Em luôn thấy những thước phim chạy trông đầu mình lúc
đang đọc. Các con chữ biến thành những hình ảnh. Cô không thấy như thế ạ?”
Nghĩ về những cuốn sách tôi đang đọc, cuối cùng tôi nói: “Có chứ. Cô có tưởng tượng ra những điều cô đọc. Có lẽ chỉ là cô không nghĩ đến điều này thôi.”
“Những người có khác làm như vậy không hả cô?”
“Cô cũng không biết nữa… nhưng cô sẽ thử tìm hiểu xem sao. Trong lúc đó, chúng ta hãy cứ tiếp tục với việc đánh vần đi. An, thử xem em có thể mường tượng các chữ cái trong các từ mà chúng ta đang đánh vần không. Em có nhìn thấy các chữ cái trong từ xây dựng (construction) không?”
An nheo mắt, thoáng mỉm cười và bối rối nói: “Không, em không nhìn thấy gì cả.”
“Không thấy gì cả sao?”
Trông cậu rất trầm ngâm: “Không. Không gì hết.”
Giờ đây tôi biết rằng An đã hiểu việc mường tượng một điều gì đó là như thế nào vì cậu vừa mới mô tả chi tiết khả năng hình tượng hóa của mình. Và tôi biết học trò của mình đang cố gắng. Cậu không hề bị phân tán. Vậy vấn đề ở đây là gì nhỉ?
Nghĩ rằng từ xây dựng có thể quá dài, tôi yêu cầu An đánh vần từ đủ (enough).
An đánh vần từ đủ, và tôi hỏi xem cậu có hình dung ra chữ cái nào trong từ này hay không.
“Không, em không thấy gì hết.”
Thấy bối rối, tôi quyết định yêu cầu An đánh vần một từ phổ biến để xem cậu có tạo ra và tiếp cận với những ý nghĩa tinh thần trong từ ngắn này hay không.
“Hãy đánh vần từ mèo (cat).”
An đánh vần chính xác.
“Em có mường tượng ra các chữ cái của từ này không?”
“Các chữ cái ạ? Em có mường tượng ra các chữ cái trong từ mèo không ấy ạ?”
“Ừ. Em có một khả năng hình dung rất tốt, và em đã hiểu được ý nghĩa của việc mường tượng điều gì đó trong đầu, vì em bảo với cô là em thấy những thước phim trong đầu khi đang đọc. Em nhìn thấy những chữ cái nào trong từ mèo?”
“Em thực sự không thấy gì cả, nhưng em dễ dàng nhìn thấy một con mèo. Em có thể hình dung ra một con mèo đen, một con mèo vằn giống hổ, một con mèo dưới bàn ăn, một con mèo trắng trên cái ghế đỏ, nhưng…”
“Tuyệt quá, An. Nhưng em có hình dung ra chữ cái nào trong từ mèo không?”
Trầm ngâm một lúc rồi An lại đáp: “Không, nói thật là em chẳng thấy chữ cái nào cả. Cô có thấy các chữ cái đó không ạ?”
Tài liệu này được dịch từ quỹ CLB Gia Đình trẻ Tự Kỷ Hà Nội, CLB chân thành cảm ơn anh Hùng và chị Chi đã tình nguyện dịch một phần tài liệu này.