https://tretuky.com/baiviet/531/HUONG-DAN-THUC-H%C3%80NH-FLOORTIME-I.aspx
HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH FLOORTIME I
GIÚP TRẺ TRỞ NÊN QUAN TÂM ĐẾN THẾ GIỚI VÀ LIÊN KẾT VỚI CON NGƯỜI
BS.Phan Thiệu Xuân Giang
FLOORTIME I: CHÚ Ý, TƯƠNG TÁC VÀ MẬT THIẾT
GIÚP TRẺ TRỞ NÊN QUAN TÂM ĐẾN THẾ GIỚI VÀ LIÊN KẾT VỚI CON NGƯỜI
Tân, bé trai 2 tuổi rưỡi, trẻ ít có tiếp xúc mắt với cha mẹ và hay quay mặt đi khi cha mẹ cố chơi với trẻ. Giữ được sự chú ý của trẻ là điều không phải dễ. Bố của Tân cố gắng chơi trò chơi với Tân. Khi Tân đẩy chiếc xe tới và lui trên sàn nhà, bố Tân thử đặt tay trên chiếc xe hơi, Tân liền la lớn lên và giữ chặt lấy chiếc xe. Không e ngại, bố Tân lấy một chiếc xe khác và cố đâm vào chiếc xe của Tân. Tân quay lưng lại và tiếp tục chơi một mình. Cách thức mở đầu có tính xâm lấn nhiều hơn vẫn không mang lại hiệu quả. Bố Tân phải tìm ra một cách nhằm tương tác với sự chuyển động lập đi lập lại mà không cố nhằm làm chủ hay thay đổi nó. Bố Tân nghĩ ngợi trong giây lát rồi đặt bàn tay xuống dưới sàn nhà trên đường đi của xe.
Tân lái xe lên trên tay của bố , dừng lại một chút như thể quyết định phải làm gì, rồi Tân lái xe lên trên tay.Tân không nhìn bố khi Tân làm điều đó nhưng bằng cách không tránh né giao tiếp, Tân có tương tác ngầm. Bố bỏ tay ra khỏi chỗ cũ, trên đường xe trở lại, Tân lại đẩy xe lên tay bố. Tương tác thứ hai xảy ra. Cả hai giữ mức độ tương tác thấp như vậy trong khoảng 5 đến 6 lần . Sau đó bố Tân để chặn tay trên sàn nhà tạo thành một hàng rào ngăn chiếc xe lại, lần này Tân cho xe chạy lên tay bố, đâm vào tay bố và cười lớn. Bố Tân nhăn mặt. Đây là lần đầu tiên trong buổi trị liệu và là một trong ít lần trong năm Tân thừa nhận sự hiện diện của bố . Qua những tuần lễ kế tiếp Tân và bố phát triển những trò chơi khác với xe hơi.Bố Tân đã thấy được cách tương tác với hành động của Tân, tạo ra những vấn đề để Tân giải quyết, thay vì cố gắng làm thay đổi Tân. Trò chơi của hai bố con thường có kèm theo tiếng cười và có một chút tiếp xúc mắt. Sau vài tuần, Tân bắt đầu mang xe lại chỗ bố và mời gọi bố cùng chơi với Tân. Lần đầu tiên, bố Tân cảm thấy rằng cả bố lẫn con đang trên con đường xây dựng mối quan hệ với nhau.
TÌM KIẾM NIỀM VUI THÍCH QUA LẠI:
Nếu trẻ đi lại không có mục đích trong phòng, sờ vào mọi thứ, giữ một đồ vật cho đến khi trẻ phát hiện ra vật khác mà trẻ thích hơn, rồi quẳng vật cũ đi. Làm thế nào để bạn có thể thu hút, giữ được sự chú ý của trẻ. Cách thức để thực hiện điều đó là tham gia với trẻ trong vô số những điều làm trẻ thích thú. Cho trẻ hoặc chú ý đến những điều thu hút trẻ. Thu thập những vật mà trẻ để rớt xuống và để chúng vào trong một cái giỏ. Nếu bạn có thể chia sẻ được những niềm vui nho nhỏ này với trẻ, bạn sẽ xây dựng được một nền tảng cơ bản cho sự tương tác. Mục tiêu đầu tiên của bạn không phải là ép buộc tương tác. Đó chỉ là nối kết, chia sẻ niềm vui về việc cùng làm một điều gì đó với nhau, trải nghiệm niềm vui thích qua lại. Lúc đầu, sự chia sẻ này có thể chỉ kéo dài khoảng 2 giây, từ từ có thể kéo dài 10 giây, và có thể kéo dài lâu hơn. Nhưng vào lúc ban đầu, chỉ cố gắng thiết lập một cảm nhận về niềm vui thích qua lại.
ĐÁP ỨNG VỚI TÂM TRẠNG CỦA TRẺ:
Trước khi bạn bắt đầu tìm kiếm cách thức để tương tác với trẻ, ghi nhận tâm trạng của trẻ. Nếu trẻ ở trạng thái dễ bị kích thích hoặc quá kích thích, buồn ngủ hoặc rút lui, lúc này có thể rất khó tương tác với trẻ. Mục tiêu đầu tiên của bạn là nên giữ trẻ ở trong tình trạng tỉnh táo ổn định. Nếu trẻ quá kích thích, hãy xoa dịu trẻ. Trẻ có đặc biệt thích thú một số cảm giác như sờ hoặc giữ một đồ vật hay thích một bài hát nào đó, hoặc một cung giọng và nhịp điệu trong giọng nói của bạn? Trẻ có thích một kiểu vận động nào đó không? Ví dụ như thích đong đưa , lắc lư. Trẻ có ổn định hơn khi trẻ ở trong phòng nửa tối nửa sáng hay phòng sáng hơn?
Nếu trẻ buồn ngủ hoặc rút lui, bạn sẽ làm trẻ tỉnh táo hơn, một lần nữa, thu hút các giác quan mà bạn biết rằng trẻ thích và làm cho trẻ tỉnh táo hơn. Khi bạn hát một bài hát nào đó? Khi bạn di chuyển nhanh hay theo cách ngộ nghĩnh? Khi bạn đưa mặt bạn vào sát trẻ hay khi bạn đặt mũ lên đầu bạn? Có kiểu chuyển động nào làm trẻ tỉnh táo hơn? Ví dụ như lắc lư, đong đưa, nhảy hay lăn người qua lại?
Hãy nghĩ về các đặc điểm cảm giác vận động của trẻ và nghĩ về hoạt động nào mà trẻ dễ chịu hoặc làm trẻ tỉnh táo và sử dụng những hoạt động này để lôi kéo trẻ vào trạng thái tỉnh táo ổn định.
GIỮ ĐƯỢC SỰ CHÚ Ý CỦA TRẺ QUA CÁC GIÁC QUAN CỦA TRẺ:
Khi đã sử dụng được những cảm giác và vận động mà trẻ ưa thích để làm trẻ ổn định hay kích thích trẻ, tiếp tục sử dụng chúng để tương tác với trẻ. Mặc dầu mỗi phương thức cảm giác được mô tả một cách riêng lẻ ở đây nhưng hãy nhớ rằng thông tin được thu nhận một cách đồng thời, vì thế trẻ có thể nhìn, nghe và di chuyển tất cả trong cùng một thời gian.
Âm thanh: Cho trẻ âm thanh mà trẻ thích nhất
Trẻ có chú ý đến tiếng ồn có giọng cao hơn những âm thanh có giọng thấp hay không? Hãy nói chuyện với trẻ bằng giọng cao đó để thu hút sự chú ý của trẻ.
Trẻ có thích những âm thanh, tiếng ồn thấp? Hạ thấp giọng của bạn xuống khi bạn thầm thì với trẻ. Nói một cách chậm rãi, mô tả hành động của trẻ bằng âm thanh.
Trẻ có đáp ứng một cách tích cực với những tiếng ồn rung, như là âm thanh của máy sấy? Hãy để trẻ gần với âm thanh đó. Nếu âm thanh đó làm trẻ ổn định, trẻ sẽ sẵn sàng chú ý đến bạn nhiều hơn.
Sử dụng các vật mà tạo ra âm thanh trẻ thích nhằm giúp trẻ tương tác. Cười và gọi tên trẻ, chơi bóng với trẻ.
Sử dụng các cử chỉ kèm theo âm thanh càng nhiều nếu có thể- những nhóm từ như “ uh- oh!” hay “oh, không”… Hiệu ứng phóng đại này sẽ thu hút sự chú ý của trẻ và cho trẻ cơ hội để nhận ra vấn đề là gì.