KINH NGHIỆM DẠY BÉ ĐẶT CÂU HỎI

Dạy trẻ biết đặt câu hỏi là điều không dễ, và làm nhiều cha mẹ lúng túng. Hãy cùng thảo luận với nhau để tìm ra những cách hay. Giống như khi dùng kỹ thuật “brainstorming – Công não”, sẽ hiệu quả hơn khi chúng ta cùng tư duy và mỗi người trong nhóm cố gắng đưa ra vài giải pháp của mình. Chúng tôi giới thiệu tài liệu mẹ Cong đã dịch, nhưng chính mẹ Cong cũng nói, lý thuyết chỉ là người dẫn đường, chính kỹ năng thực hành và những ứng dụng linh hoạt của cha mẹ sẽ đem lại thành công.

Nhiều bé tự kỷ gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi. Các phụ huynh thường phản ảnh rằng con họ “biết câu trả lời nhưng không hiểu câu hỏi”. Ví dụ như bé có thể chỉ ra (nhận biết) và gọi tên các màu sắc, nhưng khi được hỏi “ Màu gì?”, bé lại trả lời tên vật. Khi chúng ta dạy bé, chúng ta phải “liên kết” các dạng câu hỏi với dạng hồi đáp của bé. Chúng ta phải chắc rằng bé phân biệt được câu hỏi nào sẽ đi với câu trả lời nào.

Thông thường các bé được rất nhiều người hỏi.  Đáng tiếc, từ trước tới nay, các bé thường học thói KHÔNG trả lời câu hỏi.  Cha mẹ  những người chăm sóc bé hàng ngày và những người khác thường hỏi bé từ khi bé còn bé. Nếu bé không biết cách trả lời, thì họ sẽ không hỏi nữa. Những người hỏi bé thuờng không biết cách nhắc hay dạy bé cách trả lời vì thế mà khi bé không trả lời, họ chẳng biết làm gì.  Khi bạn đồng tình với việc bé không trả lời, phần nhiều là bé sẽ không trả lời khi được hỏi. Ví dụ, khi bé ở nhà trẻ, cô hỏi, “Con đang làm gì đấy?” Nếu bé không biết trả lời,  sẽ lờ giáo viên đi. Khi bé lờ đi, có thể cô sẽ hỏi lại lần nữa to hơn. Nhưng bé vẫn không trả lời. Giáo viên có thể tiếp tục hỏi câu hỏi với chút cáu giận trong giọng nói, vì thế bé có thể không thích kiểu tương tác vô vị này (khó chịu).

Cuối cùng giáo viên đành bỏ cuộc và đi mất. Khi giáo viên bỏ đi đồng nghĩa với kiểu tương tác “khó chịu” này được “loại bỏ”, ta có thể đã vô tình củng cố  hành vi tiêu cực của bé (lấy đi cái bé ghét). Cách phản hồi này có thể khiến bé sẽ lại hồi đáp tương tự khi đựợc ai đó hỏi vào lần tiếp theo. Trên thực tế, do bé đã có ác cảm từ trước với những lần bị hỏi, bé có thể sẽ tìm cách né tránh tất cả các tình huống bị hỏi (Tạo ra động lực khiến bé chạy trốn). Vì thế rất có thể lần sau nếu có ai hỏi bé, bé sẽ tự bỏ đi.

Để tránh cho bé khỏi “học” những bài học kiểu này, tốt nhất không nên hỏi bé những câu hỏi bé không biết trả lời. Nếu hỏi, phải dạy bé cách hồi đáp phù hợp với kỹ thuật chuyển tiếp, nhắc và sửa lỗi. Cũng như các nội dung học khác, chúng ta có thể làm việc này bằng cách chuyển các hồi đáp bé đã làm được thành các hồi đáp với các câu hỏi.

Các câu hỏi phải là một phần của các tín hiệu đầu vào kích thích phản hồi của bé, chúng ta phải phân biệt rõ cho bé thấy hồi đáp nào của bé thì sẽ được củng cố/khích lệ. Bé phải biết phân biệt tín hiệu đầu quyết đinh trong câu hỏi. Số lượng các ngữ cảnh bé cần phải phân biệt phụ thuộc vào số lượng các vật hiện hữu quanh bé cũng như các tín hiệu đầu vào quyết định trong câu hỏi. Ví dụ, nếu  được dạy gọi tên các vật, bé sẽ được dạy hồi đáp bằng cách nói tên vật (thưởng cho bé khi bé làm vậy) khi bé nghe thấy từ “gì” trong câu hỏi.  Khi ta tiếp tục dạy bé gọi tên các hành động, bé sẽ phải phân biệt giữa câu hỏi có từ “gì” với từ “con đang làm gì” thì phải trả lời sao cho đúng.

Vì lý do này, giáo viên cần chọn lọc kỹ từ hỏi bé (các tín hiệu đầu vào/các câu hỏi/lệnh) khi mới dạy bé gọi tên để chắc rằng bé sẽ hồi đáp với các tín hiệu đó. Tuy nhiên, một khi bé đã phân biệt được các tín hiệu đó, cần nới lỏng việc chọn lọc từ hỏi bé.  Nếu không, bé sẽ chỉ hồi đáp nếu ta hỏi bé chính xác câu hỏi đó. Ví dụ, nếu ta chọn lọc từ hỏi bé “quá kỹ”, bé có thể trả lời là “to” khi được hỏi “cỡ gì?“, nhưng không biết trả lời khi ta hỏi “Trông nó như thế nào?” hoặc “Đó là loại nào?” hay “Cái nào?” hoặc “Cái đó là cỡ nào?” Một khi bé đã phân biệt được giữa các cách hỏi khác nhau của cùng một câu hỏi, ta có thể dạy bé khái quát hóa bằng cách đưa câu hỏi bé đã trả lời thạo sang ngữ cảnh mới và “nới lỏng” việc chọn lọc từ hỏi bé.

Các kỹ năng tiền đề

Trước khi ta bắt đầu đi thẳng vào phần dạy bé trả lời câu hỏi, bé phải biết yêu cầu được kha khá các vật và hành động. Mục yêu cầu vẫn phải là trọng tâm trong chương trình học. Tiếp tục gia tăng số vật bé biết yêu cầu với mục tiêu 1000 yêu cầu/ngày. Ngoài ra, kỹ năng gọi tên sự vật của bé phải rất vững vàng. Nếu bé chưa đạt được đến mức này, bạn hãy tham khảo lại phần dạy bé yêu cầu và gọi tên.

Nếu bạn đã thực hiện theo cách dạy này rồi thì bé đã có thể trả lời các câu hỏi với từ hỏi bé/tín hiệu đầu vào cho nội dung gọi tên là “Cái gì đây?”, “Cái gì kia?”, và “Cái này ta gọi là gì nhỉ?” đồng thời biết trả lời câu hỏi “Con muốn gì/cần gì?” khi đứa trẻ có động lực thiết lập (EO) với một vật/muốn có một vật.

Tuy nhiên cần lưu ý là, có bé học gọi tên sự vật rất khó khăn nhưng lại chịu hồi đáp với yêu cầu điền tên sự vật khi biết Chức năng, Chủng loại, Đặc tính (viết tắt là FFC).  Trong trường hợp này, ta có thể chuyển từ hồi đáp điền tên sự vật khi biết FFC sang gọi tên.  Ví dụ, có bé không đáp lại câu “ Cái gì đây?” khi thấy một cái “ bánh quy”, nhưng có thể đáp lại chính xác khi ta nói “Chúng ta ăn cái,…” khi nhìn thấy bánh. Trong truờng hợp này, ta có thể chuyển từ điền tên sự vật khi biết FFC sang câu hỏi “Cái gì..?” để dạy bé gọi tên sự vật.  

GV : “ Chúng ta ăn một,…

HS: “cái bánh quy”

GV: “Đây là cái gì?”

HS: “cái bánh quy”

Cần nhớ là mục tiêu của chúng ta là tìm ra ngữ cảnh bé hồi đáp đúng và chuyển từ ngữ cảnh đó sang ngữ cảnh khác.

Một điều quan trọng nữa cần nhớ là hãy luôn sửa lỗi sai của bé bằng cách nhắc lại câu hỏi và cho bé luôn câu trả lời đúng. Làm như vậy không những giúp bé học trả lời đúng mà còn giúp bé phân biệt câu hỏi như một phần quan trọng của điều kiện kích thích khích lệ bé trả lời đúng. Ví dụ:

GV: “Cái gì bay trên bầu trời”

HS: “Ô tô”

GV “Cái gì bay trên bầu trời? Máy bay.”

HS: “Máy bay.”

GV Cái gì bay trên bầu trời?

HS: “Máy bay.”

Hãy xem cách nhắc khác thì sao:

GV : “Cái gì bay trên bầu trời”

HS: “Ô tô”

GV:  “Không phải, vớ vẩn. Ôtô đi trên đường. Máy bay.”

HS: “Máy bay.”

GV “Đúng rồi 

Bé đã được nhắc câu trả lời đúng và đã được khen/thưởng nhưng câu hỏi “cách quá xa” sự kiện chính, bé khó lòng nhận biết được câu hỏi này là một phần của các điều kiện kích thích. Không có sự “kết nối” giữa câu hỏi và hồi đáp cũng như khen/thưởng/khích lệ.

Những câu hỏi đầu tiên

**TRÁNH CÂU HỎI CÓ/KHÔNG**

Một số dạng câu hỏi nên tránh khi dạy “bé mới học”. Một số chương trình lấy câu hỏi “có/ không” làm câu hỏi đầu tiên dạy bé nhưng trong thực tế cách làm này có thể còn cản trở sự phát triển ngôn ngữ của bé. Có người cho rằng dạy bé trả lời câu hỏi Có/Không để giúp bé có cách nói với mọi người bé muốn gì.  VD GV có thể giơ bóng ra và hỏi “ Con có muốn quả bóng này không?” và dạy bé nói “có” nếu bé muốn, không nếu bé không muốn. Đáng tiếc là GV không thể biết bé thực sự có muốn vật đó hay không.  Nếu đứa trẻ đã chơi quả bóng một lúc và đi tìm bóng, thì ta có thể đoán được là bé muốn bóng (bé có động lực thiết lập); tuy nhiên, cũng có thể bé lại thích thứ khác.  Vì thế, GV không thể chắc chắn là mình có nhắc câu trả lời đúng hay không.

Vấn đề sẽ còn phiền hà hơn nếu  muốn một vật nhưng không ai hỏi bé! Bé thì chỉ được dạy trả lời “Có” khi hồi đáp với nhu cầu này. Khi đó, bé sẽ chạy đến chỗ người lớn và nói hoặc ra hiệu “có” bằng động tác đầu. Đáng tiếc  người lớn không thể biết bé muốn gì trong trường hợp này. Vì không được khích lệ, bé rất có thể sẽ nổi cáu một cách tự phát hoặc bé sẽ lại có những hành vi đã được ta khích lệ/củng cố trước đó để “giành được một vật/sự chú ý”. Vì thế ta nên dạy bé yêu cầu vật bé muốn chứ không nên dạy bé trả lời câu hỏi “có/không”.

**Tránh hỏi các câu hỏi bạn không biết câu trả lời **

Nhìn chung, bạn nên tránh hỏi bé về những thứ không hiện hữu trong khi dạy, ta sẽ khó có thể hoặc thậm chí không thể nhắc cho bé. Ví dụ, nếu bạn hỏi bé “Hôm nay con làm gì ở trường? “ bạn sẽ không thể nhắc bé câu trả lời vì bạn không biết câu trả lời. Sau này bé sẽ được dạy trả lời câu hỏi về những sự kiện đã xảy ra nhưng chỉ khi bé đã được hướng dẫn nhiều lần cách trả lời câu hỏi về những sự vật hiện hữu quanh bé.  Hơn nữa, khi dạy bé trả lời các câu hỏi về sự kiện đã xảy ra, giáo viên phải luôn “nắm rõ” câu trả lời.

Ai? (G3)

Sau khi chúng ta dạy bé gọi tên các sự vật, chúng ta có thể bắt đầu dạy bé gọi tên người.  Như vậy là ta đã dạy thêm cho bé một dạng câu hỏi. Ta sẽ dạy bé trả lời câu hỏi “Ai đây?”, “Ai kia?”, “Ai đang ở đây?”. Từ giúp bé phân biệt được dạng câu hỏi này là từ “Ai”. Bé sẽ hiểu rằng khi nghe câu hỏi có từ “Ai?”, bé sẽ phải trả lời bằng cách gọi tên người.  Cần biết điều này khi dạy bé nhận biết các hành động trong tranh. Tôi đã từng thấy có GV hỏi “Ai đang trèo đây?” làm câu lệnh/tín hiệu đầu vào cho nội dung nhận biết hành động. GV muốn bé chỉ vào tranh người đang trèo. Trong khi câu trả lời đúng trong trường hợp này là tên người hoặc tên một nhóm người nói chung chẳng hạn như là “bé gái” hay “bé trai”. Để tránh cho bé khỏi lẫn lộn khi phân biệt, hãy nhớ rằng câu bạn hỏi  phải tương ứng với câu trả lời bạn muốn. Ví dụ, trong ví dụ trên, phải dùng câu lệnh là “chỉ cô tranh người đang trèo” để dạy bé chỉ tranh các hành động.

Đang làm gì? (G7, G8)

Khi chúng ta dạy bé gọi tên các hành động là chúng ta đã dạy bé trả lời câu hỏi “đang làm gì”. Chúng ta nên dạy bé những câu hỏi khiến bé phải trả lời bằng cách gọi tên hành động. Đầu tiên nên dạy bé gọi tên các hành động đang xảy ra để bé học cách trả lời câu hỏi “Con đang làm gì đấy? và “Cô đang làm gì đấy?”. Khi bé đã thành thạo việc gọi tên các hành động đang xảy ra, chúng ta có thể dùng tranh dạy bé. Điều này rất quan trọng vì bạn không thể “thấy” động tác thực của hành động trong tranh và đó là cái chúng ta đang dạy bé gọi tên. Ta có thể dạy bé trả lời dạng câu hỏi này bằng cách chuyển từ một mệnh lệnh hoặc yêu cầu đơn giản.

Chuyển từ mệnh lệnh đơn giản:

“Vỗ tay”

HS: “vỗ tay”

GV: “Em đang làm gì đấy? Vỗ tay” (nhắc hoàn toàn vì ta đã thay đổi hình thức hỏi)

HS: “Đang vỗ tay”

GV: “Em đang làm gì đấy?”

HS: “Đang vỗ tay”

Chuyển từ yêu cầu:

HS: (muốn nước hoa quả và yêu cầu hành động) “Rót”

GV: “Cô đang làm gì? Đang rót nước.” (nhắc hoàn toàn vì ta đã thay đổi hình thức hỏi)

HS: “Đang rót nước”

GV: Cô đang làm gì?

HS: “Đang rót nước”

Chuyển từ nhận biết sang gọi tên

Áp dụng với bé nói được tên hành động khi chỉ vào tranh.

GV: “Chỉ cô tranh Đang ăn.”

HS: “Đang ăn”

GV: “Cậu ấy đang làm gì?”

HS: “đang ăn”

Có một số chương trình học dạy bé gọi tên cả sự vật và hành động nhưng riêng biệt với nhau. Nói cách khác, đầu tiên bé gọi tên các sự vật, sau đó, gọi tên các hành động dùng tranh làm tín hiệu đầu vào kích thích phản hồi của bé. Khi ta làm như vậy, câu ta hỏi bé có thể không còn đóng vai trò là tín hiệu đầu vào kích thích phản hồi của bé. Sau lần hỏi đầu tiên là bé đã “biết tỏng” cách trả lời dạng câu hỏi này mà không cần phải để ý tới câu hỏi nữa.

Để tránh điều này xảy ra, nên xen kẽ các dạng câu hỏi ngay khi bé có đủ khả năng làm việc này. Ví dụ, GV hoặc cha mẹ có thể hỏi bé, “Cái gì?” và sau khi bé trả lời, hãy hỏi tiếp “Cậu ấy đang làm gì?”. Khi mới dạy bé trả lời câu hỏi, hãy luôn nhắc bé đầy đủ và thực hiện đúng kỹ thuật sửa và nhắc nếu bé không chịu hồi đáp. Đừng nên sử dụng mãi cùng một tranh giống nhau để dạy bé gọi tên sự vật và hành động. Nếu không, bé sẽ hồi đáp với tranh hoặc vật chứ không phải câu ta hỏi bé. Ví dụ, nếu lúc nào ta cũng hỏi bé “Cái gì đây?” khi cho bé xem tranh con chó trong một quyển sách và “Cô bé này đang làm gì?” khi cho bé xem tranh một cô bé đang chơi đu, tín hiệu đầu vào kích thích hồi đáp của bé có thể là tranh chứ không phải là câu hỏi. Thay vì làm vậy, ta sẽ hỏi bé cả hai câu “Con này gọi là con gì?” và “Con chó đang làm gì?” nếu như đó là tranh cậu bé đang chơi với một con chó, như vậy bé sẽ phải chú ý tới câu hỏi vì tín hiệu đầu vào kích thích thị giác của bé vẫn không thay đổi.

Đến giai đoạn này, thường thì bé đã có thể trả lời đúng và phân biệt giữa câu hỏi “Gì” để gọi tên sự vật, câu “Ai” để gọi tên người và câu “…đang làm gì?” để gọi tên các hành động.

Dạy trẻ trả lời các câu hỏi cá nhân (H5)

Một số câu hỏi đầu tiên trẻ bình thường hay được dạy là trả lời về thông tin cá nhân chẳng hạn như tên và tuổi. Ta có thể dạy bé dạng câu hỏi này bằng cách nhắc âm hoặc bằng cách chuyển từ nhận biết (chỉ/sờ) sang gọi tên.

Chuyển từ nhận biết sang gọi tên (nếu bé vừa nói vừa chỉ)

GV: “Con tìm Sam cho cô”

HS  “Sam”

GV: “Tên bạn là gì?”

HS: “Sam”

Khi bé đã biết trả lời đúng câu hỏi mà không cần phải chỉ tranh trước, ta có thể bỏ dần phần dùng tranh này đi.

GV: “Tên con là gì ” (để tranh trước mặt)

HS  : “Sam”

GV: (cất tranh đi) “Tên con là gì?”

HS  : “Sam”

Dạy bé trả lời câu hỏi “ Con bao nhiêu tuổi?”

GV: “Tìm số 3.”

HS  : (chỉ “số 3” và nói) “3”

GV: “Con bao nhiêu tuổi?”

HS  : “3”

Xóa dần phần nhắc bằng hình ảnh-chuyển sang hội thoại

GV: “Con bao nhiêu tuổi  (để số 3 trước mặt bé)

HS  “3” (gọi tên số)

Hướng dẫn: (cất số 3 đi) “Con bao nhiêu tuổi?”

HS  : “3”

Nhắc âm:

GV: “Tên con là gì? Sam”

HS  : “Sam”

GV: “Tên con là gì?”

HS  : “Sam”

GV: “Con bao nhiêu tuổi? Ba.”

HS  : “ Ba.”

GV: “Con bao nhiêu tuổi?”

HS  : “Ba.”

Trả lời các câu hỏi về Tính từ (G13)

Khi ta xem phần mục tiêu trong cuốn ABLLS™-R, các ví dụ trong mục “gọi tên tính từ” đều là dạng điền vào chỗ trống khi biết FFC. Tuy nhiên, để có thể gọi tên các tính từ trong những ngữ cảnh phù hợp khác, bé phải phân biệt được rất nhiều dạng câu hỏi. Lúc này, câu ta hỏi bé phải là một trong những điều kiện kích thích hồi đáp của bé và ta cần phân biệt cho bé thấy rõ hồi đáp nào thì sẽ được hưởng ứng/khích lệ/củng cố.  Vì các câu ta hỏi bé tuy chúng tương ứng với các câu trả lời khác nhau nhưng lại đều na ná giống nhau, cần dạy bé biết phân biệt thành tố quan trọng (biến từ quyết định) trong các câu hỏi. Ta có thể làm việc này bắt đầu từ các câu hỏi đơn giản, ngắn gọn. Ngoài ra, ta có thể nhấn mạnh vào các biến từ quyết định (bằng cách nói từ đó to hơn các từ khác trong câu) để làm nổi bật từ đó giúp bé dễ phân biệt hơn. Việc sử dụng nhiều vật khác nhau để dạy bé trả lời các câu hỏi về tính chất cũng rất quan trọng. Làm như vậy giúp bé vừa biết phân biệt lại vừa biết khái quát hóa các dạng hồi đáp.

Một khi bé đã biết hồi đáp đúng với cùng một vật nhưng khác một số đặc tính ta chủ định dạy bé, ta nên chuyển sang dạy bé với các vật không giống nhau.

Màu gì ? (G13)

Trong quá trình dạy bé gọi tên các màu, chúng ta sẽ dạy bé trả lời câu hỏi “Màu gì?” với các vật hiện hữu có màu nào đó. Việc này tưởng là dễ, nhưng khi ta điểm lại các câu hỏi yêu cầu bé gọi tên sự vật (VD cái gì đây? Cái gì kia? Cái này gọi là gì?) và câu hỏi yêu cầu bé gọi tên hành động (VD “đang làm gì?”) thì ta sẽ thấy các câu đó đều có từ “Gì”.  Nhiều bé có thể chỉ (nhận biết) và gọi tên các màu, nhưng khi ta hỏi bé nhiều dạng câu đan xen, lại trả lời câu hỏi “màu gì?” bằng cách gọi tên sự vật. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng tình trạng ta vô tình dạy bé nói “màu” nhưng chỉ khi tên của vật được nêu trong câu lệnh rất hay xảy ra. Ví dụ, nếu ta hỏi bé, “quả bóng màu gì?” bé có thể trả lời được “màu đỏ” nhưng nếu ta chỉ hỏi “Màu gì?” đồng thời giơ quả bóng lên, bé có thể sẽ trả lời là “quả bóng”. Trong trường hợp này, bé có thể cho là hễ có tên sự vật (gọi tên sự vật) trong câu hỏi thì sẽ phải trả lời tên màu chứ không phải là do có từ quan trọng hơn-“màu” trong câu hỏi.

Để dạy bé trả lời câu hỏi “màu gì?” đầu tiên chúng ta phải dạy bé hồi đáp với riêng từ chỉ màu trước rồi từ đó chuyển hồi đáp này của bé sang ngữ cảnh mới.  Chúng ta có thể chuyển theo những cách sau:

Chuyển từ Yêu cầu sang Gọi tên (* phải chắc là bé biết yêu cầu sự vật có thực rất thạo trước khi dạy bé yêu cầu với tính từ)

HS (thực sự muốn quả bóng và sẽ đòi) “Quả bóng.”

GV : (Có một quả màu đỏ và một quả màu xanh – mỗi lần giơ một quả) “Đỏ? Xanh?”

HS: “Đỏ.”

GV: “Màu gì?”

HS: “Đỏ.”

Chuyển từ Nhận biết sang Gọi tên

Muốn chuyển theo cách này, bé phải chịu gọi tên màu khi bé chỉ.  Khi mới dạy, hãy nhắc bé hoàn toàn bằng cách chỉ vào màu đúng sau khi hỏi bé.

GV: “Chỉ cô màu đỏ”

HS: <=”” span=””>> “màu đỏ”

GV: “màu gì?”

HS: “Màu đỏ”

Chuyển bằng kỹ thuật điền vào chỗ trống – (áp dụng với bé biết gọi tên màu nhưng có lúc không trả lời được câu “màu gì?”)

GV: (chỉ vào quả bóng xanh) “Quả bóng này màu xanh” (chỉ vào quả bóng đỏ) “Quả bóng này màu,…”

HS: “Màu đỏ”

GV: “Màu gì?”

HS: “ Màu đỏ”

Khi mới dạy bé, điều rất quan trọng là KHÔNG được khích lệ/củng cố bé khi bé nói cả màu và tên vật để trả lời câu hỏi “Màu gì?” hoặc “Cái gì?”. VD, nếu như khi giơ bóng ra và hỏi “Đây là cái gì?” mà bé trả lời là “bóng đỏ”, thì ta KHÔNG nên khích lệ/khuyến khích/củng cố câu trả lời này của bé. Câu trả lời ta  cần ở đây là “quả bóng”. Ta thường quên điều này  quá vui sướng khi bé bắt đầu biết kết hợp từ, vì thế chúng ta thậm chí còn thưởng/khen/khích lệ bé vì đã nói được câu dài hơn như thế.

Điều quan trọng hơn thế là phải dạy cho bé biết phân biệt giữa các dạng câu hỏi khác nhau. Một khi bé đã liên tục trả lời đúng các câu hỏi “Màu gì?” chúng ta có thể chuyển hồi đáp này sang các câu hỏi liên quan như “Cái này màu gì? Quả bóng này màu gì?”,…

Cỡ gì? (G13)

Khi mới dạy bé về kích cỡ, nên dùng 2 vật giống hệt nhau chỉ khác về kích cỡ.

Chuyển từ Yêu cầu sang Gọi Tên (*bé phải biết yêu cầu sự vật thật thạo trước khi thêm các tính từ)

HS: muốn bánh quy và đòi “bánh quy”

GV: (có hai cái bánh, một cái to một cái nhỏ-giơ lần lượt mỗi lần một cái và hỏi)  “To? Nhỏ?”

HS: “To”

GV: “Cỡ nào?”

HS: “To”

Chuyển từ Nhận biết sang Gọi tên

Bé phải nói tên cỡ khi bé chỉ. (Thời gian đầu mới dạy, cần nhắc bé hoàn toàn sau 0 giây)

GV: (có một quả bóng to và một quả bóng nhỏ) “Chạm vào quả bóng to.”

HS: “To”

GV: “Cỡ nào?”

HS: “To.”

Chuyển tiếp dùng kỹ thuật điền vào chỗ trống.

Sau giai đoạn dạy ban đầu, nhiều trẻ có thể sử dụng các tính từ nghĩa đối lập. Nếu vậy, ta có thể từ hồi đáp này dạy bé trả lời câu hỏi “Kích cỡ gì?”

GV: “ Quả bóng này là nhỏ. Quả bóng này là,…”

HS: “To.”

GV: “Cỡ nào?”

HS: “To.” 

Hình gì? (G13)

Câu hỏi này nhằm yêu cầu bé nói hình dạng của các đồ vật. Ta có thể sử dụng kỹ thuật chuyển tiếp giống như đã nêu ở phần trên.

Cảm thấy thế nào? Cảm thấy gì? (G11)

Đây là một câu hỏi yêu cầu bé dùng các tính từ miêu tả cảm nhận bằng xúc giác của mình chẳng hạn như nhiệt độ hoặc chất liệu (nóng, lạnh, nhẵn, gồ ghề, mềm/cứng).  Giáo viên có thể tạo ra những “cảm giác này” bằng cách đưa ra hai thứ chỉ khác nhau ở đặc tính ta chủ định dạy bé. Ví dụ, có thể dùng hai cái khăn, một cái ẩm, một cái khô, để dạy bé dùng từ  ẩm” hoặc “ khô” để trả lời câu hỏi “Con thấy thế nào khi sờ cái khăn này nhỉ?” Ta vẫn có thể sử dụng kỹ thuật dạy/chuyển với các tính từ khác đã nói ở phần trên.

Những câu hỏi này cũng được dùng để yêu cầu bé gọi tên các “cảm xúc”.  Rất nhiều bậc cha mẹ bày tỏ mong muốn tột bậc con họ có thể nói ra cảm xúc của chúng. Việc này thường không dễ vì không phải lúc nào chúng ta cũng “biết” câu trả lời đúng để nhắc bé. Cảm xúc là “cảm giác” rất riêng tư của từng bé. Cách duy nhất chúng ta có thể đoán ra cảm giác của một người là để ý những hành vi mà chúng ta thường gắn với một số cảm xúc.

Ví dụ, ta dễ dàng có thể biết ai đó đang cảm thấy mệt/ốm nếu người đó đang nôn, hoặc người đó “tức giận” nếu họ đang trong cơn cáu giận. Đáng tiếc là những biểu hiện này thường không xuất hiện đúng lúc ta cần để dạy bé về cảm xúc vì rất khó để khơi gợi được những hành vi này ở bé! Khi chúng ta dạy bé về những cảm xúc, chúng ta có thể dạy bé hồi đáp với một số đặc tính hay hành động cụ thể của cá nhân bộc lộ cảm xúc. Ví dụ, ta có thể dạy bé phân biệt nếu thấy nước mắt  hay cau mày thì phải trả lời là “buồn” và thấy ai mỉm cười hoặc bật cười thì trả lời là “vui vẻ” với các câu hỏi “,… cảm thấy thế nào? “

Cái đó có vị như thế nào?

Câu hỏi này thường được dùng để dạy các tính từ liên quan đến các vị như “mặn”, “ngọt”, “cay”. Cũng như các tính từ khác, nên dùng 2 vật giống hệt nhau và chỉ khác nhau ở tính chất ta chủ định dạy bé. Ví dụ, muối và đường trông thì giống nhau nhưng khác nhau về vị. Bé sẽ nếm và gọi tên các vị đó.  Hãy dạy bé trả lời câu hỏi này với kỹ thuật chuyển như đã nói  trên.

Cái đó mùi như thế nào?

Câu hỏi này được dùng để yêu cầu bé dùng các các tính từ liên quan đến mùi như là “thối/hôi”, “hăng”, “xộc mùi”,… Thường thì, các tính từ chỉ mùi và vị gần giống nhau nên khi bé đang ăn hoặc ngửi thứ gì, ta nên xác định rõ dạng câu hỏi để dẫn dắt bé trả lời đúng câu bạn muốn.

Trông nó giống cái gì? Trông nó như thế nào?

Những câu hỏi này mang tính “chung chung” hơn và có thể có nhiều cách trả lời liên quan đến đặc tính/đặc điểm bề ngoài. Câu trả lời “đúng” không nhất định phải là một đặc tính cụ thể nào mà phụ thuộc vào cảm tính của mỗi người. Câu trả lời “đúng” có thể là về màu sắc, hình dáng, kích cỡ, hoặc thậm chí các bộ phận của đồ vật. Câu hỏi này thường được dùng khi ta dạy bé các tính từ không xếp được vào nhóm tính từ nào như cỡ, màu,… (ví dụ, cong/thẳng, xoăn, hẹp/rộng, cao/thấp).

Câu hỏi này còn được dùng để yêu cầu bé chỉ ra vật có đặc điểm bề ngoài tương tự với vật khác. Khi chúng ta dạy bé trả lời câu hỏi theo bé vật đó trông giống cái gì, là chúng ta đã yêu cầu bé gọi tên một hiện tượng “mang tính cảm nhận cá nhân”. Ví dụ, khi nhìn vào đám mây, có người sẽ nói đám mây “trông như” một con thuyền, trong khi người khác có thể nói đám mây đó “giống” con chim. Cả hai câu trả lời đều đúng vì mỗi người có cách gọi tên hiện tượng đó theo cách của riêng họ. Những câu hỏi như “Cái đó vị/mùi/sờ có cảm giác gì?” cũng có thể được dùng để dạy trẻ mô tả các đặc tính nói lên nét tương đồng giữa các vật.

Loại gì? Loại nào?

Những câu hỏi “chung chung” hơn kiểu này sẽ khiến bé phải dùng đến một loạt các tính từ. Câu trả lời cho câu hỏi này không liên quan đến cụ thể một loại tính từ nào. Ví dụ nếu hỏi “Con muốn ăn loại bánh gì?” để bắt bé dùng các tính từ khi yêu cầu, câu trả lời “đúng” có thể là màu sắc, hình dáng, mùi vị, loại, hoặc thậm chí là nhãn hiệu.  Ta thường hỏi bé câu này để giúp bé hiểu rằng cần “thêm thông tin” hoặc cần cụ thể hóa hơn yêu cầu của bé. Ví dụ, nếu ta giơ 3 quả bóng, và bé đòi “bóng”, bé sẽ phải nói một tính từ để chỉ rõ bé muốn quả bóng nào.

Chức năng, đặc tính, chủng loại (FFC) Khi chúng ta dạy bé gọi tên hành động, các bộ phận của các vật và các tính từ, chúng ta nên dạy luôn bé trả lời các câu hỏi về mối liên hệ giữa hai hay nhiều sự vật. Trong cuốn ABLLS™-R, nội dung này được gọi là “đặc tính, chức năng và chủng loại”.

“Đặc tính” là các thuộc tính/tính chất hoặc các bộ phận cấu thành sự vật.  Ví dụ, ta có thể dạy bé đặc tính của một quả bóng là “ tròn” và của xe hơi là “tay lái”, “thắt dây an toàn”, “lốp xe”.

“Chức năng” là việc người ta thường dùng đồ vật đó để làm.  Ví dụ, một trong những chức năng của “bóng” là “đập cho nảy lên” và một trong những chức năng của ôtô là “để đi”

“Chủng loại” là cách thức liên kết, chia loại hoặc phân cấp một vật với các vật khác.

Các bé ít tuổi thường phân loại các vật theo chức năng vì thế với các bé này “chủng loại” và “chức năng” có thể đều như nhau. Ví dụ “thứ ta cưỡi” và “thứ ta ăn” là chủng loại nhưng cũng là chức năng.

Sau đó trẻ bình thường ở độ tuổi 4-5 sẽ học phân loại các sự vật theo các phạm trù. Phạm trù đầu tiên mà các bé thường được học là động vật, đồ ăn, đồ chơi, và quần áo. Ngoài ra, cũng nên dạy bé phạm trù màu sắc.  Việc này có thể giúp bé biết phân biệt câu hỏi “Màu gì?” với câu “ Đây là cái gì?”

Mẹ Cong (sưu tầm, lược dịch)

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *