Dù con biết nói hay con không biết nói, dù con biết đọc biết viết hay không, nhưng vì con là người tự kỷ, nên con luôn cần có một môi trường đặc biệt hơn để phù hợp với con, con cần một đội ngũ giáo viên và người trợ giúp trong trường tiểu học mà có sự hiểu biết về trẻ đặc biệt
Can thiệp sớm: phát hiện con có vấn đề khi 2-3 tuổi và can thiệp tích cực trước tuổi lên 6.
Giờ đây con đã trên 6 tuổi, tuổi phải đến trường tiểu học mà không có nơi nào phù hợp để con đến. Phải làm gì cho con?
Dù con biết nói hay con không biết nói, dù con biết đọc biết viết hay không, nhưng vì con là người tự kỷ, nên con luôn cần có một môi trường đặc biệt hơn để phù hợp với con, con cần một đội ngũ giáo viên và người trợ giúp trong trường tiểu học mà có sự hiểu biết về trẻ đặc biệt – điều đó chưa/ hiếm tìm thấy ở xã hội Việt Nam bây giờ. Và cha mẹ phải làm gì đây?
Mình tâm đắc câu nói này của mẹ Hu.: trẻ bình thường đã may mắn gấp vạn lần trẻ khuyết tật như tự kỷ nhưng lại được hưởng một hệ thống đồ sộ của nền giáo dục nước nhà, còn trẻ tự kỷ thì hiện nay đang bơ vơ, không biết đi về đâu khi đến tuổi đi học, khi đến tuổi vị thành niên và lớn lên sẽ làm gì, …
Con tuy tự kỷ, nhưng con lại cũng có những nhu cầu như người bình thường, càng lớn sinh lý cơ thể càng phát triển và con càng phát sinh nhiều vấn đề bởi tư duy, nhận thức của con chưa đuổi kịp với sự lớn lên ở bên trong cơ thể bởi vậy hành vi cứ lớn dần lên.
Mỗi ngày đọc thêm ít tài liệu, mỗi ngày đi thêm một đàng, là mẹ lại hiểu hơn, bố lại thấu hơn và phải làm gì cho con bây giờ, cho tuổi lớn hơn 6 và khi con 18 đôi mươi đây?
Bên cạnh việc học kiến thức và tăng nhận thức thì những việc làm sau lại trở nên rất cần thiết ở tuổi này:
– Tự phục vụ bản thân (sinh hoạt hàng ngày)
– Vận động
– Làm việc nhà
– Nề nếp kỷ luật ở nhà và ở trường
– Giáo dục giới tính, tình dục
1) Cách huấn luyện con các hoạt động tự phục vụ bản thân: sử dụng chuỗi ảnh (picture sequence schedule)
* in ảnh ở do2learn
* đọc thêm bài viết bằng tiếng Anh ở đây
http://autistic-child-parenting.suite101.com/article.cfm/using_picture_schedules
Using Picture Schedules with Autistic Children
Daily Routines for Kids with Autism
Hiểu được cách sử dụng chuỗi ảnh để giúp trẻ tự kỷ thực hiện các sinh hoạt hàng ngày. Đây là cách rất hữu hiệu cho mọi trẻ tự kỷ, và đến chừng nào trẻ thành thạo một kỹ năng nào đó thì sẽ có thể không cần dùng đến chuỗi ảnh nữa, và cũng có những trẻ tự kỷ phải sử dụng một số chuỗi ảnh suốt đời.
* ví dụ về việc dạy con mặc quần áo:
– đầu tiên phải chia nhỏ: dạy con biết thực hiện từng hành động: mặc vào, cởi ra, cài khuy, kéo khóa, chui đầu, kéo tay áo, gấp quần áo, … những việc này phải huấn luyện từ nhỏ 2-3 tuổi trở đi
– sau khi con tự thực hiện được từng việc làm đó thì dạy con thực hiện một seri các việc để hoàn thành một công việc là mặc quần áo
Nếu là trẻ bình thường thì sau vài lần hướng dẫn, trẻ sẽ ghi nhớ rằng khi cha mẹ nói con mặc quần áo vào, thì trẻ sẽ tự biết mặc quần lót ở trong rồi mặc quần dài ra ngoài, …
Nhưng với trẻ tự kỷ thì kể cả trẻ chức năng cao cũng không để ý để hoàn thành một công việc trọn vẹn mà thường là người lớn phải nhắc: J. mặc quần lót vào, J. mặc quần dài vào, J. mặc áo vào, J. cài khuy áo đi, J. đi bít tất nào, J. đi giày vào, buộc dây giày đi, …
Bây giờ để trẻ có thể tự làm một chuỗi việc đó thì có 2 cách
+ Cách 1: in chuỗi ảnh như do2learn hướng dẫn
http://www.dotolearn.com/picturecards/printcards/selfhelp_dressing.htm
Mình đã mua bản quyền in ảnh màu ở trang này. 49,95usd/ năm.
Nếu không thì cha mẹ tự chụp vật thật và in ảnh dạy con cũng tốt. Chỉ hơi tốn thời gian thêm. Mình thì phối hợp cả hai cách.
Ví dụ chuỗi mặc quần áo sau khi tắm: lựa chọn ảnh trong web trên và ghép thành bộ như sau: quần lót, quần dài, áo lót, áo dài, đi bít tất (nếu là mùa đông).
Cách thực hiện: sau khi tắm xong, đưa chuỗi ảnh xếp thành hàng dọc treo ở chỗ trẻ thường mặc quần áo. Trải quần áo ra cho trẻ thấy, có thể xếp theo thứ tự quần áo như trong ảnh càng tốt.
Hướng dẫn trẻ mặc quần lót xong, thì bỏ ảnh đó đi hoặc có thể dùng kẹp phơi quần áo kẹp vào cái ảnh đó, ám chỉ rằng đã thực hiện xong. Rồi chuyển sang bước tiếp theo là mặc quần dài, làm xong lại bỏ ảnh đó đi (có thể dùng hộp viết là Kết thúc để đựng những bức ảnh sau khi đã hoàn thành hoạt động). Hoặc dùng kẹp như trên. Nhiều trẻ rất thích chơi với kẹp phơi quần áo nên đây cũng là một gợi ý hay từ chuyên gia tự kỷ đó.
Ngày nào cũng thực hiện như vậy cho đến khi trẻ thành thạo, có những trẻ có thể ghi nhớ các bước trong đầu sau một thời gian và có thể bỏ ảnh hoàn toàn. Nhưng có những trẻ chậm hơn thì cần luôn treo chuỗi ảnh lên khi yêu cầu trẻ thực hiện gì đó, và trẻ sẽ tự bóc tách ảnh khi trẻ thực hiện xong một bước. Đây là cách rất hữu hiệu, xin hãy áp dụng.
Dần dần hướng dẫn trẻ tự lấy quần áo để mặc.
+ Cách 2:
Trải quần áo theo trình tự trên sàn nhà nơi trẻ hay mặc quần áo. Trẻ sẽ đi dọc sàn nhà lấy từng thứ để mặc, có thể dùng ảnh đi kèm như trên hoặc là không cần ảnh, tùy cách nào trẻ đáp ứng tốt thì áp dụng.
Đôi khi biến thành trò chơi như là nhảy lò cò đến từng thứ quần áo rồi mặc, thậm chí đứng một chân khi mặc áo, … cũng là trò chơi nếu trẻ hợp tác.
2) Vận động:
Mục đích:
– điều hòa cảm giác bị rối loạn, điều thường xảy ra ở hầu hết trẻ tự kỷ dù ở mức độ nào
– rèn luyện thể chất
Khi chưa đến tuổi trưởng thành thì những bài tập vận động thường do người lớn hướng dẫn hoặc cùng làm và vì thế việc vận động (OT) còn có giá trị rất nhiều:
– phát triển vận động tinh, vận động thô
– điều hòa cảm giác
– rèn luyện thể chất
– tăng nhận thức: học qua trò chơi, trò vận động
Việc làm này phải đều đặn, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, kể cả ngày nghỉ, nhưng không gây áp lực căng thẳng mà nó như trò giải trí, không thích trò này thì ta chuyển trò khác.
Các con nhỏ mà chưa làm vận động nhiều thì có thể tham khảo các ví dụ trong chủ đề Thiết kế giờ tập OT theo từng tuần mà mẹ cháu sẽ ghi chép và gửi (nếu các bạn cần).
Việc đi bộ hàng ngày, ít nhất 30 phút, rồi đi cầu thang, làm việc nặng vừa sức, … tất cả các vận động đều ok.
Có rất nhiều tài liệu về phần vận động đã dịch ra trong câu lạc bộ.
3) Làm việc nhà
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Các bạn có thể tham khảo tài liệu RDI để biết cách cùng con, hướng dẫn con tham gia làm việc nhà.
Xin đừng hiểu RDI là chỉ để hướng dẫn làm việc nhà, hãy đọc tài liệu để hiểu hơn. Cũng xin đừng hiểu ABA là chỉ để xử lý hành vi, ABA còn là phương pháp huấn luyện kỹ năng sống rất tốt trên trẻ tự kỷ.
4) Nề nếp kỷ luật ở nhà và ở trường
Cái này khó lắm.
Ở nhà đã khó, ở trường còn khó hơn.
Nhưng có một nguyên tắc này mà chuyên gia tự kỷ gợi ý mình thấy hay: phải tạo ra một lộ trình, một kế hoạch hoạt động trong ngày cho trẻ. Làm được như thế thì trẻ sẽ dần vào nề nếp và trẻ sẽ giảm bớt căng thẳng khi không biết điều gì sắp xảy đến, và bằng cách này thì hành vi cũng giảm bớt (bởi trẻ giảm stress).
Để tạo ra lộ trình hay kế hoạch trong ngày cho trẻ thì cha mẹ cũng phải có kế hoạch cho chính mình và thực hiện một cách nghiêm túc bao nhiêu thì trẻ càng được lợi bấy nhiêu.
Thực ra cái này mình chưa thực sự áp dụng nhưng bây giờ hiểu giá trị của nó nên sẽ thực hiện nghiêm túc.
– Kế hoạch chi tiết trong mỗi ngày:
Ví dụ:
. buổi sáng ngủ dậy, đi vệ sinh
. ăn sáng
. đi nhà trẻ buổi sáng
. ăn trưa ở nhà trẻ
. chiều mẹ đón về
. về nhà xem ti vi
. chơi và học ở nhà
. ăn tối
. đánh răng
. đi ngủ
Đó là một ngày thông thường xảy ra như thế. Với mỗi hoạt động nên có một bức ảnh, các bức ảnh xếp theo một chuỗi trình tự hàng dọc hoặc hàng ngang.
– Kế hoạch trong tuần, tháng:
Làm lịch tuần, lịch tháng
Buổi sáng mẹ ra chỉ cho con biết: hôm nay là thứ hai, con đi nhà trẻ; chiều nay mẹ đón con về
Hôm nay là thứ ba, con đi nhà trẻ; chiều nay con đi trị liệu OT
Hôm nay là thứ bảy, con không đi nhà trẻ; chiều nay con đi bơi
– Chia nhỏ kế hoạch:
Giờ học ở trường thì có những hoạt động gì
Hoặc giờ trị liệu thì thực hiện những bài tập gì
…
– Nếu con không đến trường mà chỉ ở nhà thì việc này càng quan trọng. Cần lập kế hoạch cho con có thời gian làm việc, thời gian học, thời gian chơi, thời gian nghỉ ngơi. Có lúc làm một mình, có lúc làm cùng ai đó. Và con cần biết trước kế hoạch đó bằng chuỗi ảnh.
Bằng cách này cũng sẽ giúp trẻ giảm stress trước những thay đổi nhỏ hoặc lớn sắp xảy đến khi được báo trước. Thay đổi nhỏ như là hôm qua thì đi nhà trẻ, hôm kia cũng đi nhà trẻ, nhưng bỗng dưng sao hôm nay không đi nhà trẻ mà lại đi đến nơi lạ quá.
Thay đổi lớn như là sau 1 tháng nữa con sẽ đến trường tiểu học. Vậy thì đặt một bức ảnh của trường tiểu học vào lịch tháng, thỉnh thoảng lại chỉ cho con biết khi con đang nhìn vào ngày hôm nay: đây con xem này, còn 30 ngày nữa là đến ngày con vào trường mới, con nhìn ảnh trường mới này.
Hôm sau lại nói, vậy là còn 29 ngày nữa, …
Mình định làm thế từ bây giờ cho đến ngày 31 tháng 8 con đi khai giảng năm học mới. Và mình tin là sẽ thành công. Con gái mình quả là rất nhạy cảm với sự thay đổi.
Việc đi toilet ở nhà, ở trường mầm non đã thành công rồi, con tự đi một mình. Và đã cho con thử đi toilet ở trường tiểu học, thấy con cũng thực hiện ok vì nó giống ở trường mầm non. Ít ra thì một việc đã hoàn thành.
À, các bạn đừng quên phần thưởng khi con hoàn thành một việc gì đó, và sau đó thì rút dần phần thưởng.
Phần thưởng có thể là:
. kẹo bánh
. lời khen
. cho con chơi thứ con thích (như là cho sờ vào con ong 5 giây rồi quay lại học)
. có thể là những bức ảnh về thứ mà con thích (ví dụ con thích bóng bay, lá cây, con voi, đồ chơi, chữ số, viên bi, nam châm, … đây là gợi ý của speech therapy, cô ấy chụp ảnh những thứ con thích và cho con chơi bức ảnh đó xen kẽ trong giờ trị liệu, con vui vẻ hợp tác với cô lắm).
4. Giáo dục giới tính, tình dục
Cái này nằm trong kế hoạch của mình thôi, sang năm mới được chuyên gia hướng dẫn dạy con.
Nhưng khẳng định là chúng ta phải giáo dục cho con trước vài năm tuổi trưởng thành.
Trong cuốn Gia đình hai thế hệ tự kỷ, câu chuyện kể về một người anh trai bị tự kỷ ở khoảng 50 năm về trước, sau đó người em cũng sinh ra một đứa con tự kỷ, … trong câu chuyện này mình còn nhớ chi tiết người anh ngủ dậy, gấp quần áo pijama ngay ngắn để đầu giường, hoặc là người anh đến giờ đi ngủ thì được người em dẫn lên phòng, đi đến chiếu nghỉ của cầu thang lại đứng đó chờ người em khi người em còn ở đằng sau mặc dù cửa phòng ngủ đang ở rất gần, … họ thụ động thế đấy nhưng họ cũng vẫn biết làm những việc tự phục vụ nếu có sự dạy dỗ. 50 năm về trước mà còn làm được như vậy, bây giờ hiểu về tự kỷ nhiều hơn rồi nên chúng ta sẽ biết cách giúp con tự lập được nhiều hơn, càng nhiều càng gần với bình thường hơn.
Không thành giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, thì cũng phải biết làm gì để ăn khi đói, mặc gì khi lạnh, uống gì khi khát, biết làm giúp việc nhà, … Nhiều giáo sư, tiến sỹ còn không biết nấu cơm ấy chứ, như bố cháu đây này, hehe.