Muôn nẻo chữa bệnh Tự Kỷ cho con

LOẠT BÀI VIẾT VỀ TỰ KỶ TRÊN VOV.VN (2)

Tretuky.com xin giới thiệu bài viết thứ 2 trong loạt bài viết về tự kỷ của Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam.

Bài 2: Muôn nẻo chữa bệnh cho con

(VOV) – Cùng với sự can thiệp của các cơ sở y tế, giáo dục thì sự đồng hành cùng con của cha mẹ là liều thuốc hữu hiệu để chữa bệnh tự kỷ

  •  Bài 1: Nỗi đau lòng mẹ

Có bệnh, vái tứ phương

Từ khi phát hiện con bị chứng bệnh tự kỷ, cuộc sống gia đình chị Mai Anh gần như đảo lộn. Chị phải từ bỏ công việc mình đang làm, gác lại ước mơ cháy bỏng trở thành nhà văn để có thời gian chăm sóc con.

Vào thời điểm bé Hiếu bị bệnh (năm 2001), ở nước ta, dù mới được đặt tên cho căn bệnh là tự kỷ nhưng thông tin liên quan đến bệnh chưa nhiều, vì thế việc chữa bệnh cho con của chị Mai Anh gặp rất nhiều khó khăn. Chị phải tự liên hệ khắp nơi, lên mạng internet để tìm tài liệu dạy con. Nghe nói ở đâu có lớp học dành cho mẹ của trẻ bị tự kỷ, chị liền đăng ký tham gia.

Sau khi tìm hiểu, chị Mai Anh biết được trẻ tự kỷ rất hạn chế trong giao tiếp cộng đồng, nhưng chính môi trường giao tiếp ấy lại là phương cách hữu hiệu chữa bệnh cho trẻ. Việc chị xin cho Hiếu vào học ở một trường dạy trẻ khuyết tật ở Lạc Long Quân cũng là cả một vấn đề vì lúc đó chỉ có khoảng vài ba nơi nhận dạy trẻ như con của chị. Hiếu đi học đã kéo theo muôn vàn khó khăn đến với chị và gia đình.

 

Dưới sự chăm sóc của mẹ Mai Anh, Hiếu đã tiến bộ rất nhiều

Lúc đó, kinh tế gia đình chị Mai Anh còn rất khó khăn, phải ở chung với bố mẹ đẻ. Chị lại đang thai nghén đứa con thứ 2, nên việc đưa đón Hiếu do ông ngoại đảm nhận. Vì không có nhiều tiền để ngày nào cũng đi bằng xe ôm, nên cứ mỗi sáng hai ông cháu chỉ đi xe ôm ra bến xe rồi đi xe buýt đến trường. Trong lúc cháu học, ông lại lang thang ngoài cổng trường chờ đến giờ đón cháu và lại hành trình xe buýt-xe ôm về nhà.

Đối với một ông già gần 70 tuổi, ngày nào cũng thực hiện công cuộc đón cháu như vậy là quá mệt mỏi, ông bàn với chị nên tính lại việc học cho Hiếu. “Thấy bố nói thế, tôi nghĩ rằng bố sợ mệt, không thương con, thương cháu nên đã hờn trách ông và không nhờ ông đưa con đi học nữa. Khi tự đưa con đến trường, tôi mới thấy được hết sự vất vả. Nhìn tôi lúc đó, bụng chửa vượt mặt, đi xe máy chở đứa con ngồi sau ngủ ngặt nghẽo, ai cũng phải ái ngại. Nếu đánh thức con dậy, nó sẽ ăn vạ, lăn lộn ra đường và tôi sẽ không biết phải xử trí như thế nào, đành để con ngủ cho yên chuyện”- Chị Mai Anh nhớ lại.

Liên tục một thời gian như thế, thấy con không có tiến bộ và bụng mình thì ngày càng lớn, chị đành phải cho con về nhà để tìm hướng đi khác. Khi nghe tin mọi người kháo nhau có lớp học do một phụ huynh cũng có con tự kỷ giảng dạy với nhiều phương pháp hay, chị tức tốc tìm tới. Mặc dù học phí khá đắt, khoảng gần 1.000 USD, chị vẫn quyết định tham gia. Bán hết mọi thứ có thể bán được, kể cả chiếc nhẫn kỷ niệm bố mẹ tặng làm của hồi môn về nhà chồng, chị cũng không gom được đủ từng ấy tiền. May có nhiều người góp vào cho vay, chị mới có thể tham gia khóa học. Tuy mãi sau này mới trả hết nợ, nhưng chị Mai Anh vẫn cho rằng, khóa học này “đáng đồng tiền bát gạo”.

Cũng có lần, nghe mọi người nói ở Nam Định có thầy lang chữa bệnh bằng phương pháp bấm huyệt, chị Mai Anh lại tiếp tục vay mượn để đưa con xuống tận nơi. Không chỉ có hai mẹ con, chị phải nhờ thêm 2 người lớn đi theo để giữ Hiếu những khi “bấm huyệt”. Thầy nói rằng, bệnh của Hiếu là do một số mạch chưa thông nên sau khi được “khơi”, Hiếu sẽ nói được.

Mỗi lần chữa bệnh, thầy lấy hương và lá ngải đốt vào các huyệt ở hai đầu ngón chân cái của bệnh nhân. Hiếu đau đớn, giãy dụa. Mẹ khóc, con khóc. “Hồi đó, nghe ai nói ở đâu có thầy hay, tôi đều cho con đến. Nhưng thực chất, chữa bệnh kiểu này rất phản tác dụng. Bệnh tình của Hiếu không hề được cải thiện mà cháu còn bị hoảng loạn”- Chị Mai Anh nhớ lại.

Cũng rơi vào tình cảnh như chị Mai Anh, chị Nguyễn Mai Nga (giáo viên một trường THCS ở quận Đống Đa) cũng cho con là bé Gia Huy (6 tuổi) bị tự kỷ, “vái tứ phương” để chữa bệnh.

Chị Nga đã đưa con đi khám ở khắp nơi. Hồ sơ bệnh án của Gia Huy nếu xếp chồng lên phải tính dày cả gang tay. Khám chữa bệnh nhiều lần ở phòng khám công, phòng khám tư mà không thấy bệnh tình của con thuyên giảm, chị Nga đã mời thầy chữa bệnh cho con bằng nhân điện. Trong suốt 1 tháng, cứ vào khoảng 7h30 tối, bác sĩ “nhân điện” sẽ gọi điện nói chuyện với Gia Huy. Gọi là nói chuyện với bệnh nhân để truyền “điện” nhưng chỉ một thoáng, cháu bé đã chạy ra chỗ khác và mẹ cháu trở thành người bệnh bất đắc dĩ. Một tháng chữa bệnh như vậy đã tiêu tốn của gia đình chị Nga gần 20 triệu đồng.

 

Những trẻ tự kỷ được can thiệp tại trung tâm của Khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương

Lại có lần nghe nói ở Đồ Sơn có thầy “giỏi”, chị Nga đã xin nghỉ hẳn 1 tháng không lương để đưa con đi chữa bệnh. Thầy tiết lộ bí quyết rằng, chữa bệnh ở bãi biển vào buổi tối, khi trời đất giao hòa sẽ làm tan đi mọi phiền muộn chưa siêu thoát được trong cơ thể bệnh nhân.

Một tháng trời ròng rã ở Đồ Sơn, với giá thuê nhà năm 2007 khoảng 400.000 đồng/ngày, chưa kể trả tiền công cho thầy cả chục triệu, chị Nga đã phải trả món nợ trong nhiều năm sau đó. “Khi ở Đồ Sơn về, cháu cũng chẳng khá hơn được là bao. Nhưng cũng may chữa bệnh trong điều kiện sương gió như vậy mà con tôi không bị ốm và lại ăn khỏe hơn. Còn ở nhà, cháu thường xuyên bị bệnh về hô hấp. Thôi thì, không bổ ngang cũng bổ dọc”- chị Nga thở dài.

Cha mẹ – liều thuốc tốt nhất cho con

Các bà mẹ có con bị tự kỷ sau một thời gian dài đưa con đi khám và chạy chữa ở nhiều nơi đều thấy rõ một điều rằng, dù can thiệp ở đâu thì sự quan tâm, đồng hành cùng con của cha mẹ là phương thuốc hữu hiệu nhất.

Nhiều đứa trẻ tự kỷ đã phải chịu thiệt thòi vì cha mẹ không dễ dàng chấp nhận việc con mình bị bệnh, hoặc cha mẹ không tìm được tiếng nói chung trong việc chữa bệnh cho con. Điều này dẫn đến việc đứa trẻ không được tích cực can thiệp, khả năng phục hồi kém hoặc không hiệu quả.

Ở gia đình chị Nguyễn Mai Nga, dù biết con bị bệnh từ rất bé, nhưng chồng chị (cũng là một giáo viên) lại không dễ dàng chấp nhận chuyện này. Anh cho rằng, bé Gia Huy chỉ chậm nói. Mỗi lần đề cập đến chuyện chữa bệnh cho con, chị Nga đều bị chồng nổi cáu: “Mặt mũi thằng bé thông minh thế kia, làm gì có chuyện tự kỷ. Mấy đời nay nhà tôi không có ai bị bệnh này thì làm sao con tôi có thể mắc phải. Đi khám kiểu gì chẳng ra bệnh”.

Sau nhiều lần thuyết phục, không thể thay đổi được suy nghĩ của chồng, chị Nga đành tự mình âm thầm chữa bệnh cho con. Ngoài giờ đi dạy ở trường, dạy thêm ở nhà, chị phải bố trí giờ thuê cô giáo đến nhà dạy bé Gia Huy thế nào để khỏi “trùng” với giờ chồng nghỉ ở nhà. Mỗi khi đưa con đi chữa bệnh dài ngày, chị phải nói dối chồng là về quê… “Nếu có được sự chia sẻ của chồng, khó khăn mấy tôi cũng cố gắng chịu đựng. Đằng này, chữa bệnh cho con mà tôi luôn bị cảm giác như đang làm việc vụng trộm. Nhiều lúc, tôi muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nghĩ đến tương lai của con, tôi lại phải gồng lên”.

Chị Nga tâm sự, dù thương con, nhưng chị không đủ can đảm để nghỉ dạy ở nhà như một số bà mẹ khác. Chị phải đi làm để có tiền chạy chữa cho con “chẳng may vợ chồng tôi không tiếp tục sống cùng nhau, ít ra tôi cũng còn độc lập về kinh tế để chạy chữa cho con”.

Hạnh phúc và may mắn hơn nhiều so với chị Nga, chị Mai Anh lại được sự chia sẻ rất lớn từ người chồng. Từ khi biết con bị bệnh, chị Mai Anh đã nghỉ việc, ở hẳn nhà. Gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai người chồng. Dù vậy, anh vẫn luôn cùng vợ san sẻ những khó khăn trong việc chạy chữa cho con, từ việc thuê thầy đến nhà dạy cho Hiếu, dạy con phát triển các môn năng khiếu đến việc mở lớp để con có môi trường giao tiếp…

 

Nhà chị Mai Anh được trang trí như một vườn trẻ

Hôm đến nhà chị Mai Anh, trong ngôi nhà 4 tầng xinh xắn, nơi nào cũng in dấu của một lớp học, chúng tôi cảm nhận rất rõ tình yêu thương của cha mẹ dành cho Hiếu. Không chỉ ở phòng học riêng của Hiếu có cây đàn organ nằm chiếm một góc, mà dưới tầng cũng có cây đàn như vậy. Chị Mai Anh khoe: “Nhà có nhiều đàn là vì mỗi khi Hiếu khá hơn, vợ chồng tôi lại nâng cấp đàn cho con. Giờ con học khá hơn nhiều rồi, tôi đang định đổi cho Hiếu cây đàn piano”.

Nhìn thân hình chị Mai Anh khẽ đung đưa, ánh mắt lấp lánh niềm vui theo tiếng đàn của con, chúng tôi thấy hạnh phúc như đang tràn ngập trong gia đình của chị.

 

Cũng may mắn như chị Mai Anh, chị Tuyết Hạnh được chồng và gia đình chồng chia sẻ rất nhiều trong cuộc sống. Qua câu chuyện chị kể về hành trình cùng con chữa bệnh thì không thể thiếu được vai trò của người chồng, người cha trong gia đình: “Nếu không được sự chia sẻ của chồng, tôi cũng không biết mình có vượt qua được không. Hai năm đầu khi biết con bị bệnh, tôi gần như mắc chứng trầm cảm. Cũng may có chồng và gia đình chồng động viên, cùng tôi chạy vạy khắp nơi để chữa bệnh cho con”.

Chị Hạnh chia sẻ: “Suy từ bản thân và nhiều gia đình khác mà tôi từng biết, nếu cha mẹ không làm chủ được cảm xúc của mình thì đó là một điều bất hạnh đối với đứa trẻ bị tự kỷ. Cha mẹ biết chấp nhận sự thật về con, cùng nhau chia sẻ là điều may mắn cho con. Khi đó bố mẹ sẽ bình tâm, suy nghĩ kỹ hơn về triệu chứng này và tìm cách liên lạc với các chuyên gia hoặc trung tâm can thiệp cho con. Đến nay, thông tin về tự kỷ rất nhiều và ai cũng hiểu rằng, thời gian vàng can thiệp cho trẻ tự kỷ sẽ từ 0-3 tuổi, thời gian bạc từ 4-6 tuổi. Nếu cha mẹ nào phát hiện ra con bị bệnh mà không vượt qua được, để tuột đi thời gian đó thì quả thật rất đáng tiếc”./.

Minh Hòa-Việt Đức

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *