Gặp NS Đức Hải, ở cuộc Mít tinh và Đi bộ vì trẻ tự kỷ do CLB Gia đình trẻ tự kỷ và kênh O2TV tổ chức, anh tâm sự “Trẻ tự kỷ rất cần sự chia sẻ, ủng hộ…
Vừa mới đảm nhận vai trò một Phó TGĐ phụ trách khu vực miền Nam của Công ty truyền thông S- đơn vị hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam phát triển kênh O2TV- kênh truyền hình chuyên sâu về sức khỏe và cuộc sống, người ta lại thấy Nghệ sỹ Đức Hải ở một vai trò mới, Đại sứ thiện chí chương trình dành cho trẻ tự kỷ. Một vai trò có lẽ cũng không có gì là lạ lẫm đối với người nghệ sỹ luôn hết mình vì nghệ thuật, vì cuộc sống gia đình, và hơn nữa là một sự sẻ chia với xã hội, với cộng đồng, sẻ chia với những em nhỏ không có được những may mắn nhất định trong cuộc sống, những đứa trẻ tự kỷ ở Việt Nam… Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với Nghệ sỹ Đức Hải để có thể hiểu rõ hơn về vai trò của anh cũng như những trẻ em mắc bệnh tự kỷ ở Việt Nam.
Khán giả truyền hình đã rất quen thuộc với anh trong hình ảnh là một nghệ sỹ, đạo diễn… và hôm qua, anh lại xuất hiện với vai trò là đại sứ thiện chí của chương trình dành cho trẻ tự kỷ, một chương trình mang tính xã hội và nhân văn cao. Anh có thể chia sẻ xúc cảm của mình?
Tối thứ 7 tôi bay ra Hà Nội để sáng chủ nhật có mặt tại hồ Hoàn Kiếm và sau ngay sau khi chương trình kết thúc, tôi lại phải bay vào Sài Gòn. Gấp gáp là vậy nhưng được gặp gỡ, chia sẻ và kêu gọi sự chia sẻ, ủng hộ từ cộng đồng dành trẻ em và gia đình có trẻ em tự kỷ, tôi thực sự xúc động và thấy hành động của mình có trách nhiệm và ý nghĩa hơn.
Anh có thể cung cấp một số thông tin về chứng tự kỷ ở trẻ em?
Chứng tự kỷ là một khuyết tật đặc biệt, hạn chế trong giao tiếp, khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ và có một số hành vi không kiểm soát được, chẳng khác nào bức tường tối tăm ngăn cách con người với cuộc sống xung quanh. Hội chứng tự kỷ ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Theo thống kê mới đây nhất tại Mỹ, tỷ lệ mắc chứng tự kỷ ở trẻ em đáng báo động 1/120 em. Ở Việt Nam, căn bệnh này mới chỉ biết đến trong khoảng 10 năm trở lại đây và cũng còn rất nhiều người chưa hiểu đúng về căn bệnh đặc biệt này.
Kỳ thực, con cái luôn là niềm tự hào của bố mẹ nên không phải ai cũng muốn chia sẻ và chấp nhận thực tế là con mình đang mắc căn bệnh này. Hàng xóm nhà tôi có cậu bé mắc bệnh nhưng bố mẹ cậu ấy chỉ nghĩ đó là cá tính, sở thích. Tôi lặng lẽ, không nói gì mà chiều chiều đưa 4 đứa con ra ngõ chơi xe đạp để cho cậu bé nhìn thấy. Một tuần sau, bố mẹ cậu đã mua cho cậu một cái xe và cậu ra đường chơi cùng. Tuy cậu vẫn chơi theo kiểu của cậu nhưng tôi cũng đã kéo cậu ra khỏi phòng. Đó cũng là một thắng lợi.
Dự kiến ban đầu là 400 gia đình có trẻ tự kỷ tham gia, nhưng thực tế số người tham gia cuộc mít tinh và đi bộ hôm qua lớn hơn thế rất nhiều?
Đúng là ban đầu chỉ có gần 400 gia đình trực tiếp đăng ký tham gia đi bộ nhưng thông tin từ BTC cho biết, hôm qua đã có gần 3000 người tham gia cuộc đi bộ và mít tinh, trong đó ¼ là gia đình có con em tự kỷ. Rất nhiều cha mẹ từ nhiều tỉnh thành xa như Lai Châu, Bắc Giang, Lạng Sơn… khi nghe tin cũng mang con về tham gia. Đó thực sự là con số khiến chúng ta suy nghĩ.
Phải công nhận rằng, những gia đình tham gia cuộc mít tinh và đi bộ là những người đã dũng cảm nhận diện được con em mình. Song con số này chưa phản ánh hết được thực tế còn bao nhiêu gia đình như thế. Tất nhiên, không ai mong muốn con số này sẽ phình to lên nhưng chúng ta mong muốn mọi người hãy nhìn và gọi đúng sự việc để tìm ra giải pháp. Có thể còn có nhiều gia đình lần này chưa gia nhập vào cuộc đi bộ nhưng hãy theo dõi các hoạt động cụ thể về hiện tượng này để sớm phát hiện và có biện pháp tốt hơn cho con em mình.
Là nghệ sỹ yêu trẻ em, đã tham gia rất nhiều chương trình dành cho trẻ em, với tư cách là Đại sứ thiện chí nói chung và là một người cha của 4 em bé nói riêng, anh có điều gì muốn nhắn gửi tới những gia đình đang có con bị tự kỷ?
Tôi may mắn vì 4 đứa con tôi, đứa nào cũng khỏe mạnh, lém lỉnh có khi còn láu cá nữa. Vậy mà vợ chồng tôi với sự trợ giúp đắc lực của người giúp việc mà việc chăm sóc các cháu cũng rất vất vả. Tôi nghĩ, với gia đình có con tự kỷ thì việc chăm sóc càng khó khăn bội phần.
Tôi nghĩ rằng, các gia đình cần sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường ở con em mình để sớm có biện pháp can thiệp. Luôn ở bên cạnh các cháu, bạn sẽ thấy có thể tạo nên những điều kỳ diệu đến ngỡ ngàng. Như hôm qua, cháu Trung Hiếu (11 tuổi) được gia đình phát hiện bị tự kỷ cách đây 7 năm đã rất tự tin nói chuyện, vẽ tranh rất đẹp ngay trên sân khấu khiến không ít người bất ngờ. Con em các bạn cũng có thể làm được nhiều điều hơn thế nếu các bạn, như chị Mai Anh, mẹ cháu Hiếu, luôn luôn ở bên các cháu với sự tận tụy, kiên nhẫn và tình yêu thương vô bờ bến.
Vậy thông điệp của Đại sứ của chương trình muốn gửi tới những gia đình có con tự kỷ và cộng đồng?
Tự kỷ là căn bệnh ngày càng phổ biến nhưng nhiều người còn chưa hiểu thế nào là tự kỷ và có những nhận thức chưa đúng về tự kỷ. Chính điều đó đã tạo ra một rào cản lớn cho chính những người tự kỷ và gia đình của họ trong việc hòa nhập với cộng đồng. Hội chứng tự kỷ hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân và cách chữa trị nhưng với sự hiểu biết, đồng cảm và chia sẻ của cộng đồng là liều thuốc tốt nhất có thể giúp người tự kỷ hòa nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thông qua những hoạt động như thế này, chúng tôi mong muốn được chung tay mở ra một cánh cửa, hay bắc một cây cầu để người tự kỷ tìm ra con đường đi giữa cuộc đời này. Để làm được điều đó, không phải cần một người, một gia đình hay một tổ chức mà cần sự giúp đỡ của cả cộng đồng để cộng đồng có cái nhìn đúng đắn hơn về tự kỷ và chào đón các em như những trẻ em bình thường.
Xin cảm ơn anh,và chúc anh thành công với vai trò mới của mình!