NƯỚC MẮT TRÊN ĐƯỜNG HÒA NHẬP

Lúc đó thì tôi không thể nào kìm được cảm xúc của mình nữa, hai hàng nước mắt ứa ra. Tôi chạy thẳng về nhà nằm vật ra giường và khóc, chồng và con gái lớn của tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, vội hỏi han tôi, nhưng tôi không thể nào nói được nên lời và cứ thế khóc… khóc

 

Năm đó con học lớp hai tại một trường TH dân lập. Không hiểu lý do gì mà khi kết thúc học kỳ 1, con đang hòa nhập rất tốt, đùng một cái nhà trường gọi mẹ đến nói là nhà trường quyết định tách 4 cháu (3 cháu chậm phát triển TT, còn con tôi là bé tự kỷ) học riêng một lớp, thu học phí cao hơn vì phải trả lương cho 1 cô giáo dạy riêng.

Phụ huynh chúng tôi hỏi lý do vì sao lại tách con chúng tôi học riêng, chúng tôi được trả lời rằng: Vì một số phụ huynh không muốn cho con cái của họ học chung với các bé này, nếu các cô cứ để học chung như thế thì họ sẽ chuyển con của họ đi học nơi khác.

Ngay lập tức tôi đến gặp bác phụ trách trường trình bày rằng: Con tôi là trẻ tự kỷ, cần được hòa nhập, cần được sự giúp đỡ, cần học hỏi giao tiếp với các bạn bình thường. Nếu tách riêng ra, có một cô dạy riêng như thế thì chẳng khác nào gia đình mời gia sư về dạy con ở nhà.

Bác phụ trách lúc đó nói rằng: các con chỉ học riêng nửa ngày thôi, nửa ngày còn lại vẫn được hòa nhập cùng các bạn khác. Nghe vậy tôi cũng yên lòng.

Một hôm trời mưa, tôi đưa con đến trường, vì mưa nên tôi đưa con vào tận lớp, con là người đến lớp đầu tiên. Vừa mở cửa lớp ra, đập vào mắt tôi là khung cảnh một lớp học lạnh lẽo, bẩn thỉu, đến giờ vào lớp rồi và vẫn chưa thấy ai quét dọn, 1 mẩu bánh mì từ hôm trước vẫn còn lăn lóc ở gầm bàn. Tôi chợt nghĩ: “Trời ơi, lớp học dành cho các bé khuyết tật mà như thế này sao? Nếu hôm nay không có mẹ đưa vào lớp, biết đâu con mình lại nhặt mẩu bánh mì kia để ăn?”. Tôi phải cố rướn mắt nhìn lên không dám nhìn xuống để nước mắt khỏi trào ra.

Lúc đó có một bạn chạy đến bảo “Hôm nay H học ở trên tầng 2 (tầng 2 là lớp học hòa nhập của con)”. Tôi lại lật đật dắt con lên tầng 2. Vừa bước vào lớp, có vài bạn chạy ra nói “Cô ơi, H hôm nay ko có chỗ ngồi đâu”. Tôi hỏi con: thế chỗ của con đâu? Con chỉ vào một chỗ ở cuối lớp, một bạn nói: chỗ đó là của bạn X, mấy hôm trước do bố bạn ấy mất, bạn ấy nghỉ nên H được ngồi chỗ đó. Hôm nay bạn ấy đi học rồi. Hỏi han các bạn 1 lúc tôi mới vỡ lẽ ra là lớp học chỉ đủ chỗ cho các bạn kia, còn con tôi hôm nào có bạn nghỉ thì được ngồi vào chỗ của bạn đó, nếu hôm nào các bạn đi đủ thì con phải ngồi ké vào một chỗ nào đó.

Lúc đó thì tôi không thể nào kìm được cảm xúc của mình nữa, hai hàng nước mắt ứa ra. Tôi chạy thẳng về nhà nằm vật ra giường và khóc , chồng và con gái lớn của tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, vội hỏi han tôi, nhưng tôi không thể nào nói được nên lời và cứ thế khóc… khóc (viết đến đây, nước mắt tôi lại trào ra vì ký ức buồn của 4 năm về trước lại trở về).

Rất lâu sau, nước mắt cũng làm vơi bớt một phần tâm trạng buồn trong tôi, định thần lại và người đầu tiên tôi muốn tâm sự chia sẻ là cô chủ nhiệm lớp một của con – cô Th, cô D. Tôi gọi điện cho các cô và được cô an ủi, động viên rất nhiều. Cho đến bây giờ tôi vẫn thầm cám ơn các cô, những cô giáo tuyệt vời. Sau đó nhờ mối quen biết của bạn tôi, và tấm lòng bao dung, rộng lượng của bác H – Hiệu trưởng trường TH Hoàng Diệu, tôi đã chuyển cho con sang học tại trường này cho đến bây giờ. Hiện nay con đang học lớp 5, tuy không nhanh nhẹn, giỏi giang như các bạn cùng lớp, nhưng con hòa nhập tương đối tốt và được sống trong một môi trường thân thiện.

Trên đây chỉ là một trong những chuyện buồn, nhớ nhất trong đời vì con tự kỷ của tôi. Còn nhiều chuyện buồn khác vì con mà tôi cũng như các phụ huynh có con tự kỷ phải vượt qua. Qua đây tôi cũng muốn nói với các phụ huynh có con tự kỷ rằng, mình phải vượt qua được chính mình, vượt qua được tất cả những sóng gió ập đến để chèo lái con thuyền đưa những đứa con khuyết tật của mình tới bến bờ tương lai sáng lạn hơn.

Khi chuyển sang trường mới, con mất một học kỳ 2 của năm lớp hai để làm quen với môi trường và các bạn mới. Năm học lớp ba, được sự giúp đỡ tận tình của cô giáo chủ nhiệm và các bạn cùng lớp, con đã có những tiến bộ đáng kể. Con đã mang về nhà khoe những điểm 9 điểm 10 của bài toán, bài chính tả. Tuy có sự ưu ái của cô là cho con thêm thời gian để hoàn thành một số bài toán nhưng đây là những điển 9 diểm 10 của chính bản thân con. Chỉ có môn Tập làm văn đối với con cho đến nay vẫn còn quá khó, nhưng tôi hiểu và cũng không dám kỳ vọng quá nhiều, bởi ngôn ngữ nói đối với con vẫn còn khó khăn, huống chi ngôn ngữ viết.

Cuối năm ngoái, nhà trường có tổ chức cho các con đi tham quan Đền Gióng. Ban đầu tôi chưa dám tự tin để cho con tham gia hoạt động này, nhưng được sư động viên của cô chủ nhiệm “Chị cứ cho H đi, đã có em và một số mẹ phụ huynh rồi, đây là cơ hội tốt để cho con hòa nhập”. Thế là tôi yên tâm cho cháu đi và nhờ thêm cô của cháu đi cùng. Buổi sáng hôm đó, tôi chở con và cô của con đến nơi tập trung, con đến hơi muộn, vừa nhìn thấy con, các mẹ phụ huynh và các bạn cùng reo lên “A! H đây rồi”. Một mẹ đã nói với tôi : “Chị cứ yên tâm, đã có bọn em và cô của cháu đi cùng thì chị không phải lo”.

Thả con ở nơi tập trung, tôi quay trở về nhà để đi làm. Trên đường về, hồn tôi cứ như lên mây. Tôi lại khóc. Con người ta lạ thật đấy, buồn cũng khóc mà vui cũng khóc. Nhưng đây không phải những giọt nước mắt buồn tủi mà là những giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc. Tôi biết rằng; con tôi đang được sống và học tập trong một môi trường tốt, con gặp được những người có những tấm lòng nhân ái.

Đã có lúc tôi nghĩ rằng: hay là trước đây ở trường dân lập, nộp học phí cao nên một số phụ huynh có quyền cho con học với đối tượng nào mà họ muốn? Nhưng tôi lai gạt bỏ ngay ý nghĩ đó ra khỏi đầu, có thể họ chưa hiểu hết được hoàn cảnh của các bé Tự kỷ là cần có môi trường để giao tiếp. Ngôi trường hiện nay con tôi đang học là một trong những trường tốt nhất ở HN, và tôi biết lớp con tôi đang học cũng có những bạn có hoàn cảnh kinh tế khá giả. Nhưng họ lại có những suy nghĩ khác.  Phải chăng do ảnh hưởng và sự giáo dục của những người đứng đầu là Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đã có tác động rất lớn đến các bậc phụ huynh và các em học sinh?

Hôm thứ bảy 16-4-2011 vừa qua, một nhóm cha mẹ của CLBGĐ trẻ tự kỷ Hà Nội có tổ chức cho các con du lịch ở Khoang Xanh. Trong buổi tối đốt lửa trại, con đã biết chủ động làm quen với một em bé gái 5 tuổi. Tôi xin trích nguyên văn một đoạn email mà mẹ bé gái gửi cho tôi, tường thuật cuộc “làm quen” của con trai tôi với bạn gái:

Anh QH đã hỏi: Em MC họ gì?
Em trả lời anh là em họ Trịnh, anh hỏi tiếp: đánh vần thế nào?
Thế là em tịt vì em chưa biết đọc.
mẹ em trả lời hộ xong anh H nói tiếp:
Còn anh là Lê Quang H nhé.
Ngồi cạnh nhau thỉnh thoảng lại nắm tay, tay em để yên trong tay anh cho anh nắm chứ không hề rút ra nhé.”

Các bạn ạ! Trên đời này ai cũng muốn sinh ra những đứa con bình thường, khỏe mạnh. Nhưng số phận nghiệt ngã, Thượng Đế đã ban cho chúng tôi những Thiên Thần Bất Hạnh, chúng đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Vì vậy, các con chúng tôi cần lắm những bàn tay, tấm lòng nhân ái, rộng mở của cộng đồng, giúp đỡ các con chúng tôi có cơ hội hòa nhập vào một xã hội bình thường, để các con phát tiển được hết khả năng, giảm thiểu bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội sau này.

Đó cũng là mong ước của những em bé KHUYẾT TẬT  nói chung và các em bé mắc hội chứng TỰ KỶ nói riêng. Xin tặng bạn đọc bài hát Em ước mong sao trong video dưới đây thay lời kết. EM ƯỚC MONG SAO GIỐNG NHƯ BẠN EM ĐẤY THÔI…

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *