Rối loạn phổ tự kỷ là một trong những khái niệm còn khá mới lạ hiện nay và chưa được nhiều người biết đến. Đã có những trường hợp nhầm lẫn chứng rối loạn này với các bệnh về tâm lý khác. Vậy rối loạn phổ tự kỷ là gì? Có những loại nào và mức độ ra sao? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây!
1. Rối loạn phổ tự kỷ là gì?
Rối loạn phổ tự kỷ có tên tiếng Anh là autism spectrum disorder (tự kỷ), hiểu đơn giản đây là chứng rối loạn có các biểu hiện lâm sàng đặc trưng như thiếu hụt kỹ năng xã hội, các hành vi lặp lại hay thậm chí không có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ với mọi người xung quanh.
Ngoài các biểu hiện nổi bật nêu trên, người bị rối loạn phổ tự kỷ còn có thể có những biểu hiện lâm sàng khác như co giật, rối loạn vị giác, âm thanh, giấc ngủ, tăng động giảm chú ý, có vấn đề về hệ tiêu hóa, thường xuyên rơi vào trạng thái lo lắng, bồn chồn.,…
Theo ghi nhận của nhiều nghiên cứu thực tế, số lượng trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ đang tăng nhanh mỗi ngày. Tỉ lệ mắc chứng này ở nam và nữ khác nhau, thông thường bé trai có tỉ lệ mắc cao hơn các bé gái (khoảng 4 lần).
2. Các loại rối loạn phổ tự kỷ
Hiện nay rối loạn phổ tự kỷ đang được phân thành 2 loại chính: Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em và rối loạn phổ tự kỷ ở người lớn. Thông tin chi tiết về 2 loại này như sau:
2.1 Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em
Đây có lẽ là loại rối loạn phổ tự kỷ phổ biến nhất và được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Tình trạng này rất dễ phát hiện ra bởi giai đoạn này các bé vô cùng non nớt, chưa phải học tập, làm việc và cũng chưa có các mối quan hệ xã hội phức tạp.

Một số dấu hiệu điển hình có thể kể đến như:
- Không bập bẹ nói và phát âm những từ đơn giản khi đã được 12 tháng tuổi.
- Không có bất cứ một cử chỉ biểu lộ sự quan tâm xung quanh nào khi 12 tháng tuổi, ví dụ chỉ ngón tay, vẫy tay mừng khi gặp người thân, tiếp xúc mắt, cười đáp với người quen hay bắt tay,,..
- Không nói được dù chỉ là 1 từ đơn khi 16 tháng và không tự nói câu 2 từ khi 24 tháng.
- Mất kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp cơ bản ở bất kỳ lứa tuổi nào trong những năm tháng đầu đời.
2.2. Rối loạn phổ tự kỷ ở người lớn
Rối loạn phổ tự kỷ ở người lớn có phần phức tạp hơn rất nhiều và cũng khó phát hiện ra. Lý do là bởi khi vào độ tuổi trưởng thành, con người đã có tính cách và bản chất riêng, phải học tập, làm việc, có những mối quan hệ xã hội nhất định.
Vì vậy, không thể nào có hai người bị rối loạn phổ tự kỷ có cùng một các triệu chứng giống nhau. Một số dấu hiệu dễ nhận biết nhất bạn có thể tham khảo:
- Gặp khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người xung quanh, không hiểu hết được ý mà người khác muốn truyền đạt.
- Khó khăn khi bắt đầu trò chuyện với ai đó và thường xuyên gặp rắc rối liên quan đến những suy nghĩ hay cảm xúc.
- Nét mặt thiếu sự biểu cảm tự nhiên và tư thế cơ thể cứng nhắc vì bị áp lực.
- Họ thường xuyên sử dụng các mẫu nói giống nhau, đơn điệu hoặc nói chuyện như robot và người đối diện không cảm nhận được ý nghĩa.
- Người trưởng thành mắc rối loạn phổ tự kỷ không thích nhìn vào mắt ai đó khi nói chuyện với họ.
- Thường xuyên nói chuyện theo cùng một khuôn mẫu và giọng điệu cho dù đối phương là ai (người nhà, bạn bè, đồng nghiệp,…).
- Họ sẽ cảm thấy khó chịu khi đồ đạc của bản thân bị di chuyển hoặc sắp xếp lại.
- Dù bất kỳ điều gì xảy ra thì người trưởng thành mắc rối loạn phổ tự kỷ vẫn luôn thực hiện có những thói quen, lịch trình và mô hình hàng ngày một cách cứng nhắc.
- Họ thích làm việc và chơi một mình hơn là với người khác và trong mắt những người xung quanh sẽ bị gọi là “mọt sách” hay “lập dị”.
3. Các mức độ của rối loạn phổ tự kỷ
Rối loạn phổ tự kỷ được chia thành nhiều cấp độ khác nhau để tiện cho việc hỗ trợ điều trị. Thông tin cụ thể như sau:
3.1. Mức độ 1
Đây là mức độ nhẹ nhất trong 3 mức độ của rối loạn phổ tự kỷ. Người mắc chứng tự kỷ ở giai đoạn này vẫn có các triệu chứng phổ biến chung của rối loạn phổ tự kỷ, thế nhưng các triệu chứng này sẽ nhẹ và dễ điều chỉnh hơn.
Thông thường, trẻ ở mức này sẽ khó kết giao với bạn bè mới, chưa thực sự cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài và hoàn toàn có khả năng làm tốt các chức năng hàng ngày của mình.
Ví dụ, trẻ có thể có vấn đề khó khăn khi giao tiếp nhưng dễ khắc phục hơn. Các bé vẫn có thể tham gia được các cuộc giao tiếp ngắn với những người quen, bạn bè chỉ là không thoải mái, hơi gượng ép. Liệu pháp hỗ trợ ở mức độ này chính là liệu pháp hành vi.
3.2. Mức độ 2
Ở mức độ này, người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ cần giúp đỡ nhiều hơn cấp độ 1. Lý do là bởi gặp nhiều khó khăn hơn về kỹ năng giao tiếp, tương tác xã hội cũng kém hơn, từ đó dẫn đến chất lượng sống và hoàn thành công việc thường ngày kém hiệu quả hơn.
Đặc biệt là trẻ em, các bé cũng sẽ cảm thấy không thoải mái trước các thay đổi môi trường sống. Liệu pháp hỗ trợ hiệu quả nhất chính là liệu pháp cảm giác, liệu pháp nghề nghiệp hay liệu pháp hành vi,…
3.3. Mức độ 3
Đây là mức độ nghiêm trọng nhất của rối loạn phổ tự kỷ, các triệu chứng vì thế cũng nặng hơn. Một số triệu chứng điển hình dễ nhận biết nhất chính là suy giảm khả năng giao tiếp nghiêm trọng, căng thẳng và kích động ở mức độ cao, nhiều hành vi lặp lại hơn,…
Xu hướng người mắc rối loạn phổ tự kỷ ở mức 3 là thu mình, sợ hãi thế giới xung quanh, chỉ muốn sống trong “thế giới” an toàn của riêng mình, hông thể thích ứng và thậm chí là không giao tiếp được,…
Người đối tượng đang ở mức 3 này cần được điều trị chuyên sâu với nhiều liệu pháp, cần nhiều thời gian để phục hồi chức năng hơn. Ví dụ như trị liệu với thuốc tây và tất cả các liệu pháp trị liệu khác.
Đồng thời, các bé mắc rối loạn phổ tự kỷ ở mức 3 rất cần một người chăm sóc luôn ở bên cạnh dù ở nhà hay ở trường vì bản thân các trẻ không tự mình làm được mọi việc.
4. Nguyên nhân rối loạn phổ tự kỷ
Tính đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân cụ thể của rối loạn phổ tự kỷ còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy yếu tố gen, môi trường hoặc là kết hợp giữa gen – môi trường là tác nhân chủ đạo.
Cho tới nay, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng có khoảng hơn 1000 gen mang biến đổi được cho là có liên quan tới tự kỷ. Trong đó, hơn 100 gen được nhận định là gen tăng nguy cơ tự kỷ ví dụ như gen SHANK3, DLG2, RN3C2, DYRK1A, SCN2A hay NLGN4,…

Nhìn chung, xét nghiệm liên quan đến di truyền có thể tìm thấy khoảng 25% số ca mắc rối loạn phổ tự kỷ là có liên quan tới gen. Các gen mang biến đổi di truyền thông thường sẽ liên quan tới quá trình truyền dẫn thần kinh.
Một số yếu tố được xem là làm tăng nguy cơ mắc rối loạn phổ tự kỷ: tuổi tác của bố mẹ cao; có các vấn đề khi mang thai và sinh con (ví dụ như đẻ non, nhẹ, mắc bệnh và dùng kháng sinh,…), yếu tố môi trường và cách chăm sóc, quan tâm con cái trong những năm tháng đầu đời.
Có một số ý kiến cho rằng việc tiêm vắc-xin cũng là nguyên nhân gây rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, các nghiên cứu chi tiết với bằng chứng khoa học lâm sàng đã chỉ ra rằng đây là thông tin không chính xác.
5. Cách điều trị rối loạn phổ tự kỷ
Vì rối loạn phổ tự kỷ có nhiều loại và nhiều biểu hiện cũng như triệu chứng khác nhau nên việc phát hiện và điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, đã có một số phương pháp giúp cải thiện tình trạng này nhưng không có cách nào được xem là tốt nhất và mang tính triệt để.
Vì vậy, để biết cách điều trị rối loạn phổ tự kỷ hiệu quả nhất sẽ cần có sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ để tìm ra được phương pháp phù hợp với từng đối tượng.
5.1. Các phương pháp can thiệp sớm

- Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng (ABA): Cách hỗ trợ này dựa vào các nguyên tắc nền tảng để để dạy trẻ các hoạt động, phát triển ngôn ngữ và tương tác với mọi người xung quanh
- Phương pháp trị liệu và giáo dục cho người khó khăn về giao tiếp TEACCH: đánh giá, kế hoạch giáo dục cá nhân, đào tạo các kỹ năng xã hội cơ bản kỹ năng nghề nghiệp,…
- Hệ thống giao tiếp bằng trao đổi tranh (PECS): Người hướng dẫn sẽ sử dụng tranh, biểu tượng để làm lịch trình hoạt động,…
5.2. Sử dụng phương pháp trị liệu
- Trị liệu ngôn ngữ: Giúp dạy cử chỉ giao tiếp, dạy nói, dạy cách thể hiện và giao tiếp xã hội cơ bản.
- Hoạt động trị liệu: Hướng dẫn vận động tinh và thô, các trò chơi mang tính tư duy cơ bản,…
- Điều hòa đa giác quan: Sử dụng âm nhạc, ánh sáng, mát xa, thủy trị liệu… tác động tới các giác quan của cơ thể.
- Dạy các kỹ năng về ăn uống, vệ sinh để họ có thể tự phục vụ bản thân, tự lập trong sinh hoạt.
- Câu chuyện xã hội: Sử dụng tranh ảnh, chữ viết dạy trẻ tương tác và ứng xử các tình huống xã hội.
5.3. Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc giúp điều trị rối loạn phổ tự kỷ sẽ dành cho nhóm đối tượng ở mức độ 2 và 3. Mục đích chính là nhằm giảm tăng động, cơn hờn giận, hung tính, hạn chế tình trạng tự gây thương tích,…
Tuy nhiên, để sử dụng những loại thuốc này sẽ cần đến sự tư vấn và cho phép của bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý dùng thuốc sẽ tiềm ẩn những nguy cơ lớn về sức khỏe nên bạn cần hết sức lưu ý.
6. Cách dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ
6.1. Hãy là người thầy của con
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, các bậc phụ huynh càng hiểu biết nhiều về chứng rối loạn phổ tự kỷ thì bạn sẽ càng có được những quyết định đúng đắn cho con mình. Như vậy có thể thấy rằng, ba mẹ hãy là một cô giáo đầu tiên của con.

Bạn nên biết điều gì khiến con có những hành vi tiêu cực và điều gì có thể khuyến khích những phản ứng tích cực cực. Nếu bạn biết rõ những yếu tố có khả năng tác động đến con bạn, bạn sẽ biết cách xử lý sự cố một cách tốt hơn và phòng ngừa các tình huống không mong muốn.
Bạn cần lưu ý 2 điểm quan trọng như sau:
- Chấp nhận con với tất cả những điều khác biệt: Thay vì tập trung vào những điểm khác biệt hay những điều mà con mình không có/khôn thể làm được so với những đứa trẻ bình thường, hãy học cách chấp nhận những điều đó. Bé hoàn toàn bình thường và bạn hãy thầm cảm ơn vì con vẫn khỏe mạnh mỗi ngày.
- Đừng bao giờ từ bỏ: Chúng ta không thể đoán trước được diễn biến của chứng rối loạn phổ tự kỷ ở một đứa trẻ. Vì vậy, đừng vội vàng kết luận về cuộc sống tương lai của con bạn. Giống như tất cả các trường hợp khác, con vẫn còn cả một quãng đường đời phía trước để lớn lên và phát triển những khả năng của bản thân mình.
6.2. Tạo ra một môi trường an toàn và nhất quán
Như chúng ta đã biết, trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ thường phải mất một thời gian dài để có thể thích nghi được khi bị chuyển từ một bối cảnh này sang một bối cảnh khác, kể cả ở nhà.

Ví dụ, các bé có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp khi ở trường, thế nhưng lại không nghĩ đến chuyện sẽ làm tương tự khi ở nhà. Vì vậy tạo ra một môi trường nhất quán sẽ là cách tốt nhất để củng cố những gì mà trẻ học được.
Ngoài ra, cách dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ hiệu quả tiếp theo không nên bỏ qua chính là xây dựng cho con một thời gian biểu cụ thể với các khung giờ không thay đổi cho các bữa ăn, giờ học ở trường, giờ đi ngủ và giờ trị liệu.
6.3. Tuyên dương những hành vi tốt
Các bậc phụ huynh nên cố gắng động viên để trẻ tiếp tục phát huy những điều tốt đã làm được. Hãy tuyên dương con khi chúng biết cách ứng xử đúng mực hay học được một kĩ năng mới.
Ngoài ra, bạn cũng nên chỉ ra một cách cụ thể hành vi nào của chúng đang được khen. Bạn nên nghĩ ra những cách khác nhau để khen thưởng, ví dụ như tặng con 1 miếng dán hoạt hình hay các món chơi đồ chơi yêu thích.
6.4. Tạo ra một môi trường an toàn cho trẻ
Nếu muốn dạy trẻ bị rối loạn tự kỷ, bạn nên dành riêng ra một không gian riêng tư trong nhà để con bạn có thể thư giãn và cảm thấy an toàn. Các bậc phụ huynh nên sắp xếp và tạo ra các ranh giới bằng những cách con bạn có thể hiểu được.
Ví dụ như sử dụng đồ vật dễ nhận biết bằng các màu sơn, đơn giản hơn nữa là dán nhãn các đồ vật trong nhà bằng tranh ảnh. Cách này sẽ giúp con cảm thấy an tâm hơn, không còn lo lắng và áp lực như trước.
6.5. Sử dụng những kênh phi ngôn ngữ để giao tiếp với trẻ
Kết nối với trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ luôn là một vấn đề khó khăn. Thế nhưng các bậc phụ huynh không cần thiết phải nói chuyện mới có thể giao tiếp và tạo sự gắn bó với trẻ đâu nhé!
Ngay cách bạn nhìn con mình, những hành động vuốt ve hoặc việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể cũng là những cách giao tiếp cực kỳ hiệu quả. Vì vậy, hãy chú ý đến những tín hiệu phi ngôn ngữ mà bé thường xuyên sử dụng để giao tiếp dễ dàng, hiệu quả hơn.

6.6. Dành thời gian vui chơi nhiều hơn
Cách dạy trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ cuối cùng chính là dành nhiều thời gian để vui chơi cùng con. Một trẻ tự kỷ thì vẫn chỉ là một đứa trẻ đúng không nào? Và cuộc sống của các bé có nhiều thứ để quan tâm hơn là chỉ các buổi trị liệu.
Vì vậy, các bậc phụ huynh nên tìm cách để cùng chơi với con, mà có thể khiến trẻ thích thú, thoải mái, từ đó sẽ có thêm động lực và sức mạnh để thoát khỏi sự rụt rè nhút nhát thường thấy.
Ngoài ra, bạn cũng nên tìm ra những hình ảnh, âm thanh, mùi vị, chuyển động,… có thể gây ra phản ứng không tốt hoặc những hành vi gây rối, từ đó kịp thời điều chỉnh sao cho khoa học nhất.
Vậy là bài viết trên đã chia sẻ về rối loạn phổ tự kỷ: Phân loại, các mức độ cơ bản, nguyên nhân và hướng điều trị hiệu quả. Nếu bé nhà bạn đang xuất hiện những triệu chứng nổi bật kể trên và điều kiện cho phép hãy đưa con đi thăm khám và đừng quên lắng nghe các bé nhiều hơn, quan tâm đúng mức để phòng ngừa các trường hợp tệ nhất có thể xảy ra.