Và như bộ phim đưa ra lời kết: phim dành tặng tất cả những người hùng bình dị trong số những người làm cha làm mẹ (cha mẹ trẻ tự kỷ)
Đại Phúc mới 21 tuổi, là một chàng trai cao lớn, vẻ bề ngoài sáng sủa, vậy mà cha anh lại dẫn anh ra biển để… chết.
Nhưng ông ấy đã đánh giá chưa đúng về anh. Sau khi buộc chân hai cha con vào một vật nặng, từ trên thuyền, ông và con cùng nhảy xuống biển và chìm dần… Vậy nhưng số phận không an bài như thế… sau này thì càng thấy rõ, là Đại Phúc có một bản năng sống mạnh mẽ, và chính anh đã cởi dây buộc, đưa cả hai cha con trở lại mặt nước, trở lại cuộc đời…. chính anh có đủ khả năng bơi lội như cá để làm được điều đó, và đủ sự “ngây thơ” để sống theo bản năng…
Câu chuyện của họ là tổng hợp của nhiều biến cố hết sức đời thường. Đại Phúc sinh ra không hoàn toàn giống như những đứa trẻ khác. Đau khổ vì điều đó, mẹ anh đã bỏ hai cha con mà ra đi…ngoài biển khơi (mà sau này cha anh bộc bạch rằng bà không chịu nổi việc sinh ra anh như thế và đã ân hận cố ý kết liễu đời mình). Mồ côi mẹ, anh sống với cha và cũng phải vào cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng những trẻ em có thiệt thòi về phát triển tâm thần khác… cho tới khi anh ở độ tuổi trưởng thành thì khó khăn lớn của hai cha con xuất hiện. Đại Phúc đã quá tuổi để ở các cơ sở dành cho trẻ em, nhưng lại chưa đủ tuổi để vào các nơi chăm sóc/an dưỡng người già… Mọi việc sẽ không khó khăn nếu như cha anh không mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Việc ông ra đi chỉ còn là vấn đề thời gian. Và trong lúc tuyệt vọng, ông đã nghĩ tới việc đưa con ra biển chết cùng mình, bởi ông nghĩ, không có ông thì Đại Phúc không thể tự mình sống được một cuộc sống bình thường, không cần sự chăm sóc của người khác…
Là một cán bộ kỹ thuật tháo vát và mẫn cán, ông làm việc tại một nhà triển lãm – bảo tàng biển tuyệt đẹp, nơi có những hồ cá trong các bể kính trong suốt. Đây cũng là nơi huấn luyện và biểu diễn xiếc với cá heo, nơi những con cá biển tuyệt đẹp, những con rùa biển,v.v. được nuôi dưỡng, bảo vệ… Câu chuyện đời của cha con họ chuyển hướng sau lần tự tử không thành. Cha của Đại Phúc quyết định rèn cho con tự lập, tự làm được những việc đơn giản nhất như đập trứng, tự mặc, cởi áo, đi lên xuống xe bus đúng bến… Những công việc tưởng chừng như vô cùng giản đơn thì lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và tình thương của người cha đến tột cùng, trong khi ông vẫn phải lao động kiếm sống và chịu đựng sự đau đớn của bệnh tật… Và ông cũng chạy ngược chạy xuôi để cho Đại Phúc có thể được nhận vào một cơ sở nuôi dưỡng để có thể được bảo vệ và chăm lo sau khi ông không còn nữa…
Thế giới trong con mắt của Đại Phúc là thế giới của bản thân anh, của sự vô tư lự. Tuy 21 tuổi, nhưng anh nhìn đời như một đứa trẻ, ham tìm hiểu, và không quan tâm tới những việc của người lớn, sự phức tạp của người đời. Với anh, con chó bông lần đầu tiên mang vào nhà đã để ở trên tivi, thì không thay đổi được, dù cha anh có đem để nó nằm lên ghế đi văng cho gọn ghẽ (và hợp lý) thì anh cũng sẽ lập tức mang đặt lại lên tivi. Với anh, trứng hay những quả bóng bàn dùng cho đoàn xiếc tung hứng cũng như nhau, và nhìn thấy diễn viên xiếc tung bóng, anh cũng mang trứng ra tung… Với anh, đã lớn lên cùng với những con cá heo nơi cha làm việc, anh bơi lội với chúng như những người bạn, không được ở gần chúng là một điều khổ sở với anh. Mỗi khi anh muốn chúng xuất hiện, khen ngợi chúng, anh chỉ đơn giản là vỗ vỗ hai tay vào nhau… bởi vậy, anh cũng đoán rằng để tỏ ra yêu quí ai, khen ngợi ai, anh cũng vỗ vỗ hai tay. Trong thế giới của anh không có giả trá, không có hận thù, cũng không có những nỗi buồn sâu sắc như người khác sẽ gặp phải khi mất mát người thân. Nhưng anh cũng có những thói quen và nỗi sợ riêng của mình, nhất là khi chưa quen với việc không có người cha ở bên, không có ông cởi áo cho anh đi ngủ… Những điều bé nhỏ đó khiến cho cha Đại Phúc phải dần dần tập cho anh quen. Ông cũng cố gắng hướng dẫn anh lao động, để sau này có thể được nhận vào làm việc ở nơi ông đang làm. Trong cuộc sống đó, không phải ông không nản lòng và cáu giận. Như bao người khác, ông cũng có lúc bực tức quát mắng anh, rồi lại ân hận… Khi anh vào nơi chăm sóc, một mình bước vào nhà, ông mới nhận ra con trai cũng có những “lý lẽ” riêng khi cố sắp đặt mọi thứ theo một trật tự nhất định. Chẳng hạn, có đứng ở góc giường nơi anh thường đứng trước khi đi ngủ, ghé mắt nhìn ra phòng ngoài ông mới nhận ra rằng phải để con chó bông trên tivi thì đứng trong mới nhìn thấy nó ở ngoài đó được. Nếu đặt ở ghế ngồi, con trai ông ở trong không thể nhìn thấy nó, và chắc là không thấy yên tâm, thấy quen thuộc…
Xen kẽ với cuộc sống thường nhật của hai cha con là sự cảm thông của người xung quanh. Người quản lý của ông rất cố gắng để tạo điều kiện cho ông làm việc. Người phụ nữ độc thân sống gần đó luôn quan tâm tới cha con ông, coi ông là một người đàn ông mẫu mực… Cô gái mồ côi trong đoàn xiếc ghé qua lưu diễn cũng đã dạy cho Đại Phúc biết nhấc điện thoại… Và nhất là những con rùa biển, con cá, một phần của đại dương bao la ngay trong khu “thủy cung” đó, nơi cha Đại Phúc làm việc… đó là nơi anh yêu thích nhất… Những hình ảnh tuyệt đẹp khi con người sống bên cạnh những sinh vật biển, những gam mầu xanh tuyệt đẹp, màu của sự bình yên và hy vọng…
Trên đây là những gì chúng ta có thể cảm nhận được (hay ít nhất là tôi cảm nhận được) khi xem xong bộ phim “Thiên đường hải dương”. Một bộ phim khiến tôi thực sự có chút ngạc nhiên thú vị. Tải về máy tính ngay trước khi ra phi trường, rồi sau đó ngồi xem bộ phim này đã khiến cho chuyến bay mười mấy tiếng đồng hồ của tôi đỡ mệt mỏi hơn….
Thủ vai người cha chính là minh tinh Lý Liên Kiệt. Đã quá quen với những vai diễn dạng “đại cao thủ võ học” của anh, tôi ngỡ ngàng làm quen với việc anh nhập vai một người cha bị bệnh trọng hành hạ lúc cuối đời nhưng vẫn mang một nghị lực bền bỉ và một tình thương “kép”. Tôi gọi đó là tình thương “kép” bởi vì người cha do anh diễn tả mang cả tình yêu thương của cha và của mẹ dành cho Đại Phúc. Đó là sự bao dung và chăm sóc những chi tiết nhỏ nhặt nhất, là hình ảnh người cha nhưng ngồi may vá cho con…. Đó cũng là sự dìu dắt con học làm người – một sự học không giản đơn như với các chàng trai 21 tuổi khác… Đó là người cha đang cơn đau hành hạ, cũng cố gắng bơi trong bể bơi cùng con, khoác trên người một bộ đồ (tự may) hình con rùa biển…
Đây là một bộ phim nhẹ nhàng, mở đầu với cảnh diễn tả cố gắng kết thúc cuộc đời của hai con người một già một trẻ, cùng nhảy xuống biển, và kết thúc với cảnh người trẻ tuổi vẫn tiếp tục được sống, một cuộc sống không phải không khó khăn, nhưng vẫn là cuộc sống thực sự… mà anh có thể hàng ngày bơi cùng cá, cùng con rùa biển…
Và như bộ phim đưa ra lời kết: phim dành tặng tất cả những người hùng bình dị trong số những người làm cha làm mẹ (the ordinary heroes among our parents) …