Thư ngỏ của CLB về buổi mít tinh và đi bộ vì trẻ tự kỷ

Thư ngỏ của CLB về buổi mít tinh và đi bộ vì trẻ tự kỷ

Thư ngỏ mời tham dự “Đi bộ về Trẻ tự kỷ”

Hãy dành một ngày trong năm, ngày 2/4, ngày đã được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Thế giới nhận biết về Chứng tự kỷ, để đến cùng chúng tôi, những gia đình có trẻ tự kỷ ở Việt Nam, mang đến niềm yêu thương, chia sẻ và đồng cảm trong tâm hồn và trên cánh tay mở rộng của bạn.

Tự kỷ là một khuyết tật phức tạp và phải chịu nhiều hiểu lầm, thậm chí là sự kỳ thị trong lịch sử. Nếu bác sĩ Leo Kanner không mô tả chứng tự kỷ vào năm 1943, có lẽ nhiều, rất nhiều người tự kỷ đã phải sống suốt đời trong những khu biệt lập của bệnh nhân tâm thần. Nếu thuyết “bà mẹ tủ lạnh” của Bruno Bettelheim không bị bác bỏ vào năm 1997, thì những sai lầm nghiêm trọng trong cách can thiệp và hỗ trợ người tự kỷ còn kéo dài bởi người ta nhầm lẫn tự kỷ với chứng trầm cảm ở trẻ em do không được cha mẹ yêu thương chăm sóc. Và ở đâu đó, người ta vẫn còn nhầm lẫn giữa tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, trong khi đã có rất nhiều nhân chứng sống thể hiện khả năng của người tự kỷ, như Temple Grandin chẳng hạn – một người tự kỷ đã đoạt học vị Tiến sĩ tại Hoa kỳ.

Những nghiên cứu khoa học mới nhất về chứng tự kỷ đã chỉ ra rằng, chứng tự kỷ là một khuyết tật phát triển kéo dài suốt đời do những rối loạn sinh học tiềm ẩn. Nhưng người mắc chứng tự kỷ vẫn có thể phát triển các khả năng và giá trị khác của bản thân khi được chia sẻ, quan tâm, hỗ trợ đúng cách, được cộng đồng chấp nhận các biểu hiện tự kỷ như một sự khác biệt trong tính cách và giao tiếp. Mặt khác, thiếu sự động viên hỗ trợ của cộng đồng, sự tự tin và thành công của họ trong đời sẽ là rất thấp. Mỗi người tự kỷ đều mong muốn bạn nhận ra điều đó.

 

“Cùng hành động vì tự kỷ – Act for Autism now!” là khẩu hiệu của ngày 2/4 năm nay trên khắp các nước Asean. Chưa ai tìm ra cách chữa khỏi tự kỷ, nhưng lại có rất nhiều việc người ta có thể làm để giúp người tự kỷ hòa nhập cuộc sống, và cách hữu hiệu nhất, đơn giản nhất nằm ngay trong trái tim biết yêu thương, chia sẻ và chấp nhận sự khác biệt của bạn!

Hãy đến và trao một cái nắm tay, một nụ cười động viên khích lệ, một sự giúp đỡ thiết thực cho những gia đình tự kỷ. Bạn còn gặp họ rất nhiều trong cuộc sống, vì ở Hà Nội có đến 30% trẻ tự kỷ trong số trẻ mắc các khuyết tật học đường, có rất nhiều trẻ tự kỷ không có trường phù hợp để đi học, có rất nhiều người tự kỷ bị kỳ thị, chế giễu, thiếu cảm thông, không dám ra ngoài xã hội và không tìm được việc làm…

Không ai chọn sinh ra trên đời với chứng tự kỷ. Nhưng hiện nay 1/110 trẻ em có nguy cơ tự kỷ. Hãy giúp đỡ những em nhỏ không may mắn đó, và bạn hãy tin là bạn hoàn toàn có khả năng làm được điều này.

Hẹn gặp các bạn vào ngày 2- 4 sắp tới!

Trân trọng

Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Hà nội

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *