TỰ KỶ LÀ DẠNG KHUYẾT TẬT NÀO?

TỰ KỶ LÀ DẠNG KHUYẾT TẬT NÀO?

Theo bà Nguyễn Thanh Trà, phó vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng quốc hội, thì pháp luật công nhận tự kỷ là một khuyết tật. Nhưng đó là dạng khuyết tật nào, thì hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào nói rõ.

Hiện tại, trong điều 3 Luật người khuyết tật có phân loại 6 nhóm khuyết tật là:

1- Khuyết tật vận động

2- Khuyết tật nghe, nói

3- Khuyết tật nhìn

4- Khuyết tật thần kinh, tâm thần

5- Khuyết tật trí tuệ

6- Khuyết tật khác.

 

Trong 6 dạng khuyết tật trên, thì tự kỷ có thể nằm trong dạng khuyết tật thứ 4, thứ 5 hoặc thứ 6. Các cơ quan tham gia xây dựng luật và các nghị định, thông tư thi hành Luật Người khuyết tật vẫn chưa thống nhất quan điểm xếp tự kỷ vào dạng tật nào.

 

Câu lạc bộ Gia đình Trẻ tự kỷ Hà Nội cho rằng, nếu xếp tự kỷ vào khuyết tật thần kinh, tâm thần, hoặc khuyết tật trí tuệ là không đúng với bản chất của khuyết tật tự kỷ. Mặt khác, trên thực tế có rất nhiều trẻ tự kỷ điển hình, rất khó khăn trong tương tác xã hội, nhưng không có đầy đủ dấu hiệu đặc trưng của thần kinh hay chậm phát triển, nếu xếp tự kỷ chung với một trong hai nhóm này, sẽ rất khó khăn và thiếu chính xác khi các hội đồng địa phương xét công nhận khuyết tật cũng như phân hạng khuyết tật (các mức nặng, trung bình, nhẹ).

 

Một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đồng thời là một người tự kỷ là nhà bác học Albert Eistein. Chắc chắn không ai cho rằng ông mắc chứng thần kinh, hay hài hước hơn, là chậm phát triển trí tuệ!

 

Vì những phân tích trên mà CLB đề nghị tự kỷ được xếp vào dạng Khuyết tật khác, nhóm duy nhất có thể phù hợp trong trường hợp này.

 

Ông Daniel Mont, thuộc nhóm chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ xây dựng thông tư hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật cho biết:

“Ở Mỹ, cách phân dạng khuyết tật khác với VN. Đối ngược với khuyết tật thể chất (ví dụ vận động), là khuyết tật thần kinh “mental” trong đó có “khuyết tật trí tuệ” – intellectual, “khuyết tật  tâm thần” – psychology và “khuyết tật phát triển”. Do pháp luật Việt Nam tách riêng khuyết tật trí tuệ và thần kinh-tâm thần, nên so với luật Mỹ, khái niệm “khuyết tật phát triển”, trong đó có tự kỷ, đã bị biến mất. Do vậy, trong luật VN, không nên để khuyết tật tự kỷ biến mất hoặc lẫn trong các dạng tật khác như trí tuệ hay thần kinh-tâm thần, Ngân hàng thế giới mong muốn tự kỷ được chú ý một cách thoả đáng từ các Bộ – ngành liên quan.”

Nhưng dường như ở Việt Nam, các nhà khoa học, nhà chuyên môn quá yên lặng về vấn đề này. Tự kỷ bước đầu đã được coi là khuyết tật, nhưng câu hỏi đó là khuyết tật gì, nằm trong dạng nào, thì chưa có câu trả lời rõ ràng trong bất cứ một văn bản chính thức nào. Và như vậy, đây đó, kể cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng, vẫn có quan điểm thản nhiên cho rằng: tự kỷ là chứng bệnh do cách nuôi dạy của cha mẹ mà ra. Nỗi oan của phụ huynh trẻ tự kỷ bao giờ được gỡ bỏ?

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *