Tự kỷ – Nuối tiếc

Con về lại nhà, vợ chồng tỉnh giấc và giờ an phận cùng đưa nhau đến dự họp, tham gia những buổi sinh hoạt họp mặt. Xét cho cùng đây mới chính là cơ hội tốt giúp cha mẹ gặp nhiều bạn, thêm kinh nghiệm.

Cha mẹ nào cũng thương yêu lo lắng cho con, nhất là con sinh ra có vấn đề thì sự thương yêu lo lắng càng nhiều hơn đặc biệt hơn tới mức có thể trở thành thương lo mù quáng.

Chúng tôi là người trong hoàn cảnh nói trên, nghĩa là đang nuôi con khuyết tật mà mắt láo liên sục sạo, tai nghe ngóng hơn là dạy dỗ. Nghe đồn ở đâu đâu thì đưa con đến đó đó. Nào thuốc uống đông tây dược thảo, nào bùa phép cúng xá thầy bùa, châm cứu vào lưỡi, não, chạy nhân điện, chạy điện và về tận Việt Nam nơi không biết bịnh tật của cháu là cái chi chi, chở theo mấy năm dài hao tốn lẫn lo lắng và xa con, vì sinh kế, và dù cháu còn hai bên nội ngoại chăm sóc nhưng xét cho cùng không ai sánh bằng cha với mẹ.

Là hai trong số những người Việt thích trị dứt bệnh, chán dạy nên tôi luôn quan niệm : đã tốt nghiệp thầy thì một khi há miệng nói gì cũng phải cũng đúng, để rồi bao năm dài lo tìm kiếm thầy tài chạy chữa. Xét cho cùng thì con cũng cò thay đổi nhưng chỉ về mặt thể xác, nghĩa là có cao lớn theo ngày tháng, nhưng đầu óc thì vẫn y nguyên như ngày nào. Thật não nề, thật tuyệt vọng. Ngày đi chất chứa nhiều hy vọng, mẹ đưa. Ngày về buồn lê thê, cha đón. Tay dắt con thơ tay lôi hành lý trĩu nặng ê chề, biết còn mẹ còn anh chị và các em đang trông đợi với ít nhiều hy vọng, vì thời gian dài xa vắng may ra …

Ngày xưa tôi bắt bong ước mơ và đánh đổi bằng tiền, để ngày giờ này mới chịu chấp nhận an phận với sự thực đã hiển nhiên, đã từ lâu của con. Khuyết tật này không thể uống thuốc để hết bệnh như cảm cúm, đau nhức, ung thư, mà chỉ nhờ vào hiểu biết cùng sự tận lực, tận tâm dạy dỗ của cha, của mẹ, của người than để cải thiện và phát triển.

Vì lười dạy, không chịu nghe, học hỏi tìm hiểu và cho rằng bác sĩ tại Úc định bệnh sai lầm bởi cháu rất bảnh trai, mặt mũi sáng láng; chúng tôi còn tin vào suy nghĩ riêng cộng thêm tật m6 tín dị đoan nên dốc lòng tìm phương cách trị bệnh tại VN. Nói chung, hai chúng tôi là người góp phần gây cản trở, gây gián đoạn việc phát triển của con, cho dù thời gian định cư tại Úc lâu hơn thời gian tôi sinh ra và lớn lên tại VN. Sống tại đất văn minh, tôi trẻ người nhưng đầu óc lại quá lạc hậu để rồi đánh mất nhiều năm dạy con mà chỉ dốc lòng trị bệnh lẫn van vái chờ phép lạ, tin rằng nếu đúng thầy, đúng phép thì không cần dự họp, tìm dịch vụ, tham gia nhóm làm chi cho nhiều người biết mặt, biết chuyện mình.

Con về lại nhà, vợ chồng tỉnh giấc và giờ an phận cùng đưa nhau đến dự họp, tham gia những buổi sinh hoạt họp mặt. Xét cho cùng đây mới chính là cơ hội tốt giúp cha mẹ gặp nhiều bạn, thêm kinh nghiệm. Các cháu nhờ vào những dịp này để vui đùa, học bắt chước lẫn nhau. Cái đau xót của người có lỗi là khi so sánh thấy các cháu đến cùng thời điểm nay tiến bộ rõ nét, biết thứ tự, vâng lời, nghe hỏi đáp, lấy phần ăn và ngồi chỉnh tề …. Nghĩa là có dạy thì sẽ có phát triển. Các cháu và con tôi cả một trời tương phản, con cứ thơ thơ thẩn thẩn, một mình một việc, không hòa đồng trong khi được cha mẹ cũng như các cháu khuyết tật khác nhường với ánh mắt chờ đợi, và miệng thìvui vẻ mời gọi chơi chung. Tuy cùng là khuyết tật nhưng cháu sống dị biệt vì thiếu dạy dỗ, chỉ miễn cưỡng nghe và ngưng tay đôi chút nếu xét có lợi, ngoài ra thì cứ bổn cũ soạn lại, mãi làm theo suy nghĩ của người khuyết tật.

Tôi tiếc cho đau khổ vì sự sai lầm tự chọn mà dẫn tới hậu quả ngày nay, và đau khổ này sẽ gậm nhấm hai chúng tôi hết quãng đời còn lại. Giờ đây chúng tôi đang bắt tay vào việc dạy dỗ con, cho dù muộn màng, biết là muộn nhưng có còn hơn không. Chúng ôi cố học hỏi, cố tìm hiểu, cố dạy con và chờ đợi vì hiện tại rất thèm nghe con gọi hai chữ mẹ cha. Chỉ hai từ thôi mà chờ đợi gần như mỏi mòn, nhưng ngược lại các cháu khuyết tật khác thì dư chữ và nói nhiều hơn khi được cha mẹ hiểu bệnh đã kích thích và gợi chuyện, bắt phải nói. Riêng cháu chỉ nghếch mắt nhìn sự việc một cách thản nhiên rồi quay sang làm tiếp công việc chẳng giốn ai, chẳng có gì mới mẻ và chẳng có gì hào hứng. Cứ bổn cũ soạn lại thật là tội.

Nhìn con buồn đến lặng người. Đau khổ suy nghĩ thì càng trách thân, tại sao lại thương lo con khuyết tật một cách dị thường khác người trong khi đã hiểu biết vấn đề là khuyết tật bẩm sinh không có trị liệu dứt bệnh mà chỉ có dạy. Ôm quan niệm thương lo như chúng tôi thì ngược lại với những cha mẹ không chạy chữa mà chỉ lo học hỏi phương cách dạy. Kết quả bài toán đúng sai đã ra đáp số.

Giờ tôi nhìn con ngó cháu. Ngày dài, dài và dài tương phản vì chính chúng tôi đã tự đánh mất thời gian phát triển của con khi dùng ngày giờ đó để mong trị dứt khuyết tật. Các cháu trang lứa con ngày nay đang học trường bình thường lớp bình thường, hay trường bình thường với lớp khuyết tật. Điều này đã chứng minh sự lựa chọn là đúng. Còn tôi xoay nhìn con với bao năm dài vẫn là trường khuyết tật lớp khuyết tật và suốt đời là thế.

Bạn cần tránh là người có tội vì đã đóng góp công đầu chận đứng mọi phát triển của con. Chỉ mong gởi đến bạn một nhận định rõ ràng. Hãy cố công học hỏi, có nhiều kiến thức dạy con. Cháu sẽ phát triển tuy là chậm hay rất chậm và cần có kiên nhẫn, cần có thời gian. Đừng lười, tiếc công tìm ngã tắt vì đây là khiếm khuyết bẩm sinh của não bộ và vô phương trị liệu, lại thêm đụng đến não là vong mạng. Hiện tại thì khuyết tật này là vĩnh viễn, khoa học giờ vẫn bó tay.

Nuôi và cố công sức dạy dỗ con khuyết tật, đó chính là viên đại thần dược mà chúng tôi đã tự ý đánh mất.

( Trích từ tạp chí ‘ Cha Mẹ với Con Khuyết Tật’ )

Đọc xong bài viết ‘Tự kỷ – Một vùng đất hoang’ của anh Lê Khanh, tôi lại muốn chia sẻ với cha mẹ có con tự kỷ về bài viết này để chúng ta có thể tránh được những ‘trị liệu’ vô ích và làm mất thời gian quí báu của con.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *