Tự kỷ tinh thần đang là một trong những vấn đề được quan tâm mạnh mẽ hiện nay. Có nhiều người quan niệm rằng đây là một căn bệnh, ảnh hưởng xấu đến người mắc phải, gia đình và xã hội. Nhưng cũng có ý kiến khẳng định đó không phải bệnh, cần nhìn nhận khách quan hơn. Vậy tự kỷ tinh thần là gì? Có phải bệnh hay không? Nguyên nhân, triệu chứng cùng cách khắc phục cụ thể như thế nào? Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn câu trả lời đầy đủ và chính xác nhất!
Tự kỷ tinh thần là gì
Khi tìm kiếm từ khóa “Tự kỷ tinh thần là gì?”, chúng ta sẽ thấy nhiều kết quả tìm kiếm với những định nghĩa khác nhau. Ví dụ như theo Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam thì tự kỷ tinh thần được định nghĩa là một “hội chứng đa khuyết tật, biểu hiện sự rối loạn phát triển trong hành vi, nhận thức, ngôn ngữ và quan hệ xã hội”.
Trong khi Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) dẫn lại nguồn Liên Hiệp Quốc, định nghĩa tự kỷ tinh thần là “một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời, xuất hiện do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội”.
Tự kỷ tinh thần theo định nghĩa khoa học là tình trạng rối loạn hành vi thần kinh phức tạp với tên gọi khác là “Rối loạn phổ tự kỷ” (Autism Spectrum Disorder – ASD). Tình trạng rối loạn này gồm những suy giảm về tương tác xã hội, ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, đi kèm những hành vi cứng nhắc, mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại.
Tự kỷ tinh thần bao gồm rất nhiều triệu chứng, hành vi và mức độ suy giảm. Nó có thể bắt đầu từ việc chỉ là một số khuyết tật gây ra những hạn chế trong cuộc sống hàng ngày rồi phát triển, mở rộng đến các biểu hiện suy nhược nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế để điều chỉnh hiệu quả.
Tự kỷ tinh thần có phải bệnh không
Có nhiều tranh cãi đã xảy ra về vấn đề “Tự kỷ tinh thần có phải bệnh hay không?”. Giữa các ý kiến trái chiều, các bác sĩ và chuyên gia đã đưa ra kết luận rằng “tự kỷ tinh thần là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ” nên không có “bệnh tự kỷ tinh thần” đúng nghĩa mà chỉ có “chứng tự kỷ tinh thần” và mọi người có thói quen gọi là bệnh.
Hiện tại, vẫn có một loại thuốc nào có thể “chữa” khỏi hẳn tự kỷ tinh thần mà chỉ có những can thiệp sớm và đúng cách (bao gồm các phương pháp đã được kiểm chứng khoa học) để giúp người mắc phải cải thiện, hoà nhập và sinh hoạt, đóng góp cho xã hội. Chúng ta không nên kỳ thị, xa lánh những người bị tự kỷ mà cầ có sự quan tâm, thấu hiểu.
Ngoài ra, chứng tự kỷ tinh thần ở trẻ em có thể là một rối loạn khiến trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội trong suốt cuộc đời. Việc can thiệp sớm trong nhiều trường hợp sẽ giúp trẻ có thể phát triển bình thường mà không còn những dấu hiệu chẩn đoán, hạn chế nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hành trình phát triển về sau của trẻ.
Triệu chứng bệnh tự kỷ tinh thần
Biểu hiện của tự kỷ tinh thần thường khác nhau ở mỗi người. Có người biểu hiện ra bên ngoài rất nặng, nhưng cũng có người chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ. Hơn nữa giữa người lớn và trẻ em sẽ có đôi chút khác biệt. Cụ thể là:
Triệu chứng tự kỷ tinh thần ở trẻ em
Trẻ em bị tự kỷ tinh thần sẽ có biểu hiện trong suốt cuộc đời nhưng có thể tiến triển tốt hơn khi bé lớn lên trong sự can thiệp tích cực và sớm. Các bậc phụ huynh có thể phát hiện được con mình bị tự kỷ sau 12 tháng tuổi với những biểu hiện chung như sau:
Trẻ gặp rắc rối trong giao tiếp
Đây là dấu hiệu dễ dàng nhận biết trẻ tự kỷ tinh thần rõ ràng nhất. Tuy nhiên ba mẹ cần hiểu rõ rằng không phải lúc nào trẻ ít nói hay nói chậm cũng đều mắc chứng tự kỷ vì quá trình tập nói của mỗi bé là khác nhau. Cùng giai đoạn này nhưng có chỉ bập bẹ được từng chữ, chưa nói được thành câu và cũng có bé đã có thể nói nguyên câu hoàn chỉnh.
Không giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể
Thông thường, khi không biểu đạt bằng lời nói được, trẻ có thể giao tiếp với mọi người xung quanh bằng cử chỉ điệu bộ như chỉ trỏ, vẫy tay, “mi gió”… Nhưng ở trẻ bị tự kỷ tinh thần sẽ không có những cử chỉ và điệu bộ này. Thậm chí, trẻ còn thường xuyên né tránh ánh mắt người đối diện hoặc không đáp lại khi được gọi tên.
Trẻ không có xu hướng bắt chước
Bắt chước là cách để trẻ con học hỏi với mọi thứ xung quanh, diễn ra từ giai đoạn trẻ bắt đầu lên 1 – 2 tuổi. Tuy nhiên đối với các trường hợp tự kỷ tinh thần, các bé thường không có xu hướng bắt chước hay tự động chơi các trò chơi đóng vai nếu không có sự yêu cầu hay chỉ dẫn của người lớn.
Thực hiện hành vi trật tự và lặp lại
Việc lặp đi lặp lại và sự ám ảnh trật tự thể hiện qua câu chữ và thói quen của trẻ. Ví dụ như khi có chuyện nào đó xảy ra bất ngờ, khác với thường ngày hoặc gây ảnh hưởng đến thói quen, trẻ tự kỷ tinh thần sẽ khó có thể chấp nhận và thích nghi. Trẻ sẽ nổi giận, phản ứng vô cùng mạnh mẽ và có xu hướng bạo lực.
Bị ám ảnh quá mức với 1 vấn đề
Các bé bị tự kỷ tinh thần thường không thể để một món đồ chơi hay đồ vật nào đó rời xa mình dù ở bất cứ và bất cứ khi nào, giống như đó là thứ quan trọng và giá trị nhất với bé. Hoặc bé bắt buộc phải xem một bộ phim hoạt hình mà bản thân thích khi ăn uống, vui chơi, nếu không sẽ không chịu hợp tác và phản ứng rất dữ dội.
Bé không thích chia sẻ với bất cứ ai
Trẻ con bình thường luôn muốn khoe với bố mẹ, người thân về những gì bé thấy, bé làm. Nhưng những bé tự kỷ sẽ không thể hiện điều đó, không kể chuyện và thậm chí không muốn ai chơi cùng bé mà chỉ muốn ở một mình trong thế giới của riêng ebs với những câu chuyện, nỗi niềm riêng.
Bé chỉ hiểu câu theo nghĩa đen
Các bé bị tự kỷ thường khó khăn trong việc hiểu những câu nói, câu tục ngữ, ca dao mang tính trừu tượng nhiều nghĩa. Bé thường chỉ hiểu được nghĩa đen mà không hiểu được nghĩa bóng nên có thể không thích những trò đùa về câu chuyện mang hàm ý vui vẻ từ bạn bè, người thân xung quanh mình…
Đây là những dấu hiệu chung được đưa ra để phát hiện trẻ em bị tự kỷ tinh thần. Những dấu hiệu này trên thực tế cũng không đủ cơ sở 100% để xác định một đứa trẻ có đang bị tự kỷ hay chỉ là do phát triển chậm một chút so với bình thường. Để chắc chắn nhất, bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
Triệu chứng tự kỷ tinh thần ở người lớn
Tùy vào bản thân từng người và mức độ nghiêm trọng của tự kỷ tinh thần mà người lớn sẽ có các biểu hiện và triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, hầu hết người lớn tự kỷ tinh thần đều có một số triệu chứng chủ yếu như sau:
Biểu hiện với các mối quan hệ xung quanh
- Người lớn tự kỷ thường gặp các vấn đề trong khi phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội, nét mặt thiếu sự biểu cảm và tư thế cơ thể thường không được tự nhiên.
- Họ khó có thể thiết lập các mối quan hệ và hòa đồng với mọi người, đồng thời gặp khó khăn trong việc quan tâm hay chia sẻ, hưởng thụ các lợi ích, thành tựu đạt được với người khác.
- Họ thiếu sự đồng cảm, gặp phải các khó khăn trong việc thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác, ví dụ như việc cảm nhận sự đau lòng hoặc buồn rầu.
Biểu hiện trong giao tiếp và công việc
- Người lớn mắc chứng tự kỷ có thể tiếp thu chậm, học tập kém hoặc ít nói chuyện, 40% trong số đó thậm chí còn không bao giờ mở miệng nói chuyện.
- Họ khó có thể tự mình bắt đầu một cuộc trò chuyện và rất khó duy trì một cuộc trò chuyện.
- Họ thường dùng ngôn ngữ rập khuôn máy móc và hay lặp đi lặp lại một từ hay cụm từ mà bản thân đã nghe nói trước đây.
- Họ thường gặp khó khăn để có thể hiểu được hết được trọn vẹn ý nghĩa của câu nói ẩn ý nên khó nắm bắt tâm trạng, thái độ của người khác.
Những biểu hiện về hành vi và cử chỉ
- Họ chỉ đặt sự tập trung, tỏ ra quan tâm và lo lắng về một chủ đề nhất định nào đó, làm quá chủ đề đó lên theo suy nghĩ của bản thân.
- Rập khuôn hành vi một cách máy móc và có thể lặp đi lặp lại hành vi nào đó nhiều lần như thói quen khó thay đổi, thậm chí không thay đổi.
Nguyên nhân bệnh tự kỷ tinh thần
Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân chính xác của chứng tự kỷ tinh thần thực sự vẫn chưa rõ ràng. Theo nhiều nghiên cứu, nó có thể xuất phát từ những tổn thương ở một khu vực của não bộ liên quan tới khả năng xử lý các cảm xúc và phát triển ngôn ngữ. Những tổn thương đó có thể xảy ra do hậu quả của khuynh hướng di truyền và các yếu tố môi trường. Cụ thể:
Yếu tố di truyền
Hầu hết các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng một đứa trẻ có thể dễ mắc tự kỷ tinh thần hơn do một số gen nhất định (chưa chỉ rõ được) mà bé thừa hưởng từ cha mẹ. Điều này được kiểm chứng vì tự kỷ thường có tính chất gia đình, ví dụ, anh em ruột, đặc biệt là anh em sinh đôi của trẻ bị tự kỷ có thể phát triển tình trạng này.

Yếu tố môi trường
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, một người phải tiếp xúc với tác nhân môi trường cụ thể mới phát triển chứng rối loạn tinh thân. Các tác nhân kích thích có thể xảy ra với trẻ nhỏ ngay ở thời kỳ mang thai của người mẹ như:
- Nhiễm virus Rubella khi mang thai làm cho não bộ của trẻ kém phát triển, có thể gây ra bệnh tự kỷ bẩm sinh.
- Bệnh lý tuyến giáp có thể gây ra những tổn thương ở não bộ của thai nhi, làm tăng nguy cơ mắc tự kỷ.
- Bệnh đái tháo đường ở mẹ bầu làm tăng gấp đôi tỉ lệ mắc trầm cảm ở trẻ, cũng có thể dẫn đến tự kỷ tinh thần.
- Một số loại thuốc dùng trong thời kỳ mang thai như thuốc chống động kinh, thuốc an thần, điều trị viêm khớp… đặc biệt như đồ uống có cồn, thuốc lá, rượu bia, ma túy,… cũng có thể gây ra tự kỷ bẩm sinh.
- Sinh con muộn được khuyến cáo là một trong những yếu tố nguy cơ sinh ra trẻ tự kỷ tinh thần.
Ngoài ra, một số tổn thương khác cũng liên quan tới chứng tự kỷ ở trẻ em như: hội chứng X – 1 loại rối loạn di truyền gây ra vấn đề trí tuệ; xơ cứng củ phát triển trong não, rối loạn thần kinh hội chứng Tourette và động kinh…
Trường hợp ở người lớn, tự kỷ tinh thần có thể xảy ra bởi tất cả nguyên nhân bên trên, không được cải thiện sớm nên kéo dài về sau. Hoặc có những trường hợp bị tự kỷ do áp lực đến từ công việc, cuộc sống, do lối sống khép kín quá dài lâu, không có sự sẻ chia, quan tâm từ mọi người xung quanh,…
Phương pháp điều trị bệnh tự kỷ tinh thần
Có nhiều phương pháp để giúp cải thiện và hỗ trợ điều trị tự kỷ tinh thần nói chung. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là triệu chứng cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời từ sớm để không bỏ qua “thời gian vàng để điều trị”. Cụ thể hơn, với người bị tự kỷ tinh thần, chúng ta có thể tìm đến các cách như:
Sử dụng các thuốc hỗ trợ
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho chứng tự kỷ tinh thần nhưng bác sỹ có thể dùng một số loại thuốc để giảm các triệu chứng liên quan tới tự kỷ như hung hăng, lầm lì, kém tập trung… Mỗi biểu hiện khác nhau sẽ có thuốc hỗ trợ điều trị khác nhau thuộc 4 nhóm thường dùng là:
- Nhóm thuốc chống trầm cảm: SSRIs, TC.
- Nhóm thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý
- Nhóm thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ
- Nhóm thuốc chống loạn thần
Phương pháp tâm lý giáo dục
Một số phương pháp điều trị tâm lý đã được chứng minh đem lại hiệu quả tốt trong điều trị tự kỷ tinh thần gồm:
- Phương pháp phân tích hành vi (ABA): Là một phương pháp tiếp cận khoa học nhằm hiểu rõ hành vi của chủ thể. Phương pháp này ứng dụng trong điều trị tự kỷ giúp cải thiện nhiều mặt về nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, khả năng tự phục vụ… Đồng thời hỗ trợ loại bỏ những hành vi tiêu cực và thay thế bằng những hành vi tích cực để người tự kỷ ứng xử phù hợp với cuộc sống.
- Liệu pháp về ngôn ngữ: Được áp dụng để điều trị tình trạng rối loạn ngôn ngữ, kém phát triển ngôn ngữ ở người tự kỷ tinh thần. Biện pháp này giúp cho họ có thể hiểu về ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ hình thể, cải thiện các rắc rối trong việc giao tiếp với mọi người.
- Hướng dẫn kỹ năng xã hội: Người bị tự kỷ tinh thần thường gặp khó khăn trong khả năng tương tác với người khác nên cần hướng dẫn các kỹ năng này. Phương pháp này được áp dụng chủ yếu và đem đến hiệu quả cho đối tượng bị tự kỷ là trẻ nhỏ.
- Liệu pháp tích hợp giác quan: Được sử dụng nhằm giúp người tự kỷ có khả năng điều hợp các giác quan trong việc tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin. Từ đó, giúp họ duy trì sự tập trung vào các hoạt động, giảm thiểu các hành vi không mong muốn hay các phản hồi không phù hợp.
- Tiếp cận và quan tâm đúng mực: Là việc mọi người xung quanh người tự kỷ, đặc biệt là những người thân yêu cố gắng tiếp cận, quan tâm đến người bị tự kỷ để kéo họ ra khỏi thế giới riêng. Đặc biệt có thể sẻ chia có chừng mực để họ dần dần làm quen với việc chia sẻ, tâm sự và hòa nhập.
Những lưu ý về tự kỷ tinh thần
- Tự kỷ tinh thần thực sự không có thuốc điều trị chuyên môn, có thể dùng thuốc hỗ trợ nhưng bắt buộc phải có sự kê đơn và chỉ dẫn từ bác sĩ.
- Tùy từng người mà sẽ có biểu hiện và triệu chứng khác nhau của tự kỷ tinh thần, nếu muốn kết luận chắc chắn thì nên tìm đến bác sĩ để kiểm tra.
- Các gia đình phát hiện con trẻ bị tự kỷ cần bình tĩnh và kịp thời tìm kiếm, áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp cho trẻ.
- Quá trình chữa tự kỷ tinh thần cần có sự kiên trì, không nên nóng vội cũng không nên suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng đến hiệu quả.
Trên đây là những thông tin cần biết về tự kỷ tinh thần mà nhiều người quan tâm. Mong rằng sau khi theo dõi, bạn đã có cái nhìn chính xác và đầy đủ hơn về tình trạng đang có nguy cơ tăng cao và xảy ra ở phạm vi tuổi tác rộng hơn. Nếu vẫn còn băn khoăn nào khác, hãy liên hệ trực tiếp để được hỗ trợ ngay nhé!