Bài viết hưởng ứng nhân ngày « Đi bộ vì Trẻ tự kỷ 2/4/2011»
Tôi đến với tiêu đề này khi có một người bạn gửi cho tôi mẩu chuyện « Và tôi đã bật khóc ». Đoạn kết của truyện như sau : « Giữa tiếng hoan hô cổ vũ của các giáo viên, học sinh và phụ huynh, tôi đã cảm ơn trời vì những con người tốt bụng kia có mặt trong cuộc đời đã giúp cho đứa con gái khuyết tật của tôi có thể cảm thấy mình như là một con người thật sự. Và tôi đã bật khóc“. Đọc xong những dòng này tôi thấy sao nó trùng với suy nghĩ của tôi về ngôi trường mà con tôi đang học đến thế.
Mới đây thôi, tôi có dịp tới tham gia vào giờ học ở lớp của con. Tất cả các bạn đều có những vấn đề, có thể là tăng động giảm chú ý, hoặc là rối loạn ngôn ngữ, hoặc là ngôn ngữ và giao tiếp tốt nhưng thiểu năng tư duy học tập. Chỉ có con là « nổi trội nhất » vì con tự kỷ, con thờ ơ, kiệm lời, trong khi vài bạn trong lớp vẫn lớn tiếng trao đổi, đối đáp với cô giáo hoặc là chỉ đạo con làm cái này cái khác. Cũng chỉ có con là có một cuốn sách đặt trên bàn vào giờ ăn, mỗi khi con ăn gì đó là được cô giáo chỉ vào sách để con học cách ghép câu tiếng Đức « Ich moechte Kartofel essen » (Con muốn ăn khoai tây). Con đặc biệt hơn so với các bạn đặc biệt ở đây còn bởi vì con mới rời Việt Nam và sang Đức được 1 năm, vậy mà mẹ chẳng thấy bạn nào tỏ thái độ phân biệt với con. Trong số 9 bạn thì có khoảng 4-5 bạn là có khả năng giao tiếp tốt, vì thế các bạn ấy biết bày tỏ tình cảm, và mẹ thấy tình cảm của các bạn ấy dành cho con là sự yêu mến. Bạn gái xinh đẹp Sena-nur thì luôn luôn chủ động cầm tay con, dìu con từng bước nhảy trong giờ sinh hoạt âm nhạc. Có đôi khi bạn ấy thơm vào tóc con và vuốt má con nữa. Bạn trai Medi có lúc nhìn vào mặt con và nói « MC, hãy gọi tên mình là Medi ». Cô bạn Elmira thích chỉ đạo thì luôn luôn nhắc nhở « MC, bạn phải làm thế này », hoặc « Sena-nur không được nói chuyện trong giờ ăn », Sena-nur đáp lời « Mình ăn xong rồi », Elmira có vẻ hay chú ý tới MC nên nói « MC vẫn còn 2 lát khoai tây nữa chưa ăn xong mà ». Bạn gái Poshia cũng bị tự kỷ nhưng không bị khiếm khuyết nặng về giao tiếp như con, bạn ấy có khả năng tự lập tương đối và biết nhìn vào mắt người khác khi giao tiếp. Thỉnh thoảng Poshia cũng hay nhìn vào Sena-nur và Elmira để trò chuyện, chỉ có điều khác là bạn ấy nói mà hầu như không ai hiểu bạn nói gì, hoặc có khi cãi nhau với bạn bè thì Poshia lại nhảy vào ôm bạn và nói « Mình yêu bạn ». Lại thêm một bạn gái nữa, Anna, nhỏ bé, đầu hói, gương mặt điển hình của hội chứng Down, nhưng bạn ấy có thể giao tiếp tốt và hành vi ứng xử như trẻ thường, cho dù trí tuệ kém một chút. Bạn trai Marvin thì hiền lành và thật đáng yêu, bạn ấy muốn nói chuyện với mọi người thật nhiều mà lời nói ra khó khăn quá, nhưng dù sao bạn ấy cũng sẽ tự lập được vì bạn ấy chỉ bị rối loạn ngôn ngữ, giảm khả năng học tập chứ không bị khiếm khuyết về giao tiếp xã hội như con – tự kỷ.
Những bạn gái và bạn trai ở lớp con đáng yêu thế đấy. Con ở đó, các bạn sẽ giúp con tự tin hơn, giao tiếp tốt hơn, hòa nhập tốt hơn, nhưng con có giúp ích gì cho các bạn được không ? Có thể đấy. Giả dụ con và Sena-nur cùng nhau đi bán hàng, hai cô bé xinh đẹp này ở bên nhau thì sẽ bắt mắt khách hàng lắm thay. Sena-nur sẽ nói với khách « Mời bác mua hàng đi ạ » – nếu muốn MC nói được câu ấy thì chắc phải tập nhiều lần như tập kịch ấy. Rồi Sena-nur lại đon đả : « Cái này ư, giá 5 euro một cái, bác mua mấy cái ạ ? » và quay sang nói với MC : « Bạn cộng tiền đi, cái phép toán cộng này thật là phiền hà với mình đấy ». MC sẽ lẩm bẩm rồi thờ ơ buông ra một con số nào đó nhưng chắc chắn là đúng đấy. Lại chờ Sena-nur chỉ đạo : « MC, đây bạn kiểm tiền xem đủ chưa ? ». Ồ, dễ ợt, đếm thì là sở trường của MC rồi.
Tự kỷ nhìn chung là có nhiều trường hợp kiêm luôn cả khiếm khuyết khả năng tư duy học tập, nhưng con thì lại có thể học được kiến thức. Cô giáo nói, con là tự kỷ, và tương lai của con sẽ là : Con có thể biết đọc, biết viết, biết làm toán, nhưng con sẽ chỉ làm những việc ấy khi ai đó bảo con làm chứ con không biết chủ động ứng dụng nó vào đời sống hàng ngày. Bởi vậy bố mẹ biết con khó lòng sống tự lập, nhưng với sự giúp đỡ của tất cả mọi người như cô giáo, các bạn,… và rất nhiều rất nhiều những hỗ trợ khác từ xã hội này, thì nhất định con sẽ có cơ hội sống bán tự lập và sẽ có thể đi làm các công việc dành cho người khuyết tật. Ôi, được như thế thì bố mẹ cũng an lòng đôi chút.
Trở lại với giờ sinh hoạt âm nhạc toàn khối vào 11h30 trưa thứ 6. Hôm tôi tham dự lại đúng là ngày sinh nhật của bạn Andre ở lớp bên cạnh của MC. Các bạn cùng các cô hát rất nhiều bài hát vui nhộn và kèm theo cả nhảy múa. Bạn Andre ngồi trên xe lăn, trên cổ bạn ấy luôn luôn là một dải yếm để giúp bạn đón nhận những dòng nước trắng từ trong cổ họng tuôn ra bởi cái lưỡi của bạn ấy không ở yên trong miệng. Cái đầu của bạn lúc nào cũng nghiêng sang một bên, và ánh mắt thì hình như bạn ấy không nhìn ai. Hai tay và chân bạn dường như thừa thãi, chẳng làm việc gì cả. Bạn ấy bị hội chứng Down kèm thiểu năng trí tuệ nặng, không thể nói, không thể vận động. Hôm nay mọi nguời hát mừng sinh nhật bạn « Chúc mừng sinh nhật Andre đáng yêu, mừng ngày Andre ra đời … » Bạn được đưa ra giữa hội trường, mọi người hát và nhảy nhót xung quanh. Rồi có những bài hát mà tất cả mọi người bám đuôi nhau đi vòng quanh hội trường, bạn Andre cũng được một người đẩy xe nối vào hàng và hai bánh xe lăn của bạn ấy cũng nhún nhẩy theo điệu nhạc chứ không chỉ là đơn thuần là những vòng lăn. Giây phút ấy, tôi cảm nhận cái người ngồi trên chiếc xe lăn ấy chính là một con người thực sự.
Trước mấy chục học sinh và nhiều thầy cô giáo, tôi nhất quyết không thể để lộ một giọt lệ nào và tôi chỉ có thể thầm bật khóc.
Mẹ bé MC – Đức