Khi bác sĩ cho biết cậu con trai ba tuổi đã mắc phải hội chứng tự kỷ, anh Phạm Ngọc Vượng không thể nào chấp nhận! Nhưng rồi chính anh đã nỗ lực không mệt mỏi để đưa con hoà nhập với cộng đồng…
Anh Vượng cho biết: bé Phạm Thành Long là một đứa trẻ bụ bẫm, khoẻ mạnh cho tới khi được ba tuổi, nhà trẻ trả bé về vì bé có những biểu hiện rất lạ. Lần đầu tiên nghe bác sĩ nói về chứng tự kỷ con mình mắc phải, vợ anh sốc nặng, còn anh cứ khăng khăng: “Con tôi khôi ngô sáng sủa thế cơ mà!”
Nuôi con trong mù mịt
Anh Vượng nhớ lại: năm 2002, khi bé Thành Long được phát hiện mắc hội chứng tự kỷ, chưa mấy ai biết rõ căn bệnh này ngoài một số bác sĩ chuyên khoa, lại càng không có một phương pháp nào hỗ trợ phụ huynh trong quá trình điều trị. Đưa con về mà hai vợ chồng không biết phải làm gì. Cho tới bảy tuổi, Thành Long vẫn không biết nói mà khóc cười không kiểm soát. Tất cả kỹ năng sống của bé là con số không, mặc cho bao nỗ lực của ba mẹ và ba giáo viên được thuê tới nhà kèm cặp… Tháng 6.2006, vợ chồng anh Vượng gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, trưởng đơn vị tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM xin được tham vấn. Nghe bác sĩ mô tả chứng tự kỷ đúng y như những gì con mình gặp phải, lòng anh se thắt, rồi từ đó chưa lúc nào anh thôi nghĩ đến cách chữa chứng bệnh này cho con.
Vì con, ba thêm sáng kiến
Một lần tới thăm một gia đình cũng có con tự kỷ, anh Vượng choáng váng với những đồ chơi và dụng cụ học tập trị giá hàng trăm triệu đồng của con họ! Nhưng không lẽ vì nghèo mà không có cách nào giúp được con mình? Vậy là vào những lúc rảnh rỗi, người đàn ông học thức không cao, kiếm sống bằng nghề mài dao kéo ấy lao vào khám phá thế giới bí ẩn mà con trai đang chìm đắm… Anh thử mua những bức tranh đơn giản về dán vào những miếng gỗ ép, sau đó cưa nhỏ từng phần làm “giáo cụ” theo phương pháp anh tự nghĩ. Vậy mà chỉ sau một tuần theo phương pháp của ba, Thành Long chuyển biến vượt bậc khi có thể nhận biết từng bộ phận cơ thể, một việc quá sức đơn giản với những trẻ bình thường nhưng mẹ và các cô giáo đã miệt mài giúp bé suốt sáu tháng trời không kết quả!
Sau kết quả đầu tiên, anh Vượng tiếp tục sáng tạo những bài học nâng cao để giúp bé tập nói. Sau hai năm ròng, chiếc hộp đựng dụng cụ học tập do người cha tự tay làm đã lên tới hàng ngàn miếng gỗ ghép đủ kích cỡ, kiểu dáng. Chỉ một thời gian ngắn, từ “một cậu bé trên trời rơi xuống” như nhận xét của một giáo viên dạy kèm, Thành Long làm được những kỳ tích đối với trẻ tự kỷ như biết tự vệ sinh cơ thể, biết nói từng chữ rõ ràng, thậm chí còn biết đọc, biết viết! “Tôi sử dụng hình ảnh để minh hoạ mặt chữ theo phương pháp chụp hình, sau đó lại nghĩ cách dạy để con mình hiểu về ý nghĩa, quy tắc của các con số và chữ. Tới nay thì tôi đã nghĩ ra ba phương pháp để dạy trẻ tự kỷ biết đọc một cách hoàn hảo…”, anh Vượng chia sẻ.
Hướng tới những sẻ chia cộng đồng
Hãy nhìn thẳng và chấp nhận tình trạng bệnh của con mình, nếu được can thiệp sớm trẻ tự kỷ sẽ có cơ hội hoà nhập cộng đồng rất nhanh. |
Thành Long nay đã 12 tuổi, dù không thể giống những đứa trẻ bình thường nhưng đã tự lực được rất nhiều trong cuộc sống. Bên cạnh bé, vẫn luôn có người cha tận tuỵ dõi theo con từng bước. Không dừng ở đó, anh Vượng còn phổ biến kinh nghiệm cho những gia đình đồng cảnh ngộ, lập ra những nhóm sinh hoạt đồng cảnh để chia sẻ phương pháp dạy trẻ tự kỷ. Nhiều phụ huynh nhờ anh làm giúp những giáo cụ như anh đã làm cho con mình. Sau rất nhiều suy nghĩ, hai vợ chồng anh quyết định bán căn nhà đang ở tại quận Tân Phú (TP.HCM) dọn về nhà bà ngoại, để phần nào chi trả những chi phí trước đây vay mượn trị bệnh cho con, một phần đầu tư máy móc để ra được những sản phẩm vừa rẻ, vừa hữu dụng cho những gia đình có trẻ tự kỷ. Anh Vượng cho biết, tất cả mọi hoạt động, anh chị đều làm phi lợi nhuận.
“Nhiều người không tin tôi đã dạy Thành Long tập đi xe đạp hai bánh trong đúng năm ngày, tôi phải chứng minh bằng cách nhận năm trẻ tự kỷ để dạy, và tất cả đều thành công. Có người đề nghị trả tôi những số tiền lớn để về kèm cho con họ nhưng tôi buộc lòng từ chối. Ở đây, tôi có thể giúp đỡ được nhiều trẻ tự kỷ hơn, và chính con tôi vẫn cần sự chăm sóc của tôi. Tôi xin gửi lời tới các bậc phụ huynh khác rằng: Hãy nhìn thẳng và chấp nhận tình trạng bệnh của con mình, nếu được can thiệp sớm trẻ tự kỷ sẽ có cơ hội hoà nhập cộng đồng rất nhanh. Để làm được điều đó, không thể chờ đợi phép màu mà phải đánh đổi bằng thời gian, tâm huyết của chính các bậc cha mẹ…”, anh Vượng thổ lộ.
bài và ảnh: Hương Vũ