Ngày 1/4, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi hỗ trợ hơn nữa cho các bệnh nhân tự kỷ và gia đình họ do nhận thức của họ về căn bệnh này vẫn còn thấp, các bệnh nhân vẫn bị phân biệt đối xử, lạm dụng, cô lập và những quyền cơ bản của họ bị vi phạm.
Ngày 1/4, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi hỗ trợ hơn nữa cho các bệnh nhân tự kỷ và gia đình họ do nhận thức của họ về căn bệnh này vẫn còn thấp, các bệnh nhân vẫn bị phân biệt đối xử, lạm dụng, cô lập và những quyền cơ bản của họ bị vi phạm.
Trong thông điệp nhân “Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ” (2/4), ông Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Trẻ em và những người mắc bệnh tự kỷ phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có sự phân biệt đối xử cũng như thiếu khả năng tiếp cận sự hỗ trợ. Nhiều người phải vật lộn với các rào cản trong cuộc sống hàng ngày”.
Ông cho rằng số người mắc bệnh tự kỷ đang tăng lên ở tất cả các quốc gia, sắc tộc và nhóm xã hội, song nhận thức về căn bệnh này vẫn thấp dù nó đã được thừa nhận trong cộng đồng khoa học và y tế.
Ông Ban Ki-moon cho rằng “Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ” là cơ hội để huy động các hành động và sự trợ giúp của xã hội đối với những người mắc bệnh.
Tự kỷ là một sự rối loạn phức tạp, và trong nhiều trường hợp, việc điều trị bệnh sớm và phù hợp có thể mang lại những cải thiện đáng kể.
Đó là lý do tại sao việc nâng cao nhận thức về các dấu hiệu tự kỷ và cung cấp những dịch vụ sớm nhất có thể trở nên quan trọng.
Ông Ban Ki-moon cũng cho rằng cần hỗ trợ cho cha mẹ các bệnh nhân tự kỷ, tạo việc làm cho những cá nhân bị bệnh trên cơ sở kỹ năng và sức khoẻ của họ, cải thiện hệ thống giáo dục công để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của sinh viên mắc bệnh tự kỷ.
Những bước đi như vậy sẽ mạng lại lợi ích cho cả xã hội và làm phong phú đời sống của những bệnh nhân tự kỷ cũng như người thân của họ./.