VOVNews.vn: Thêm hy vọng cho trẻ tự kỷ

Khi sinh ra là một đứa trẻ tự kỷ, thế giới của con không rực rỡ như những đứa trẻ bình thường khác. Điều đó không có nghĩa con đáng phải nhận những ánh nhìn kỳ thị từ những người xung quanh.

Cách đây 10 năm, khi tự kỷ vẫn còn là khái niệm xa lạ ở Việt Nam, những đứa trẻ sinh ra với “khuyết tật phát triển” này luôn bị mọi người xung quanh nhìn với ánh mắt hoàn toàn xa lạ, e ngại và thiếu thiện chí. Hành trình của những ông bố, bà mẹ có những đứa con không may mắc chứng tự kỷ, trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Họ vừa phải gồng mình trang trải cho cuộc sống của gia đình, vừa phải là người bạn, người thầy dạy cho con những điều nhỏ nhất trong sinh hoạt, ứng xử, lại phải đấu tranh làm cho cộng đồng hiểu, cảm thông và giúp đỡ cho đứa con thơ luôn ngờ nghệch về thế giới.

Đã không biết bao lần họ cay đắng khi phải nghe những từ miệt thị, những câu nói cào xé ruột gan của những người may mắn có những đứa con bình thường, rằng tự kỷ là do cha mẹ thiếu chăm sóc, rằng đó là bệnh của con nhà giàu… Trong khi, khoa học thế giới đã khẳng định đây là hội chứng do những rối loạn sinh học chưa tìm được gây ra trong những năm đầu đời của trẻ.

Cứ như thế, những phụ huynh có con em tự kỷ bền bỉ chịu đựng, kiên nhẫn hy vọng càng ngày, xã hội sẽ đối xử với

Trên thế giới, tỉ lệ mắc tự kỷ hiện nay là 1/110

con mình như những đứa trẻ bình thường ngoài kia…

Và rồi ngày 18/4/2010, những người có con em mắc hội chứng tự kỷ tại Việt Nam vui mừng tổ chức ngày đi bộ “Cùng trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng” sau những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức về tự kỷ cho mọi người trong xã hội. Kể từ đây, những người làm cha, làm mẹ có con bị tự kỷ sẽ cảm thấy bớt đơn độc trong hành trình đưa con đến với thế giới xung quanh, để được chấp nhận và chia sẻ như một đứa trẻ phát triển bình thường.

Tôi có mặt ở một lớp sinh hoạt cho trẻ tự kỷ nằm trên con phố Trần Quang Diệu vào một ngày cuối tháng 3, trước ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ (2/4) không xa. Căn phòng nhỏ chừng 20m vuông là nơi sinh hoạt đều đặn hàng tuần cho những đứa trẻ tự kỷ đến từ nhiều trường, trung tâm đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật trên địa bàn Hà Nội. Cũng phấn, cũng bảng, cũng giấy vẽ, màu tô, cũng đàn điện tử, nhưng lớp học ấy khác với tất cả những lớp học bình thường mà tôi đã trải qua. Để quản lý 8 em học sinh, cần tới 2 cô giáo và sự giúp đỡ từ các bạn sinh viên tình nguyện. Mỗi em một nhận thức, một sự phát triển khác nhau đòi hỏi sự quan tâm, chăm sóc khác nhau. Có chứng kiến mới thấu hiểu được sự vất vả, nhọc nhằn và tính kiên nhẫn của cha mẹ những trẻ em tự kỷ.

Buổi sinh hoạt hôm đó, theo lời cô giáo, các em được hướng dẫn để làm một biểu ngữ cho buổi đi bộ “Cùng hành động vì trẻ tự kỷ” tại Mỹ Đình sắp tới. Những cánh tay nhỏ nhắn, đôi khi không tự chủ của các em, đã cùng nhau viết nên dòng chữ “Chúng tôi giống như các bạn”, trước khi cùng in hình bàn tay nhiều màu sắc lên trang giấy.

Chị Thuý, giáo viên của lớp, đã có hơn 9 năm trong việc dạy trẻ tự kỷ cho biết: “Nhận thức về trẻ tự kỷ bây giờ đã khác rất nhiều so với ngày xưa. Khi tôi được tiếp xúc và bắt đầu nhận dạy trẻ tự kỷ lần đầu tiên năm 2002, lúc đó, nếu hỏi mọi người tự kỷ là gì, sẽ chẳng ai biết. Nhưng giờ mọi thứ đã khác, công nghệ Internet cho chúng tôi có điều kiện tiếp cận với các tài liệu của nước ngoài, các hoạt động tuyên truyền về trẻ tự kỷ cũng được đẩy mạnh, nên có thêm nhiều cơ hội để trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, có lẽ để đến một ngày xã hội không còn cái nhìn kỳ thị, xa lánh với trẻ tự kỷ, chúng tôi sẽ còn cả một chặng đường dài phía trước”.

Ngày 2/4 năm nay là một ngày tiếp nối trên chặng đường dài ấy, là ngày mở thêm hy vọng cho những trẻ tự kỷ, mong muốn có được sự tôn trọng và đối xử công bằng từ xã hội, khi Hội Người Khuyết tật thành phố Hà Nội và Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội tổ chức Mít tinh và đi bộ “Cùng hành động vì trẻ tự kỷ”. tại Quảng trường Sân Vận động Quốc gia Mỹ Đình.

Xin được trích dẫn những dòng tâm sự của một người mẹ, có con bị tự kỷ đăng trên trang web của CLB trẻ tự kỷ Hà Nội (tretuky.com) làm lời kết: “Mỗi năm, thế giới có ngày 2/4, ngày để nói về tự kỷ. Bắt đầu từ đêm nay, 1/4, những ngọn đèn màu xanh lơ được thắp lên khắp thế giới để chào đón ngày này. Và tôi cũng sẽ thắp một ngọn đèn xanh… Tôi muốn trút đi những nỗi buồn, đôi chút trách móc đắng cay của suốt ba năm qua đi cùng tự kỷ. Để rồi ngày mai chờ đợi một điều tốt đẹp hơn từ những ánh mắt, những bàn tay bạn bè. Dù sao, mỗi năm đã có một tháng Tư, một ngày để cho tôi, cho con, một ngày để dần xóa đi mọi định kiến, một ngày để được yêu thương, chào đón và hy vọng”./.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *